(GLO)- Số hóa hồ sơ vụ án tại phiên tòa là bước tiến mới, đem lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động nghiệp vụ. Các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được trình chiếu công khai tại phiên tòa không chỉ chứng minh tội phạm, buộc bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội mà còn tác động rất lớn đến nhận thức của quần chúng nhân dân tham dự phiên tòa.
Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án 106 bị cáo đánh bạc “khủng” tại thôn 76 (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa), lần đầu tiên Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Gia Lai đã áp dụng số hóa hồ sơ để phục vụ việc kiểm sát, truy tố.
Ông Trịnh Vũ Thủy-Phó Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội (VKSND tỉnh) cho hay: Từ khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, lãnh đạo VKSND tỉnh đã chỉ đạo lập tổ công tác với 5 kiểm sát viên (KSV) và 1 chuyên viên là kiểm tra viên để kiểm sát quá trình điều tra, giải quyết vụ án và chú trọng đến số hóa hồ sơ theo chủ trương của ngành Kiểm sát.
Theo đó, trong vụ án này, hơn 9.000 bút lục đã được số hóa để phục vụ cho việc truy tố, xét xử. “Kiểm sát viên khi kiểm sát xét xử và thực hành quyền công tố tại phiên tòa chỉ sử dụng hồ sơ đã được số hóa, giúp tiết kiệm văn bản giấy và đảm bảo tài liệu gốc được bảo quản an toàn. Với các tài liệu đã được số hóa và lưu trữ trong máy tính xách tay, KSV xử lý những nội dung có liên quan trong quá trình nghiên cứu án được dễ dàng, có thể được thực hiện ở bất cứ không gian và thời gian nào. Khi tham gia phiên tòa, KSV không phải mang theo hồ sơ gốc bằng giấy mà chỉ cần máy tính xách tay với những hồ sơ đã được số hóa vẫn đảm bảo cho việc tranh tụng tại phiên tòa. Hồ sơ án điện tử sau khi xét xử xong đều được lưu trữ, quản lý tập trung bảo đảm an toàn, an ninh về dữ liệu, thuận tiện trong việc tra cứu án khi có nhu cầu”-ông Thủy thông tin.
Phiên tòa vụ xét xử vụ án đánh bạc “khủng” ở huyện Đak Đoa là lần đầu tiên toàn bộ hồ sơ được số hóa. Ảnh: Lê Văn Ngọc |
Thực tế tại phiên tòa đầu tiên được VKSND tỉnh áp dụng số hóa đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Trong phần xét hỏi và tranh luận đã có 5 bị cáo kêu oan hoặc xin giảm nhẹ tội vì hành vi không đúng với KSV truy tố hoặc bác bỏ tội “Tổ chức đánh bạc”, chỉ thừa nhận tội nhẹ hơn là “Đánh bạc”. Tuy nhiên, ngay tại phiên tòa, KSV đã trình chiếu trên màn hình lớn những bút lục ghi nhận lời khai của bị cáo cùng những người liên quan và các tài liệu chứng cứ khác chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo. Chỉ cần một cú nhấp chuột, KSV đã có thể tìm thấy các tài liệu liên quan đến bị cáo trong vụ án có đến 106 người chứ không phải vất vả lục tìm bản hồ sơ bằng giấy như trước đây.
Ở cấp huyện, VKSND huyện Kông Chro là một trong những đơn vị đầu tiên áp dụng số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa. Tháng 10-2020, đơn vị này đã phối hợp cùng Tòa án nhân dân huyện tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm với vụ án hình sự “Hủy hoại tài sản và cố ý làm hư hỏng tài sản” với 7 bị cáo. Tại phiên tòa, các bị cáo không thừa nhận vai trò khởi xướng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, KSV đã đưa ra các bằng chứng, lời khai được số hóa của từng bị cáo trong giai đoạn điều tra, từ đó làm rõ được vai trò của từng bị cáo trong vụ án.
Ông Lê Ngọc Phước-Viện trưởng VKSND huyện Kông Chro-cho hay: “Thông qua phiên tòa có sử dụng số hóa hồ sơ, các KSV được rèn luyện, nâng cao kỹ năng xây dựng số hóa hồ sơ, từ đó nâng cao chất lượng trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án, tạo điều kiện cho các KSV, kiểm tra viên được học tập, nâng cao trình độ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa. Thời gian tới, việc ứng dụng công nghệ thông tin mà cụ thể là số hóa hồ sơ vụ án cần được nhân rộng để đáp ứng được yêu cầu công tác của ngành trong tình hình mới”.
Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Hồng-Chánh tòa Hình sự (Tòa án nhân dân tỉnh): “Việc VKSND tỉnh thực hiện số hóa hồ sơ vụ án hình sự và cử cán bộ giúp việc để bổ trợ quá trình KSV thực hành quyền công tố tại phiên tòa trong thời gian qua đều được sự phối hợp chặt chẽ của Tòa án nhân dân các cấp. Số hóa hồ sơ vụ án tại phiên tòa thực sự là một bước tiến mới nổi bật, đem lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động nghiệp vụ. Các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được trình chiếu công khai tại phiên tòa không chỉ có hiệu quả trong việc chứng minh tội phạm, buộc bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội mà còn tác động rất lớn đến nhận thức của quần chúng nhân dân tham dự phiên tòa, đạt được hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật". |
LÊ VĂN NGỌC