Săn vắc xin dịch vụ: Tiền mất, tật mang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kiên quyết không cho con tiêm vắc xin 5 trong 1 (Quinvaxem) trong chương trình tiêm chủng mở rộng vì tâm lý e ngại, lo sợ; nhiều phụ huynh chuyển sang việc tìm nguồn vắc xin dịch vụ bất chấp việc khan hiếm của các loại vắc xin này. Trong 161 điểm tiêm vắc xin dịch vụ theo công bố vừa qua của Bộ Y tế thì Gia Lai lại không có một điểm tiêm nào khiến nhiều người lo lắng…

Mất tiền vẫn không tiêm được vắc xin dịch vụ

Con trai đã được hơn 4 tháng tuổi nhưng đến thời điểm hiện tại vợ chồng anh Nguyễn Nhật Ngân-đường Wừu, phường Hội Thương, TP. Pleiku lại chưa cho con tiêm vắc xin Quinvaxem (phòng 5 bệnh gây nguy hiểm cho trẻ gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và các bệnh gây ra do vi khuẩn Haemophilus influenzase (Hib) đặc biệt là viêm màng não mủ trong một mũi tiêm) trong chương trình tiêm chủng mở rộng vì lo sợ. Trong khi đó, theo đúng lịch thì đáng lẽ bé đã phải tiêm mũi thứ hai…

 

Tiêm phòng đầy đủ giúp trẻ phòng bệnh một cách hiệu quả. N.N
Tiêm phòng đầy đủ giúp trẻ phòng bệnh một cách hiệu quả. Ảnh: N.N

Sau khi nghe thông tin đã có vắc xin dịch vụ nhập về và đã cho triển khai tiêm tại một số điểm tuy nhiên khi tra cứu thì Gia Lai lại không có trong số này khiến vợ chồng anh Ngân càng thêm lo lắng. Anh cho biết: “Biết là đến thời điểm này đã là muộn đối với bé nhưng chúng tôi quyết tâm tìm cho được vắc xin dịch vụ mới cho con tiêm. Nếu Gia Lai không có thì vợ chồng tôi sẽ xuống Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bình Định hoặc vào TP. Hồ Chí Minh để tiêm cho cháu. Chi phí tốn kém thế nào cũng được, chỉ sợ không có vắc xin để tiêm cho cháu”.

Tương tự, vợ chồng anh Nguyễn Anh Tuấn đường Hùng Vương, TP. Pleiku cũng quyết tâm cho con tiêm bằng được vắc xin dịch vụ. Đầu tháng 12 vừa qua, hai vợ chồng đưa con gái gần 5 tháng tuổi vào TP. Hồ Chí Minh để tiêm vắc xin dịch vụ. Tuy nhiên, vào tới nơi thì hỡi ơi tại đây cũng đang trong tình trạng hết vắc xin 6 trong 1 và cả vắc xin 5 trong 1 của Pháp. Chi phí chuyến đi này, vợ chồng anh Tuấn tốn cả chục triệu đồng nhưng cũng chỉ mới cho cháu uống vắc xin rotavirút và tiêm mũi phế cầu…

Niềm tin lung lay vì… tâm lý e ngại dây chuyền

Được sử dụng vào năm 2007 tại Việt Nam đến năm 2013, sau nhiều ca phản ứng được cho là liên quan đến vắc xin Quinvaxem, việc tiêm vắc xin này đã tạm thời bị dừng lại để điều tra và sau khi Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc-UNICEF khẳng định là Quinvaxem vẫn an toàn thì việc tiêm vắc xin này trong chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai lại. Nhiều bậc phụ huynh sau đó đã chấp nhận và tin tưởng vào vắc xin này nhưng có lẽ niềm tin ấy đã và đang bị lung lay vì hiệu ứng lo sợ dây chuyền trong thời gian qua.

Việc liên tiếp đưa thông tin về những tai biến được cho là liên quan đến vắc xin Quinvaxem trong thời gian qua dù chưa có công bố chính thức của cơ quan y tế khiến nhiều người dân hoang mang, lo sợ. Thực tế, nhiều trường hợp trẻ tử vong vì những bệnh lý đi kèm chứ không phải do vắc xin. Trong khi đó, việc đưa tin thiếu kiểm chứng, vội vàng cộng thêm với tốc độ lây lan nhanh chóng của mạng thông tin đã tạo nên tâm lý e ngại dây chuyền ở nhiều người, nhiều gia đình có con trong độ tuổi tiêm chủng. Không chỉ e ngại với vắc xin Quinvaxem mà họ còn e ngại cả đối với việc tiêm chủng. Điều này đã và đang gây ra những hậu quả đáng tiếc. Nói về vấn đề này, ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh thẳng thắn nêu quan điểm.

Trở lại việc vì sao Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh không nhập vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 dịch vụ, ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: Sở dĩ Trung tâm không nhập về vì lượng vắc xin rất khan hiếm, giá cả lại đắt đỏ. Bên cạnh đó nếu nhập hàng mà không đảm bảo cho các cháu tiêm đầy đủ các mũi tiếp theo thì cũng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khác.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, vắc xin Quinvaxem được đánh giá an toàn. Đây là vắc xin được sử dụng rộng rãi nhất trên phạm vi toàn cầu, đứng đầu trong các loại vắc xin 5 trong 1. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc bỏ tiêm vắc xin hoặc tiêm không đầy đủ sẽ khiến trẻ có thể dễ dàng mắc các bệnh mà lý ra có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh hãy đưa con em trong độ tuổi tiêm phòng đến trạm y tế xã, phường, thị trấn để tiêm đầy đủ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đừng vì quá lo sợ mà khiến trẻ mất “cơ hội vàng” phòng bệnh... và đến khi hối hận thì cũng đã quá muộn màng.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm