Báo xuân

Sức sống mới ở Ia Dom

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xã Ia Dom (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) trở thành xã biên giới đầu tiên của khu vực Tây Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới. Đó là lý do đưa chúng tôi tìm đến mảnh đất vùng biên này.
 

1
Khu vực trung tâm xã Ia Dom. Ảnh: N.D

Trung úy Đỗ Quang Cường-Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đưa chúng tôi đi thăm các thôn, làng trong xã. Trên trục đường thảm nhựa từ quốc lộ 19 rẽ vào làng Mook Đen 2 là dãy nhà xây, tường rào ngay ngắn. Chợ xã Ia Dom được xây dựng bề thế nằm ngay góc đường, quầy hàng tạp hóa rải dọc hai bên. Nhà già làng Mook Đen-Rơ Châm Tích được xây dựng khá khang trang nằm sát con đường chính của làng. Già Tích nói: “Làng bây giờ khác xưa nhiều. Điện-đường-trường-trạm có đủ. Làng có 179 hộ, trong đó có 126 hộ đồng bào dân tộc Jrai. Cuộc sống của bà con ngày càng no đủ nhờ trồng cây lúa, mè, đậu, điều, cà phê, hồ tiêu. Bà con tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, tự giác dọn vệ sinh, làm tường rào; góp công làm đường giao thông. Bộ đội Biên phòng giúp dân sản xuất và tổ chức cuộc sống gia đình”.

 

 Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đứng chân trên địa bàn xã Ia Dom. Ảnh: N.D
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đứng chân trên địa bàn xã Ia Dom.   Ảnh: N.D
 

Trao đổi với chúng tôi, Trung úy Đỗ Quang Cường cho biết: Ngoài việc hỗ trợ 300 triệu đồng, Bộ đội Biên phòng còn góp trên 1.000 ngày công để xây 6 căn nhà tình nghĩa, xóa dứt điểm 13 căn nhà dột nát. Bộ đội còn hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa cho làng, cấp bò giống cho dân phát triển chăn nuôi, củng cố các tổ tự quản. Đặc biệt, Đồn còn giúp gia đình chị Siu HLiên (làng Mook Đen 2) xây dựng mô hình trồng hồ tiêu. Chị HLiên nói: “Mình có được vườn hồ tiêu như bây giờ là nhờ Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh giúp công, kỹ thuật trồng, chăm sóc. Ngoài 420 trụ hồ tiêu nhà mình còn có 2 ha điều”.
 

Làm đường giao thông nông thôn tại làng Ó. Ảnh: N.D
Làm đường giao thông nông thôn tại làng Ó.  Ảnh: N.D
Ông Phan Đình Hải-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ: Từ thành công trong xây dựng nông thôn mới của xã Ia Dom, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới huyện đúc rút được một số kinh nghiệm. Đó là: tuyên truyền cho người dân hiểu về chương trình xây dựng nông thôn mới; khuyến khích nhân rộng các điển hình, vận động linh hoạt các hoạt động sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát, hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc thù của địa phương...

Con đường từ làng Mook Đen 1 qua làng Ó đang được nâng cấp. Theo Trung úy Đỗ Quang Cường, đoạn đường này sẽ hoàn thiện trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Đây là công trình được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Bà Nguyễn Thị Quất-chủ quán tạp hóa ở làng Ó cho biết: “Bây giờ, 1 mét ngang đất mặt tiền có giá 20 triệu đồng. Chợ họp cả ngày. Mức sống cao gấp mấy lần ngày trước”. Còn Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dom-ông Rơ Lan Dút thì khẳng định: Hiện nay, nhà nào cũng có đất trồng mì, điều, cà phê, hồ tiêu, cao su. Ngoài ra, nhiều người còn làm công nhân Công ty 72 (Binh đoàn 15).

Đến Ia Dom những ngày này, chúng tôi cảm nhận được tác động tích cực của chương trình xây dựng nông thôn mới. Dải đất vùng biên một thời khốn khó đủ bề, giờ mang dáng vóc của một thị tứ. Tại thôn Cửa Khẩu, mạng lưới giao thông nông thôn được quy hoạch bài bản và cứng hóa. Trường học, trạm y tế được tầng hóa. Lưới điện quốc gia phủ đến các làng. Quỹ đất nông nghiệp hơn 5.935 ha được quy hoạch thành vùng sản xuất hợp lý. Nổi bật là diện tích cây công nghiệp dài ngày như cao su tiểu điền, điều, cà phê, hồ tiêu tăng mạnh. Hiệu quả mô hình cây trồng, vật nuôi mới được nhân rộng. Nhiều gia đình thu nhập cao.

Đề cập đến hành trình xây dựng nông thôn mới vừa qua, Chủ tịch UBND xã Ia Dom-ông Ngô Hữu Thiện thừa nhận: Trong những chuyến đi học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, tôi nhận thấy, nhiều xã tiềm lực không hơn Ia Dom nhưng sớm thành xã nông thôn mới vì họ hơn về nhận thức. Từ nhận thức đó, hệ thống chính trị của Ia Dom quyết tâm tuyên truyền làm thay đổi tư duy của cán bộ, nhân dân. Theo đó, xã vận động bà con tập trung phát triển kinh tế gia đình và tình nguyện góp công, góp của chung sức xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, xã vận động các doanh nghiệp, lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn tham gia phong trào “Ia Dom chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”. Nhờ vậy, nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới trong 5 năm (2011-2015) lên đến 52,2 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp trên 2,7 tỷ đồng.


 

 

Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Gia Lai đã huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt hơn 18.205 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh phấn đấu có thêm 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 4 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới là: Pleiku, An Khê, Ayun Pa và Đak Pơ.

Quang Văn-Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm