Toàn TP.HCM giãn cách phòng dịch. Hàng loạt khu phong tỏa được thiết lập. Cuộc sống nhiều người rơi vào quẫn cảnh. Nhưng cũng trong hoàn cảnh đó, yêu thương lại tỏa lan.
Lực lượng chức năng và cán bộ khu phố ở chốt phong tỏa đầu hẻm 77 đường Chuyên Dùng 9, P.Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM |
“Anh không ra ngoài được đâu. Hẻm này phong tỏa luôn rồi!”.
Tôi vừa bước ra khỏi nhà, dự định lên tòa soạn trực, anh bảo vệ dân phố liền tiếp cận cảnh báo. Đấy là ngày thứ 2 kể từ khi toàn thành phố áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Đấy cũng là ngày thứ 3 tôi mới bước chân ra khỏi nhà, sau 2 ngày triệt để tuân thủ “nằm yên là yêu nước”.
Tôi nhìn ra, phía đầu hẻm mấy ngày trước còn thông thoáng, giờ đây một gác chắn được dựng lên. Một anh công an, một chị thanh niên tình nguyện và một cậu bảo vệ dân phố túc trực ở đấy tự bao giờ.
Khu nhà trọ bị phong tỏa bên trong con hẻm. Ảnh: Đỗ Hùng |
“Dạ ngộp ! nhưng cố chịu anh ơi !”
Người dân trong con hẻm 77 đường Chuyên Dùng 9, P.Phú Mỹ (Q.7) cơ bản đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho 2 tuần giãn cách, bắt đầu từ ngày 9.7. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng, với con hẻm này, giãn cách cũng đồng nghĩa phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, sau khi có ca dương tính được phát hiện.
“Trong này có mấy ca rồi. Giờ phong tỏa luôn. Tụi em phải cắm chốt”, anh bảo vệ dân phố mà sau này tôi biết tên là Phát nói. Phát và một đồng nghiệp thay nhau trực trước khu nhà trọ đối diện nhà tôi, mỗi người làm ca 24 tiếng.
Đó là một khu nhà trọ công nhân cao 3 tầng. Vài ngày trước, Khu chế xuất Tân Thuận có ca nhiễm, các công nhân làm việc trên đó được xét nghiệm. Có một người trong khu nhà trọ dương tính, thế là nơi đây trở thành khu cách ly và con hẻm bị phong tỏa luôn từ đó.
Người trong nhà trọ không được bước ra khỏi cửa, được khuyến cáo ở yên trong phòng, nên hầu như không ai ra ban công hay hành lang hít thở không khí. Nhu yếu phẩm gửi tới, các anh bảo vệ dân phố kiêm luôn công việc giao hàng: ra đầu hẻm mang vào đặt trên chiếc bàn nhựa rồi lui ra xa, sau đó mới kêu người bên trong hé cửa thò tay lấy.
Có một lúc từ phía nhà mình, tôi hỏi với qua, nhân lúc thấy một chị trong khu nhà trọ hé cửa lấy đồ: “Trong đó bao nhiêu người vậy?”. Cô ấy đáp: “Em không rõ, nhưng có 55 phòng”. Tôi nhẩm tính, 55 phòng trọ chắc cũng cả trăm con người. Với cách thiết kế bít bùng như vậy, hẳn là không khí bên trong rất bí. Không kể chuyện ăn uống, thì ngay việc ở trong cái không gian chật chội đó suốt 2 tuần đã là một thách thức lớn.
“Ở trong đó ngộp không?”, tôi hỏi. Cô gái đáp: “Dạ ngộp! Nhưng cố chịu anh ơi!”.
Những ngày tiếp theo, thi thoảng xe cấp cứu lại vào hẻm chở đi những người vừa được phát hiện dương tính ở các khu nhà kế cận. Phong tỏa được tăng cường thêm một nấc, số điểm giăng dây cũng theo đó tăng lên: 1 điểm, 2 điểm, 3 điểm...
Một khu trọ của công nhân, lao động tự do tại hẻm 77 đường Chuyên Dùng 9 |
Đáp lại lời kêu cứu
Hàng ngàn con người trong mỗi con hẻm đông đúc, với nhu cầu đi lại, ăn uống, giao tiếp, giải trí hằng ngày, đột nhiên bị tách khỏi thế giới bên ngoài. Sự thay đổi đột ngột ấy khiến nhiều người thích nghi không kịp.
Sau 2 ngày đầu ở trong nhà, tới ngày thứ 3, nhiều người bắt đầu đi ra hẻm, tìm kiếm thực phẩm tươi. Nhưng con hẻm nhỏ, ngoài vài quán tạp hóa chỉ mở cửa he hé, không có cửa hàng thực phẩm. “Chị không còn rau dự trữ à?”, tôi hỏi một chị từ trong hẻm đi ra. “Không anh ơi. Em mua ngày nào ăn ngày đó. Nhà cũng không có tủ lạnh. Với lại thành phố kêu không cần tích trữ đồ”, chị đáp. Nói chuyện giãn cách một hồi, anh bảo vệ dân phố chốt hạ: “Thôi tạm thời chấp nhận khó khăn chị ơi”.
Chị kia cùng mấy người bạn nấn ná, cuối cùng phải triệt thoái trước sự cương quyết của anh bảo vệ. Tôi hỏi xin số điện thoại để nếu có thể giúp được gì sẽ liên hệ.
Không chỉ con hẻm của tôi mà nhiều nơi khác, người dân nghèo bị phong tỏa cũng đối mặt với khó khăn tương tự. Kinh tế eo hẹp, các gia đình công nhân, lao động tự do, nhiều người trong số đó đã mất việc, đồng nghĩa với mất thu nhập nhiều ngày qua, chỉ có thể lo từng ngày một. Giờ đây, tất cả kết nối với thế giới bên ngoài ngưng lại, nguồn sống của họ bị cắt đứt.
Tôi vào nhà, nhưng lời kể của người phụ nữ ban nãy cứ ám ảnh không dứt ra được. Tôi bèn lên mạng, vào nhóm Facebook có tên “Tôi Dân Quận 7”, thấy nhiều người chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn: “Không có rau”, “Chỉ còn mì gói”, “Cúp điện”, “Đang cạn thực phẩm”…
Xen giữa những lời kêu cứu, kêu khổ, trên mạng cũng có nhiều cánh tay chìa ra. Nhưng các bài viết rất tản mát, cung và cầu cứ mãi lạc nhau trong rừng thông tin thảng thốt ấy. Tôi liền viết một bài chia sẻ cách thức hỗ trợ người dân trong những nơi bị phong tỏa. Trên trang cá nhân, tôi viết tiếp một bài kể về câu chuyện những phụ nữ đi tìm rau trong hẻm nhỏ. Ngay lập tức, hàng loạt đề nghị giúp đỡ ùa về.
“Em ơi, bên em cần rau hả? Chị đang phải tìm cách để có được rau cho bà con đây,” chị Phùng Thị Bích Phượng, cán bộ tại Chi cục Hải quan Khu công nghệ cao ở TP.Thủ Đức, gọi điện tới: “Thương lắm em ạ. Công nhân ngày thường đã khổ, giờ dịch bệnh còn khổ hơn. Để chị xoay cho bên em một xe”.
“Anh thống kê giùm xem hẻm đó có bao nhiêu gia đình. Em gửi 500 kg rau đủ không?”, anh Du, đại diện Hội tình nguyện Chung tay vì cộng đồng, đề nghị. Tôi hỏi ở ban quản lý khu phố và 2 tổ dân phố, nhưng không có được ngay con số cụ thể, bèn chạy một vòng để quan sát thêm.
