Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Siết chặt quản lý giống cây trồng và vật tư nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chất lượng giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, tuy công tác quản lý chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp được các cấp, ngành triển khai quyết liệt song thực tế vẫn còn gặp không ít khó khăn, bất cập.

Bước vào vụ trồng mới, thị trường giống cây trồng và vật tư nông nghiệp hoạt động khá nhộn nhịp. Ông Cao Văn Hiếu (chủ vườn ươm ở thôn 11, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) cho biết: “Vườn ươm cây giống của gia đình hoạt động được vài năm nay. Qua công tác tuyên truyền của ngành chức năng, gia đình đã thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý như giấy phép kinh doanh, thuế, nhất là quy trình gieo ươm các loại cây giống có chứng từ, hóa đơn, nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng để đảm bảo chất lượng cây giống cung cấp cho người dân sản xuất. Hiện tại, cơ sở đã chuẩn bị khoảng 2 vạn cây giống cà phê có nguồn gốc từ Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên và khoảng 15 vạn cây bời lời giống để cung cấp cho người dân trồng mới trong mùa mưa sắp đến”.

 

Kiểm tra một cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống trên địa bàn huyện Chư Pah. Ảnh: N.D
Kiểm tra một cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống trên địa bàn huyện Chư Pah. Ảnh: N.D

Với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, Gia Lai trở thành thị trường tiêu thụ lớn của các đơn vị sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp. Thực tế trên đòi hỏi các cơ quan chuyên môn phải tăng cường công tác quản lý chất lượng giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân khi sử dụng. Để đảm bảo chất lượng nguồn cây giống, vào đầu vụ sản xuất, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến văn bản pháp luật về sản xuất kinh doanh giống cây trồng cho tổ chức, cá nhân. Sở cũng thành lập các đoàn thanh-kiểm tra, phúc tra liên ngành về sản xuất kinh doanh, lưu thông giống cây trồng trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, cho biết: Để đảm bảo chất lượng giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, hàng năm, huyện đều thành lập đoàn thanh-kiểm tra liên ngành để kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Trong năm 2017, đoàn đã thanh-kiểm tra 34 cơ sở, qua đó phát hiện 13 cơ sở vi phạm với các lỗi như: nhãn mác hàng hóa, sắp xếp hàng hóa chưa đúng quy định. Đoàn đã nhắc nhở 7 cơ sở và xử phạt  6 cơ sở với số tiền trên 30 triệu đồng.  

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong năm 2017, các đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 120 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng. Qua kiểm tra đã phát hiện 100 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 3 cơ sở kinh doanh giống cây trồng với số tiền 5,5 triệu đồng; nhắc nhở 97 cơ sở chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh… Đối với mặt hàng vật tư nông nghiệp, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã thanh tra 42 tổ chức, cá nhân và xử phạt hành chính 22 trường hợp với số tiền trên 41 triệu đồng. Ngoài ra, các địa phương còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức thanh-kiểm tra, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn nhằm hạn chế tình trạng cây giống và vật tư nông nghiệp kém chất lượng, ảnh hưởng đến mùa vụ và thu nhập của người nông dân...

Mặc dù đã có nhiều giải pháp trong việc kiểm soát chất lượng giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp trên địa bàn, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Khanh, khó khăn nhất hiện nay là địa phương không có cán bộ chuyên môn lấy mẫu phân bón để kiểm định. Hơn nữa, tình trạng vi phạm nhãn mác hàng hóa với các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khá phổ biến, gây khó cho người sử dụng. Hầu hết các cơ sở không đảm bảo các quy định trong sản xuất kinh doanh giống cây trồng; cán bộ kỹ thuật hoạt động sản xuất kinh doanh chưa qua đào tạo; nhiều loại giống bán ra thị trường chưa có nhãn mác.

Còn theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT thì hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống trên địa bàn tỉnh là nhỏ, lẻ, mang tính thời vụ nên việc quản lý gặp không ít khó khăn. Tình trạng các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, bán thuốc bảo vệ thực vật nội dung ghi không đúng với nhãn do cơ quan chức năng cấp đăng ký… vẫn còn diễn ra. Do đó, tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp là giải pháp quan trọng và thiết thực của các cơ quan chuyên môn hiện nay nhằm hạn chế các sản phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm