Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Siết chặt quản lý phương tiện đưa đón học sinh tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO- Ngành Giáo dục và Đào tạo cùng các ngành liên quan đang tích cực chuẩn bị những khâu cuối cùng để bước vào năm học mới 2019-2020. Trong đó, nhiệm vụ đặc biệt quan tâm là đảm bảo an toàn cho những chuyến xe ô tô đưa đón học sinh.
Nỗi lo từ những chuyến xe mất an toàn
Ngày 6-8 vừa qua, một học sinh lớp 1 của Trường Gateway (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) đã tử vong nghi do bị bỏ quên nhiều giờ trên xe ô tô đưa đón từ nhà đến trường. Vụ việc này thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, đặc biệt là khi năm học 2019-2020 sắp bắt đầu. Đồng thời, vụ việc cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn đối với phương tiện ô tô đưa đón học sinh.
Ở tỉnh Gia Lai cũng từng xảy ra vụ việc đau lòng liên quan đến xe đưa đón học sinh. Cụ thể, khoảng 11 giờ 30 phút ngày 18-3-2017, ông T.N.T. (SN 1968, trú tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) điều khiển xe ô tô BKS 81B-011.00 đưa đón học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Mang Yang) lưu thông trên quốc lộ 19 theo hướng huyện Mang Yang-Đak Pơ. Khi đến địa phận xã Đak Ta Ley (huyện Mang Yang), xe ô tô này bất ngờ tông vào đuôi xe tải BKS 81C-013.75 do anh N.T.T. (SN 1990, trú tại huyện Đak Pơ) điều khiển. Hậu quả, vụ tai nạn làm 2 em học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo và tài xế xe đưa đón học sinh tử vong. Ngoài ra, 15 học sinh khác bị thương, phải nhập viện điều trị.
Các phương tiện đưa đón học sinh Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương Gia Lai được đầu tư đồng bộ. Ảnh: C.H
Các phương tiện đưa đón học sinh Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương Gia Lai được đầu tư đồng bộ. Ảnh: C.H
Hồi tháng 4-2019, Công an huyện Ia Grai đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Tư Thoan (trú tại thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai), là chủ xe ô tô khách loại 24 chỗ BKS 81B-011.68. Thời điểm bị lập biên bản, phương tiện này đang đưa đón học sinh trên địa bàn xã Ia Sao. Đáng chú ý, xe ô tô này đã hết hạn đăng kiểm từ tháng 3-2017, không có giấy phép đăng ký hoạt động vận tải, không có bảo hiểm, tài xế sử dụng giấy phép lái xe không phù hợp… nhưng hàng ngày vẫn đưa đón hàng chục học sinh đến trường.
Bà Nguyễn Thị Thủy (tổ 15, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) lo lắng: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết có nhiều xe ô tô đưa đón học sinh không đảm bảo chất lượng theo quy định. Con tôi đang học Trường THPT Pleiku và nhà trường cũng tổ chức đưa đón bằng xe ô tô. Tuy nhiên, do lo lắng chất lượng xe không đảm bảo nên hàng ngày tôi phải sắp xếp công việc để đưa đón con đi học, dù vất vả nhưng yên tâm hơn.
Theo thống kê của Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT), trên địa bàn tỉnh hiện có 88 doanh nghiệp, hộ cá thể tham gia dịch vụ đưa đón học sinh với 121 phương tiện. Từ năm 2016 đến nay, qua công tác thanh-kiểm tra, Thanh tra Sở GT-VT đã phát hiện 18 phương tiện đưa đón học sinh vi phạm với các lỗi như: giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn sử dụng; có gắn thiết bị giám sát hành trình nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định; không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực; không niêm yết số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần mặt ngoài hai bên cánh cửa xe ô tô khách theo quy định; tự ý lắp thêm ghế... Qua đó, Thanh tra Sở GT-VT đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt với số tiền 146,9 triệu đồng; đồng thời tước giấy phép lái xe 1 trường hợp, tịch thu 2 giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, đình chỉ hoạt động 2 phương tiện vi phạm.
Siết chặt quản lý
Ông Nguyễn Đăng Đính-Phó Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT-cho hay: Trước thềm năm học mới, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục có tổ chức đưa đón học sinh bằng xe ô tô chỉ hợp đồng với đơn vị kinh doanh vận tải đủ điều kiện theo quy định. Đồng thời, Sở cũng đang phối hợp với Sở GT-VT triển khai kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh vận tải đối với xe đưa đón học sinh. Qua đó kiểm soát chặt chẽ điều kiện phương tiện, người lái và an toàn giao thông đối với hoạt động vận chuyển học sinh bằng ô tô.
 Quy trình đưa đón học sinh ở Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương Gia Lai được chú trọng, tổ chức bài bản. Ảnh: C.H
Quy trình đưa đón học sinh ở Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương Gia Lai được chú trọng, tổ chức bài bản. Ảnh: C.H

Đầu năm học 2018-2019, Sở GT-VT phối hợp cùng Sở GD-ĐT và Công an tỉnh tiến hành kiểm tra 67 xe ô tô đưa đón học sinh trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 6 xe tự ý thay đổi thiết kế ghế ngồi; 3 xe hoạt động không đăng ký kinh doanh, không có phù hiệu theo quy định; 18 xe không có bình chữa cháy hoặc có bình chữa cháy nhưng hết hạn sử dụng; 16 xe thiếu búa thoát hiểm; 1 xe mua bán nhưng chưa sang tên đổi chủ; 23 trường hợp không niêm yết tên và số điện thoại chủ xe trên phương tiện. Cơ quan chức năng đã xử phạt 7 phương tiện với số tiền 53 triệu đồng, tước 5 giấy phép lái xe; đồng thời, đình chỉ hoạt động các phương tiện và yêu cầu khắc phục vi phạm.


Theo tìm hiểu của P.V, công tác đảm bảo an toàn đối với xe ô tô đưa đón học sinh cũng được các trường học đặc biệt quan tâm. Thầy Ngô Thanh Hà-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Mang Yang) chia sẻ: Toàn trường có gần 60 học sinh được đưa đón bằng 2 xe ô tô từ nhà đến trường và ngược lại do phụ huynh học sinh tự hợp đồng. Rút kinh nghiệm từ vụ tai nạn năm 2017, nhà trường thường xuyên nhắc nhở phụ huynh khi hợp đồng với nhà xe phải tìm phương tiện và tài xế đảm bảo đủ điều kiện vận tải theo quy định. Ngoài ra, nhà trường cũng chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông kiểm tra chất lượng phương tiện, bằng lái của tài xế… để kịp thời chấn chỉnh, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương Gia Lai hiện đang hợp đồng với 3 doanh nghiệp vận tải để đưa đón gần 800 học sinh ở 3 cấp học. Hàng ngày, ngoài tài xế thì trên xe đưa đón học sinh còn có 1 giám sát viên đi theo suốt hành trình. Mỗi học sinh sẽ được giáo viên sắp xếp xe đưa đón và ghế ngồi cố định để tránh bị bỏ sót. Ngoài ra, nhà trường còn bố trí 1 nhân viên giám sát chung có nhiệm vụ ghi chép số lượng học sinh lên xuống xe để kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp phát sinh. “Định kỳ hàng tuần, nhà trường có đội ngũ riêng đi kiểm tra chất lượng phương tiện và yêu cầu đơn vị vận tải khắc phục ngay nếu có sự cố. Đối với các tài xế, ngoài việc kiểm tra sức khỏe định kỳ thì nhà trường cũng yêu cầu trong quá trình lái xe phải có thái độ hành xử chuẩn mực, nếu vi phạm sẽ cắt hợp đồng ngay”-thầy Đàm Văn Ngọc-Hiệu trưởng Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương Gia Lai-cho biết.
Trao đổi với P.V về công tác đảm bảo an toàn phương tiện ô tô đưa đón học sinh, ông Đoàn Hữu Dũng-Phó Giám đốc Sở GT-VT-cho hay: Các phương tiện đăng ký đưa đón học sinh phải thực hiện quy trình, tiêu chuẩn rất chặt chẽ của ngành GT-VT. Sở cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, bất cập trong công tác phối hợp giữa nhà trường và chủ phương tiện. “Sở GT-VT đang phối hợp với Sở GD-ĐT, Công an tỉnh kiểm tra các phương tiện đưa đón học sinh nhằm loại trừ, xử lý triệt để các phương tiện không đảm bảo chất lượng. Ngoài việc kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, Sở còn chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông thông báo các trường hợp phương tiện vi phạm với các đơn vị trường học liên quan. Qua đó, giúp các trường có biện pháp quản lý hiệu quả phương tiện đưa đón học sinh của đơn vị mình; đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh không cho con em đi lại bằng phương tiện không đủ điều kiện tham gia giao thông”-ông Dũng nói.
 CHÍ HÀO

Có thể bạn quan tâm