Chuyện đời hẻm nhỏ
Hóa ra con hẻm này ở phía trong chia ra thành nhiều nhánh, mỗi nhánh có vài khu nhà trọ. Nơi được xây khang trang, nơi là nhà mái tôn xập xệ. Nơi ít thì 5 - 7 phòng được xây cặp với nhà của gia chủ, nơi nhiều thì 50 - 60 phòng được xây riêng. Tính ra toàn bộ phải tới 300 - 400 phòng, chưa kể nhiều người nghèo cắm lều ở trên các khoảng đất um tùm cỏ dại gần bờ sông Nhà Bè.
Ở một cụm nhà trọ xập xệ, chị Văn Thị Thu Oanh cùng chồng làm lao động tự do, nuôi 3 con nhỏ ăn học, đứa lớn sắp vô lớp 10, 2 đứa nhỏ học lớp 2 và 4. “Chỗ này thuê 500.000 đồng mỗi tháng, nhưng hư hỏng gì mình tự sửa. Đến tầm tháng 10, ban đêm nước tràn vào, nhà nền thấp thì ngập tới gối, nhà cao ngập ngang mắt cá đó anh”, chị Oanh kể. Chị cho biết chồng chị nghỉ việc một tuần trước ngày giãn cách, còn chị phải nghỉ trước đó để đưa đón con “vì không đủ sức lo cho con học bán trú”.
Chị Oanh không phải là trường hợp cá biệt. Ở quanh chị là những người bán vé số, bán hàng rong, thợ hồ, bốc vác, hớt tóc, phụ bếp… Tất cả họ thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày, giờ đột nhiên sinh kế bị “đình chỉ miên man”. Có hàng trăm gia đình như vậy ở con hẻm này, rộng ra cả thành phố thì con số hẳn vô cùng lớn.
Ở giữa cái thời mà đứng nói chuyện phải cách xa mấy mét, lạ thay, tôi chợt thấy phong tỏa đã kéo con người xích gần lại với nhau thêm. Tôi về ở con hẻm này đã hơn 10 năm, nhưng nhà mặt tiền, ít biết phía sâu bên trong lại dung chứa những mảnh đời éo le đến vậy.
Ở một khu nhà trọ khác, với chừng 100 phòng, chị Hảo bán tạp hóa bảo tôi: “Anh có gì giúp mấy người nghèo sống ngoài ruộng kia trước đi. Bình thường họ còn ra chợ làm mướn được, giờ ở nhà là “chết đói”. Mà họ ở khuất sau kia nên thường xuyên bị bỏ sót”.
Chị Hảo chỉ 2 phụ nữ, ốm quắt ngồi trên tấm ván cũ kê trước dãy trọ: “Bà này ở trong lùm kia với thằng cháu 4 tuổi. Còn bà này ở sâu trong kia nữa, với thằng con 11 tuổi”. Những người nghèo này như sống bên lề xã hội: không biết chữ, không giấy tờ tùy thân, cắm lều ở trên những bãi đất đã có chủ, nhưng còn bỏ hoang và thường bị các chính sách hỗ trợ của nhà nước bỏ sót. Tôi hỏi: “Thế mấy cô đã đi xét nghiệm chưa?”. Một bà cho biết chị Hảo đã điền tên giùm, nên xét nghiệm rồi.
Sau một vòng khảo sát, với nhiều sự cảnh giác lẫn e dè, tôi nắm sơ qua tình hình liền quay về để kịp trao đổi với các nhóm thiện nguyện. Một ngày nữa sắp trôi qua trong khu phong tỏa. Trời chiều, tôi bây giờ để tâm mới nhận ra con hẻm này đã trở nên yên bình đến lạ. Không còn karaoke xóm. Không còn lũ trẻ con ríu rít. Ai ở nhà nấy. Mọi giao tiếp chỉ qua lần cửa he hé.
(còn tiếp)
Theo Đỗ Hùng (TNO)