Báo xuân

Săn "thủy quái" nơi ngã ba sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thung lũng Ayun Pa (Gia Lai), nơi gặp nhau của con sông mẹ-Ayun và sông cha-Pa như hòa quyện, sản sinh ra một vùng đất trù phú với nhiều sản vật tự nhiên ít nơi bì kịp. Và những ngư dân mưu sinh trên vùng đất ngã ba sông vẫn thường rỉ tai nhau về nghề săn loài “thủy quái” trên khúc sông này.  

Già làng Ksor Buk (buôn Ma Knik, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) kể rằng, vùng đất ngã ba sông sản sinh ra nhiều loài cá quý hiếm như: cá đá, cá chốt, nhất là loài cá phá được xem là một “thủy quái”.

Giai thoại “thủy quái”

 

Việc săn được cá phá đôi khi đem lại nguồn thu nhập bất ngờ cho người dân. Ảnh: Đức Phương
 Ảnh: Đức Phương

Cá phá là loại cá có đầu to, nhọn, hàm rộng, thân mình tròn đầy, thon dài chắc nụi, con to có khi dài đến cả sải tay người lớn. Cá thường ở dưới đáy sông, vùng nước sâu có nhiều vũng xoáy và hốc đá hiểm trở. Đêm đến cá nổi lên một lúc để đớp trăng sao rồi lại biến sâu vào dòng nước xiết.

Trái ngược với lớp vảy nhiều màu sắc, cá phá có đặc tính hung tợn, sẵn sàng lao thẳng vào người và thuyền của ngư phủ để tìm đường thoát thân mỗi khi bị vây bắt. Ngư phủ muốn săn được loài cá này phải có lòng dũng cảm, sự kiên trì và sức khỏe.

Theo già Ksor Buk, giữa tháng Chạp là mùa cá phá ngược dòng từ sông Ba lên thượng nguồn sông Ayun để sinh sản. Để săn được cá phá, xẩm tối, ngư phủ phải chia thành từng nhóm 2-3 người đưa thuyền lên thượng nguồn sông Ayun đoạn dưới đập xả lũ của hồ thủy lợi Ayun Hạ, rồi dong thuyền xuôi hơn 20 cây số về đến đoạn giao nhau với sông Ba ở Bến Mộng. Họ thức trắng đêm kiên trì nhẫn nại để rà tìm. Để bắt được cá, những ngư dân thường đi thuyền, dùng lưới vây, câu quăng và một chiếc đinh ba bằng sắt dài sắc nhọn. Khi cá mắc vào câu thì dong thuyền trôi theo đến khi cá mệt lử rồi mới bung lưới ra vây lại và dùng ba chĩa đâm vào đầu cá để lôi lên bờ.

Với kinh nghiệm trên 40 năm làm nghề đánh bắt cá trên sông Ba, già Ksor Buk không thể nhớ là mình đã bắt được bao nhiêu con cá phá, chỉ biết rằng con lớn nhất nặng chừng 50 kg. “Một buổi tối cách đây hơn 20 năm, mình thả lưới ở Bến Mộng. Khi kéo lưới lên, mình nghe tiếng quẫy mạnh, phải buộc lưới ghì vào thuyền. Một lúc sau, mình đánh liều kéo lưới lên, để con dao sắc cạnh người thủ thế. Bất ngờ dưới dòng nước xiết một con cá khổng lồ giống như cá mập đang mắc lưới, lao đi lao lại như một con thú dữ. Đuôi thuyền nảy lên tròng trành mấy lần suýt lật. Khi ngọn lao nhọn đã cắm phập vào đầu cá, mình tá hỏa nhận ra đích thị là một con cá phá dài, vảy phủ rêu xanh, cân nặng gần 50 kg. Cả làng xúm đến xem. Mình kêu mọi người cùng làm thịt nhưng ai cũng sợ, nói là cá ma”-già Buk nhớ lại.

Ông Rcom Pơ (ở buôn Ama Dương, thị xã Ayun Pa) xác nhận: “Ngày trước cứ hai ba tuần lại có người bắt được cá phá nặng vài chục ký nhưng dân làng không dám ăn vì cho là cá ma”.

Đặc sản ngã ba sông

 

Một con cá phá “khủng” ở ngã ba sông do ngư dân bắt được. Ảnh: Đức Phương
Một con cá phá “khủng” ở ngã ba sông do ngư dân bắt được. Ảnh: Đức Phương

Mặc dù sống ở dưới đáy sông, nhưng cá phá không hề có mùi bùn hôi tanh mà ngược lại, thịt cá có màu trắng, dai và thơm ngon đặc trưng. Thịt cá dùng để sốt cà chua, hấp, chiên, nấu lẩu… đều ngon. Đặc biệt, bong bóng và lòng cá phá xào lên có vị thơm nồng, sần sật, dai dai, ngọt ngọt… rất được dân nhậu ưa dùng. Ông Dương Xuân Đào-chủ nhà hàng Tuổi Trẻ ở thị xã Ayun Pa là người có khá nhiều mối cá phá từ các thợ săn cá chuyên nghiệp. “Lúc trước hễ săn được cá phá to là cánh thợ câu gọi điện cho tôi liền. Bây giờ nhiều nhà hàng tranh mua, đưa món cá phá vào thực đơn đặc biệt nên ít khi có hàng để bán”-ông Đào cho hay.

Tiếng thơm cá phá đồn xa, nhiều người có tiền trong vùng tìm cá phá để ăn và làm quà biếu, vì thế cá phá đã quý càng thêm hiếm. Cánh thương lái cá sông sẵn sàng phá giá để sở hữu món hàng đặc biệt này. Chị Hương (chủ vựa cá sông ở xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện) nói: “Bây giờ vào chợ Ayun Pa đừng hòng mua được cá phá. Bởi lẽ, các thương lái đã đặt các thợ câu từ trước rồi. Hễ bắt được cá 4-5 kg/con trở lên là họ gọi điện, chúng tôi chuẩn bị sẵn thùng đá bảo quản. Sáng sớm khi thuyền câu về là cá được mổ bụng cho vào thùng bảo quản, lên xe đò chuyển đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Bình thường giá cá 200.000 đồng/kg, vào dịp lễ, Tết giá đội lên 400.000 đồng/kg mà cũng khan hiếm hàng”.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm