Rằng, ngay từ trong tâm thức, người phụ nữ Việt phải tự "mang vác sứ mệnh" rửa bát, cắm cơm, đón con…, thì khi không tiện dành thời gian cho nó, mới phải xuống nước "cậy anh, anh có chịu lời" như thế. Vô hình trung, các anh cũng tự mặc định cho mình cái quyền là có thể "giúp" (hay "không giúp"), nhận lời (hay từ chối) lời "nhờ cậy" đó.
Nhưng cá nhân tôi không nghĩ thế. "Anh rửa bát hộ em" trong nhiều văn cảnh cụ thể, thật ra không liên quan gì đến bình đẳng giới mà chỉ đơn thuần là một câu cửa miệng quen thuộc, xuất phát từ quan niệm "vợ chồng tương kính như tân" trong văn hóa ứng xử của người Á Đông. "Lời nói không mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"… âu cũng là một nghệ thuật giao tiếp vậy, ngay cả trong quan hệ vợ chồng. Nên là, cái chữ "giúp em, hộ em" ấy, thật ra là cái khéo léo, mềm mại của người phụ nữ mà thôi. Khéo, thì bao giờ cũng dễ "được việc" hơn.
Phụ nữ nay khác rồi, cách họ "đòi" quyền bình đẳng cũng khác. Hoặc mềm mại và khéo léo hơn, bằng chính sức mạnh của nữ tính. Hoặc thẳng thắn và bộc trực hơn, bằng uy lực của nữ quyền. Ngày càng có những cuộc hôn nhân được kết thúc bằng những cuộc chia tay văn minh, đấy cũng chính là nói lên vị thế của người phụ nữ: tình thế không làm nên tâm thế của họ. Ngày càng có nhiều bà mẹ đơn thân vẫn sống tốt và tự hào vì điều đó (thay vì trước đây là co mình mặc cảm).
Tất cả những lựa chọn sống từng được cho là cá biệt đó đang ngày một trở nên phổ biến hơn và thậm chí diễn ra một cách tự nhiên. Điện ảnh Việt một dạo bị kêu là toàn xây dựng những hình mẫu phụ nữ thua thiệt, đầy cam chịu, như một biểu tượng xót lòng của phái yếu. Thật ra, điện ảnh phương Tây cũng không hiếm những hình tượng phụ nữ được xây dựng theo hướng đó. Nhưng trong tâm thế của người làm phim (thường là đạo diễn nam), điều đó không hề nói lên quan niệm của họ về phái yếu. Trái lại, với họ, tận cùng của sự chịu đựng đó, lòng bao dung và vị tha đó, mới chính là sức mạnh riêng có ở phụ nữ, và trên nghĩa đó, phụ nữ chính xác là phái mạnh.
Nói thế không phải để khuyến khích phụ nữ cam chịu. Trong một chừng mực nào đó ở phía bên kia của bình đẳng giới, thì đôi khi, sự nhẫn nại bao dung của phái mạnh hay phái yếu về sâu xa cũng có thể là một chất keo làm nên sự cố kết của gia đình - giá trị cốt lõi của từng xã hội. Trên ý nghĩa tích cực nhất của bình đẳng giới, nên được cho là chỉ dấu của sự trưởng thành (một cách tự nhiên) của mỗi cá nhân cũng như xã hội.