Sốt xuất huyết giảm mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau một thời gian bùng phát và lây lan mạnh trên địa bàn tỉnh với 10.628 ca mắc, đến nay bệnh sốt xuất huyết (SXH) đã giảm mạnh.

 Phun hóa chất diệt muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: N.T
Phun hóa chất diệt muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: N.T

Từ đầu năm đến nay, bệnh SXH bùng phát và lây lan với tốc độ chóng mặt ở 199/222 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố. Bệnh nhân mắc SXH tập trung ở TP. Pleiku (3.6561 người) và các huyện Chư Sê (983 người), Đak Đoa (889 người), Ia Grai (712 người). 12 huyện, thị xã còn lại đều có từ 200 người đến 500 người mắc. Riêng huyện Krông Chro chỉ có 10 người mắc, ít nhất tỉnh.

5 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.000 người mắc. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 6, bệnh nhân SXH gia tăng đột biến. Đỉnh điểm là tháng 8 với 3.007 người mắc SXH. Thời điểm đó, các bệnh viện lớn như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện TP. Pleiku, Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai… luôn đông nghẹt người nằm điều trị SXH. Thậm chí hành lang của các bệnh viện cũng được kê giường để có đủ chỗ cho bệnh nhân đến điều trị SXH.

Nguyên nhân SXH gia tăng với tốc độ chóng mặt được cho là do chu kỳ cứ 3-5 năm sẽ có một đợt bùng phát SXH. Điều kiện thời tiết năm nay nóng lạnh thất thường cũng tạo điều kiện cho muỗi sinh sản nhanh. Bên cạnh đó, ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao là điều kiện cho bệnh SXH dễ lây lan. Đồng thời, sự giao lưu giữa các vùng, địa phương làm lây lan mầm bệnh. Sự vào cuộc chưa quyết liệt của các cấp chính quyền cũng là nguyên nhân khiến bệnh SXH bùng phát.

Trước tình trạng SXH gia tăng nhanh, UBND tỉnh đã phải tổ chức họp khẩn với 17 huyện, thị xã, thành phố để chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc dập bệnh SXH. UBND tỉnh đã hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng cho công tác phòng-chống dịch. Các địa phương cũng hỗ trợ kinh phí hơn 1 tỷ đồng và tập trung nguồn lực chống dịch; phát động, hướng dẫn nhân dân phát dọn vệ sinh môi trường sống để diệt nguồn gây bệnh; sử dụng 170 lít hóa chất để phun tại các ổ dịch.

Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính quyền và người dân, đến nay, bệnh SXH đã giảm mạnh. Trong tháng 10 (tính đến ngày 26-10), toàn tỉnh ghi nhận 1.339 người mắc SXH, giảm gần 1.000 người so với tháng 9 và gần 2.000 người so với tháng 8. Mặc dù SXH giảm mạnh nhưng chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái bùng phát dịch ở các địa phương.  

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Gia Bắc-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: Đến nay, bệnh SXH trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được khống chế. tuy vậy, năm nay thời tiết diễn biến thất thường, dù cuối mùa mưa nhưng ở TP. Pleiku và các huyện phía tây vẫn có mưa giông, mưa dầm, cùng với đó là việc bệnh nhân mắc SXH ở các tỉnh lân cận như Đak Lak, Kon Tum có dấu hiệu tăng mạnh nên việc SXH tái bùng phát ở tỉnh ta là thường trực. Chúng tôi đã tham mưu với Sở Y tế chỉ đạo các Trung tâm Y tế phối hợp với chính quyền địa phương tập trung nguồn lực quyết liệt dập tắt dịch SXH và có phương án chủ động phòng-chống nếu tái bùng phát dịch. 4 địa phương có số ca mắc SXH cao là TP. Pleiku, huyện Chư Sê, Đak Đoa và Ia Grai đang được chúng tôi ưu tiên tập trung xử lý để sớm khống chế.

 Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm