Kinh tế

Nông nghiệp

Sản xuất rau an toàn: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai và TP. Đà Nẵng ký kết thỏa thuận sản xuất-cung ứng rau, quả an toàn đã mở ra cơ hội rất lớn cho người trồng rau trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở các huyện, thị xã khu vực phía Đông. Tuy nhiên, để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường Đà Nẵng đòi hỏi người trồng rau trong tỉnh phải có sự liên kết thành tổ chức, thống nhất về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm.

Nông dân chưa mặn mà với sản xuất rau an toàn

Nhiều năm nay, năm nào huyện Đak Pơ cũng trích kinh phí hàng trăm triệu đồng để triển khai thực hiện các mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP; thành lập các tổ hợp tác sản xuất rau an toàn; tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rau an toàn cho bà con nông dân. Các mô hình đều cho kết quả tốt.

 

Sản phẩm rau Gia Lai đã có mặt tại nhiều thị trường lớn trong nước. Ảnh: Đức Thụy
Sản phẩm rau Gia Lai đã có mặt tại nhiều thị trường lớn trong nước. Ảnh: Đức Thụy

Tuy nhiên, khi kết thúc, không ít bà con nông dân vẫn quay về với phương thức canh tác cũ bởi ít tốn công, năng suất cao và giá bán thì ngang với giá rau được trồng theo hướng VietGAP. Đó chính là lý do dù toàn huyện Đak Pơ có đến gần 6 ngàn ha đất trồng rau với sản lượng rau xanh trên 102 ngàn tấn mỗi năm nhưng diện tích trồng rau an toàn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.

Ông Nguyễn Thái Sơn (một nông dân ở tổ dân phố 3, thị trấn Đak Pơ) cho rằng, muốn triển khai hiệu quả việc sản xuất và cung ứng rau an toàn thì trước hết phải tuyên truyền, vận động người dân triển khai đồng loạt, có sự liên kết chặt chẽ để đảm bảo sản phẩm làm ra có đầu ra ổn định, đảm bảo thu nhập, lợi nhuận cho người nông dân. Song song với đó, nhất thiết phải có sự kiểm nghiệm rõ ràng, có sự phân loại giữa rau an toàn và rau không an toàn. Bởi lẽ, trồng rau an toàn và sử dụng rau an toàn là điều ai cũng muốn. Chỉ cần có chỗ đứng vững chắc và đầu ra ổn định thì dù rau an toàn có tốn công sức và đầu tư cao hơn nhưng người dân vẫn sẽ tích cực triển khai và tự giác nhân rộng.

Để khuyến khích sản xuất rau an toàn, theo bà Trần Thị Trà-Giám đốc Công ty TNHH Thanh Thiên Phú (huyện Kông Chro), cần có những giải pháp để nông dân cảm thấy an toàn với sản phẩm mình làm ra. Rau an toàn là rau được trồng theo đúng quy trình, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, đảm bảo an toàn đối với người sử dụng nhưng cũng phải an toàn với chính người trồng ra nó. Đó là an toàn về giá cả, nơi tiêu thụ và lợi nhuận thu được.

Cơ hội tiếp cận thị trường lớn

Theo thống kê của Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), hàng năm, toàn tỉnh gieo trồng 27 ngàn ha rau các loại với sản lượng trên 350 ngàn tấn. Trong đó, vùng trồng nhiều rau nhất vẫn là các huyện, thị xã khu vực phía Đông tỉnh gồm: An Khê, Đak Pơ, Kông Chro, Kbang. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, sản phẩm rau Gia Lai đã có mặt tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Duyên hải miền Trung.

Trong số các địa phương này, Đà Nẵng là thị trường mới nổi tiềm năng với dân số hơn 1 triệu người và lượng khách du lịch trong năm 2017 đạt gần 6 triệu lượt người. Đây được xem là thị trường rất quan trọng để các địa phương trong tỉnh hợp tác phát triển chuỗi cung ứng. Hàng năm, thành phố này tiêu thụ khoảng 30 ngàn tấn rau của các huyện, thị xã khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai.

Tháng 8-2017, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai và TP. Đà Nẵng đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác về sản xuất-cung ứng rau, quả an toàn giai đoạn 2017-2020. Theo đó, nội dung hợp tác là xây dựng các chuỗi cung ứng rau, quả an toàn được sản xuất tại Gia Lai và tiêu thụ tại Đà Nẵng; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của tỉnh Gia Lai và TP. Đà Nẵng ký kết hợp đồng sản xuất, cung ứng rau, quả an toàn; phối hợp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm rau, quả và nông sản khác giữa 2 địa phương, kiểm soát chặt chẽ các nguồn rau, quả được sản xuất tại tỉnh Gia Lai đưa đến tiêu thụ tại Đà Nẵng nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Với thỏa thuận hợp tác này, tới đây, việc tiêu thụ rau ở thị trường Đà Nẵng sẽ được kiểm soát gắt gao và chặt chẽ hơn, yêu cầu nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau an toàn. Theo như lời ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại hội nghị triển khai công tác sản xuất, cung ứng rau an toàn được tổ chức mới đây tại huyện Đak Pơ thì không còn cách nào khác, những người sản xuất rau chân chính phải liên minh, liên kết lại với nhau thành tổ chức, có thể là tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp. Tổ chức của những người cùng sản xuất rau sẽ thống nhất với nhau về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm…

Đồng thời, tự giám sát chéo các thành viên trong tổ chức để kịp thời phát hiện những trường hợp chưa tuân thủ quy trình của tổ chức. Tổ chức của người dân thống nhất về nhãn mác, ký hiệu, logo để nhận diện và cùng nhau xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Khi tổ chức của người dân trồng rau chặt chẽ, mạnh lên mới tạo ra sức hút để liên minh với các doanh nghiệp cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, doanh nghiệp thu mua sản phẩm đầu ra để tạo thành chuỗi sản xuất chặt chẽ. Như vậy, sản phẩm của tổ chức sẽ tiếp cận tốt với những thị trường khó tính, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nguyễn Hiền

Có thể bạn quan tâm