Kinh tế

Tái canh cây cà phê: Triển khai đồng bộ ở nhiều khâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến nay, tổng diện tích cà phê toàn tỉnh là 79.122 ha, trong đó diện tích cà phê kinh doanh 76.523 ha. Cây cà phê được trồng chủ yếu ở: Ia Grai, Đak Đoa, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pah, Chư Pưh, Mang Yang, Đức Cơ, Kbang và TP. Pleiku. Khoảng 3/4 diện tích cà phê hiện có trên địa bàn được trồng từ thời kỳ 1995-2000, trong đó nhiều diện tích đã được 20 năm tuổi.

Qua điều tra của ngành Nông nghiệp và PTNT cho thấy, toàn tỉnh hiện có trên 18.550 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp cần phải tái canh và ghép cải tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo duy trì sản lượng cà phê ổn định; đồng thời hình thành các vùng sản xuất cà phê bền vững, góp phần thúc đẩy việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Mục tiêu đến năm 2020, năng suất cà phê bình quân đạt trên 3 tấn nhân/ha, sản lượng toàn tỉnh đạt trên 198.500 tấn cà phê nhân. Đặc biệt, trên 80% sản lượng cà phê quả tươi đạt tiêu chuẩn TCVN 9728-2012.

 

 

Theo kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê trên địa bàn giai đoạn 2015-2020 đã ban hành, tỉnh Gia Lai có 13.420 ha cần thực hiện tái canh, trong đó trồng tái canh là 13.363 ha, ghép cải tạo 57 ha. Riêng trong năm 2015 sẽ thực hiện tái canh trên diện tích 1.971 ha. Với mục tiêu như vậy cùng với chính sách cho vay tái canh cây cà phê đã được ban hành, đa số hộ dân và các công ty tham gia lĩnh vực trồng cà phê trên địa bàn rất vui mừng vì sẽ được tháo gỡ vấn đề vốn khi triển khai chương trình cho vay tái canh. Khi tiếp cận nguồn vốn này, người trồng cà phê sẽ được hưởng ưu đãi về lãi suất và mức lãi không vượt quá 7% trong thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi.

Đặc biệt, thời hạn cho vay lên đến 8 năm đối với trồng tái canh, trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi là 4 năm; còn ghép cải tạo được vay tối đa là 4 năm, trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi là 2 năm tính từ thời điểm hai bên ký hợp đồng vay. Với suất đầu tư lớn, thời gian từ khi tái canh đến khi thu hoạch dài nên sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập. Việc cho ân hạn là giải pháp để người trồng cà phê yên tâm sản xuất không bị áp lực trả nợ trong giai đoạn này.

 

 
Theo kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê trên địa bàn giai đoạn 2015-2020 đã ban hành, tỉnh Gia Lai có 13.420 ha cần thực hiện tái canh, trong đó trồng tái canh là 13.363 ha, ghép cải tạo 57 ha. Riêng trong năm 2015 sẽ thực hiện tái canh trên diện tích 1.971 ha.

Tuy nhiên, vốn là phần quan trọng trong tiến trình tái canh, còn việc sử dụng giống cây, kiểm nghiệm cải tạo đất, khoa học-kỹ thuật… sẽ góp phần rất lớn vào thành công của chương trình. Theo kế hoạch, việc cung ứng giống sẽ tập trung một đầu mối tại một trung tâm nghiên cứu giống cây trồng của tỉnh. Song hầu hết các doanh nghiệp trồng cà phê trên địa bàn đều kinh nghiệm trong việc này, vì vậy họ đã có đề nghị được tự nghiên cứu và sử dụng giống để giảm giá thành trong sản xuất thay vì phải đi mua. Vấn đề về đất cũng cần được kiểm nghiệm cho phù hợp với việc tái canh. Bên cạnh đó, việc thiết kế xây dựng vườn cà phê mẫu để hướng dẫn nông dân thực hiện tái canh đảm bảo tính bền vững; xây dựng và nhân rộng mô hình điểm tái canh, ghép cải tạo; hướng dẫn người trồng, sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn như UTZ Certified, 4C, VietGAP… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của vườn cà phê.

Sau khi văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành cho vay tái canh cà phê và tỉnh ban hành kế hoạch tái canh trên địa bàn, 10 địa phương trong tỉnh có diện tích cà phê cần tái canh đã cùng với các ngành liên quan có nhiều giải pháp để triển khai thực hiện sao cho thông suốt, đặc biệt là cho kịp đầu niên vụ vào tháng 10 sắp tới. Về phía ngành Ngân hàng, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai cho biết: Để tạo thuận lợi cho khách hàng được tiếp cận vốn vay, Chi nhánh Agribank Gia Lai đã có những hướng dẫn chi tiết quy trình tiếp cận vốn, liên quan đến hồ sơ, các thủ tục cho khách hàng. Với diện tích cần tái canh trong năm 2015 sẽ cần gần 300 tỷ đồng.

Vốn luôn sẵn sàng, tuy nhiên để triển khai thực hiện thành công đề nghị tỉnh tuyên truyền cho người dân thấy rõ mục đích của việc cần thiết phải tái canh; sớm công bố danh sách tổ chức, cá nhân thực hiện tái canh có xác nhận của chính quyền địa phương dựa trên kế hoạch tái canh đã được ban hành.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm