Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Sôi nổi chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 6-12, Kỳ họp thứ 7- HĐND tỉnh khóa XI bước vào ngày làm việc thứ 3, các đại biểu tiến hành phiên thảo luận chung tại hội trường, thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn.
Loay hoay thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp
Với tinh thần trách nhiệm cao, trong phiên thảo luận tổ chiều qua, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, nhìn nhận và đánh giá nhiều nội dung quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Qua thảo luận tại 6 tổ đã có trên 147 lượt ý kiến tham gia với nhiều vấn đề được đại biểu quan tâm. Các ý kiến đã bày tỏ sự đồng thuận cao với báo cáo của HĐND tỉnh và UBND tỉnh.
Chủ tịch HĐND Dương Văn Trang gợi ý một số nội dung để các đại biểu chất vấn. Ảnh: Tấn Dung
Chủ tịch HĐND Dương Văn Trang gợi ý một số nội dung để các đại biểu chất vấn. Ảnh: Tấn Dung
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đóng góp tồn tại và một số vấn đề cần lưu ý tại Kỳ họp như: nhiều địa phương đăng ký hoàn thành nông thôn mới trong khi đó việc giải quyết đất ở, đất sản xuất, việc làm cho người dân vùng đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn; nạn “tín dụng đen” vẫn tiếp diễn; trật tự an toàn xã hội, an ninh chính trị nông thôn diễn ra phức tạp; công tác quản lý nhà nước về đất đai; công tác quản lý bảo vệ rừng đặc biệt là phân công đơn vị chủ rừng cho phù hợp, tránh chồng chéo; quan tâm đầu tư các điểm du lịch một cách bền vững…
Trong phiên thảo luận chung tại hội trường sáng nay, các đại biểu đã tập trung thảo luận về lĩnh vực nông nghiệp. Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy An Khê-băn khoăn: “Gia Lai là tỉnh có nhiều thuận lợi trong phát triển nông nghiệp với diện tích rất lớn. Tuy nhiên, trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và các vấn đề liên quan đến nông nghiệp bền vững thì chúng ta phải nhìn nhận rằng, hiện nay còn rất nhiều bất cập. Chúng ta phải có đánh giá đầy đủ về kế hoạch thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, bởi vì năm nay là năm thứ 3 chúng ta thực hiện”. Theo đại biểu Lịch, cần phải rà soát lại và có quy hoạch bài bản về nông nghiệp đối với tỉnh ta. Hiện nay ở phía Đông của tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn đối với cây mía và cây mì. Nhiều địa phương vẫn đang loay hoay thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và lúng túng trong việc chuyển đổi cây gì? như thế nào?. 
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Lịch-Bí thư Thị ủy An Khê tham gia thảo luận chung tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Lịch-Bí thư Thị ủy An Khê tham gia thảo luận chung tại hội trường. Ảnh: Tấn Dung
“Cần phải rà soát lại về quy hoạch của các cây trồng, đồng thời phải xác định trong quy hoạch này phải gắn với vùng nguyên liệu của các nhà máy để không có tình trạng nông dân trồng quá sức dẫn đến phá vỡ quy hoạch của vùng nguyên liệu, dẫn đến các nhà máy không gắn bó với người nông dân. Đồng thời, đánh giá lại toàn bộ các quá trình đầu tư, hỗ trợ của các nhà máy đối với nông dân một cách cụ thể. Bên cạnh đó, ngoài các cây thế mạnh của tỉnh thì tôi đề xuất quy hoạch bài bản về cây ăn trái và các vùng chuyên canh hoa và rau cũng như là vùng cây dược liệu là một trong những thế mạnh của tỉnh ta”-đại biểu Lịch nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Trương Văn Đạt-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kbang-cho rằng: “Chúng ta xác định cơ cấu cây trồng của tỉnh trong thời gian vừa qua và cũng đã có rất nhiều quy hoạch về cây trồng. Tuy nhiên, trong các loại sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, từ cà phê, cao su, hồ tiêu thì chỉ mới dừng lại ở mức tiêu thụ sản phẩm thô, chế biến sâu chiếm không đáng kể; các sản phẩm dân làm ra, doanh nghiệp làm ra như cà phê, hồ tiêu, cao su thì phụ thuộc rất lớn vào thị trường xuất khẩu”. Đại biểu Đạt cũng đề nghị đánh giá lại toàn bộ về vùng nguyên liệu mía và những vấn đề liên quan đến cây mía để tháo gỡ khó khăn cho nông dân trồng mía ở các huyện phía Đông.
Đại biểu Trương Văn Đạt-Bí thư Huyện ủy Kbang nói về thực trạng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn
Đại biểu Trương Văn Đạt-Bí thư Huyện ủy Kbang nói về thực trạng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn. Ảnh: Tấn Dung
Sôi nổi phiên chất vấn
Nhiều vấn đề “nóng” của ngành nông nghiệp tiếp tục được các đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn. Trong đó, các câu hỏi tập trung chất vấn liên quan đến xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp,… Đây cũng là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân tỉnh nhà. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu chất vấn . 
Đề cập tới vấn đề xây dựng cánh đồng lớn, đại biểu Nguyễn Hữu Thọ - Bí thư Huyện ủy Đak Đoa-băn khoăn: “Người dân ở địa phương chúng tôi đều đồng tình ủng hộ và mong muốn làm cánh đồng lớn để đảm bảo cho sản phẩm sạch và xây dựng chất lượng, uy tín trên thị trường và để đảm bảo đầu ra ổn định. Tuy nhiên, cho đến nay việc để chứng thực cho cánh đồng lớn này vẫn còn rất là khó. Huyện đã trình về Sở Nông nghiệp và PTNT cả năm nay rồi nhưng không hiểu sao cho tới thời điểm này vẫn chưa được công nhận. Trả lời vấn đề này, Đại biểu Trương Phước Anh cho biết, những tồn tại, chưa giải quyết được này Sở sẽ xem xét lại xem hiện đang nằm tại đơn vị hay ở một số cơ quan khác, hoặc chúng tôi đã chuyển tham mưu cho UBND tỉnh thì sẽ báo cáo lại sau bằng văn bản. 
 Đại biểu Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy Đak Đoa chất vấn đại biểu Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. Ảnh: Tấn Dung
Đại biểu Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy Đak Đoa chất vấn đại biểu Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. Ảnh: Đức Thụy
Nói về vấn đề sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Bí thư Huyện ủy Đak Đoa Nguyễn Hữu Thọ tiếp tục có thắc mắc: “Nông dân trồng tiêu và cà phê của huyện Đak Đoa hiện nay đang rất mong muốn có một định hướng về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, trên thực tế thì bà con muốn làm sản xuất nông nghiệp hữu cơ và muốn đăng ký được cái này là rất khó. Tôi mong muốn Sở Nông nghiệp và PTNT đứng ra chủ trì cùng với các sở, ngành liên quan để có hướng dẫn cụ thể về quy trình đăng ký chỉ dẫn địa lý và đăng ký chất lượng sản phẩm hữu cơ cho người dân”. Với thắc mắc này, đại biểu Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: “Đối với các nội dung này, chúng tôi sẽ xem xét và có hướng chỉ đạo cụ thể”.
Sau phần chất vấn của đại biểu Thọ, Bí thư Huyện ủy Kbang Trương Văn Đạt đặt câu hỏi: “Tại sao các niên vụ mía trước, chữ đường đều 9, 10 hết nhưng niên vụ vừa rồi chữ đường xuống còn có 7, 8 và cá biệt có 6. Điều này hình như có vấn đề. Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng phản ánh về chữ đường nhưng nhà máy không có điều chỉnh. Thậm chí, trên cùng một diện tích khoảng 3 ha thì có 3 chữ đường khác nhau. Vậy Sở Nông nghiệp và PTNT đã vào cuộc chưa?”. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trương Phước Anh nêu rõ: “Riêng về chữ đường thì theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã phát văn bản cho Cục Chế biến và Tìm kiếm thị trường. Và Cục có hẹn là trong tháng 12-2018 hoặc tháng 1-2019 sẽ sắp xếp vào để kiểm tra vấn đề chữ đường”.
Đại biểu Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh Tấn Dung
Đại biểu Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Tấn Dung
Ngoài ra, tại phiên chất vấn nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm tới Dự án đường Nguyễn Văn Linh (thành phố Pleiku)- đã trải qua gần 3 nhiệm kỳ nhưng vẫn chưa được triển khai. Làm rõ vấn đề này, đại biểu Phạm Xuân Điệp-Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông Gia Lai (thuộc UBND tỉnh Gia Lai) thông tin: “Ban quản lý được giao nhiệm vụ làm công tác chứng chỉnh hồ sơ mời thầu, hồ sơ sơ tuyển cũng như lựa chọn nhà đầu tư vào cuối tháng 9-2018. Trên cơ sở quy hoạch chi tiết của TP. Pleiku, thì Ban đã tổ chức ngay công tác thành lập hồ sơ sơ tuyển nhằm xác định lại công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, xác định lại tổng mức đầu tư cũng như xác định lại cơ sở để tính giá đất. Đến nay các số liệu này Ban đã cơ bản thu thập xong và dự kiến trong tháng 12 này sẽ trình phê duyệt hồ sơ sơ tuyển để tiến hành các thủ tục sơ tuyển nhà đầu tư vào đầu năm sau”. 
Trả lời câu hỏi của Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đặng Phan Chung về thời gian cụ thể để khởi công công trình này?, đại biểu Điệp cho rằng: “Để xác định được thời gian khởi công công trình này là rất khó, bởi vì công trình này có vấn đề hết sức phức tạp như tổng mức đầu tư công trình khá lớn, tiền giải phóng mặt bằng lớn (gần 900 tỷ đồng). Nhà đầu tư phải tính toán việc đầu tư này có hiệu quả hay không thì họ mới xác định được họ có tham gia hay không và trên cơ sở đó mới xác định được thời để khởi công”. 
Tấn Dung

Có thể bạn quan tâm