Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tai nạn lao động: Nguy cơ rình rập

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chỉ cần một phút lơ là, bất cẩn trong lao động, nhiều người phải trả giá bằng sức khỏe và tính mạng của mình.
Khánh kiệt do tai nạn 
Trong căn nhà nhỏ ở thôn 3 (xã Ia Blang, huyện Chư Sê, Gia Lai), anh Nguyễn Thanh Phê (21 tuổi) nằm bất động. Ông Nguyễn Thanh Nẹ-bố anh-dù bị bệnh tim nhưng vẫn gắng sức nâng đỡ anh lên để lau chùi vết thương. Theo ông Nẹ, ngày 18-10-2018, khi đang phay gỗ cho một công ty sản xuất gỗ cao su ở Kon Tum thì anh bị máy cưa văng vào làm đứt lìa đùi phải. Sau 3 tháng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh, tuy sức khỏe đã hồi phục nhưng anh Phê lại trở thành người tàn phế, hiện chưa đi lại được, mọi sinh hoạt đều phải nhờ người thân giúp đỡ.
Hoàn cảnh gia đình anh Phê rất khó khăn. Bố bị bệnh tim, mẹ ung thư dạ dày, 2 em đang tuổi ăn tuổi học. Trước đây, anh Phê là trụ cột chính trong gia đình. Song từ ngày bị tai nạn lao động, mỗi tháng chi phí thuốc men điều trị cho anh mất gần 8 triệu đồng. Bà Lê Thị Huệ-mẹ anh Phê phải gắng gượng vượt qua cơn đau để đi làm thuê, lo cho cả gia đình. Mất đi lao động chính, lại phải lo chạy chữa thuốc men, gia đình anh Phê rơi vào cảnh khánh kiệt. Gạt nước mắt lăn dài trên gò má sạm đen, bà Huệ đau đớn: “Tai nạn lao động đến với con trai tôi bất ngờ quá. Khi tỉnh lại, con tôi nói do chủ quan không kiểm tra máy móc, nguồn điện vận hành trước nên mới xảy ra tai nạn đáng tiếc”.
 Sau 3 tháng điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, anh Đinh Đum (xã Lơ Ku, huyện Kbang) vẫn chưa hồi phục. Ảnh: H.T
Sau 3 tháng điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, anh Đinh Đum (xã Lơ Ku, huyện Kbang) vẫn chưa hồi phục. Ảnh: H.T
Một trường hợp khác cũng khốn đốn vì tai nạn lao động là anh Đinh Đum (làng Kbông, xã Lơ Ku, huyện Kbang). Sáng 21-1-2019, anh Đum thấy tôn trên mái nhà bị tốc nên trèo lên sửa lại. Do bất cẩn, không thắt dây an toàn nên anh Đum bị rơi từ mái nhà xuống gây chấn thương cột sống cổ, dập tủy, liệt 2 chi dưới, yếu 2 chi trên. Chị Đinh Chơi-vợ anh Đum-kể: “Cuộc sống gia đình vốn đã khó nay càng khó hơn. Con cái nheo nhóc, phải nghỉ học để chăm sóc bố. Mình lại chuẩn bị đẻ đứa thứ 5, không biết lấy tiền đâu để lo cho các con”.
Tăng cường kiểm tra, tập huấn
Ông Nguyễn Hữu Tùng-Phó Trưởng phòng Lao động Việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) chia sẻ: nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động chủ yếu là do chủ quan, lơ là trong quá trình làm việc. Ngoài các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chấp hành tốt những quy định về an toàn vệ sinh lao động, vẫn còn một số doanh nghiệp lơ là trong công tác này. Người lao động, nhất là lao động tự do, lại càng thiếu ý thức phòng tránh tai nạn, thương tích nên đã xảy ra nhiều tai nạn đáng tiếc.
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong số hơn 800.000 người trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh, mới chỉ có trên 78.000 lao động làm việc ở các đơn vị, doanh nghiệp được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, số còn lại là lao động tự do. Những lao động này không được ký kết hợp đồng lao động, khi không may xảy ra tai nạn thì họ là người chịu thiệt thòi, gia đình rơi vào cảnh khốn cùng.
Để hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn lao động, hàng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thanh-kiểm tra tại nhiều doanh nghiệp về điều kiện làm việc cho người lao động; đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách về công tác an toàn vệ sinh lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp. “Qua thanh-kiểm tra, Sở phát hiện điều kiện môi trường làm việc tại nơi sản xuất của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được cải thiện, thiếu trang-thiết bị bảo hộ lao động. Và tai nạn thường xảy ra do sự bất cẩn, lơ là của người lao động; hoặc do người sử dụng lao động chưa quan tâm đúng mức đến công tác an toàn vệ sinh lao động”-ông Tùng nhấn mạnh.
Theo ông Bùi Đức Nhưỡng-Phó Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), ngoài những nguyên nhân khách quan do máy móc, thiết bị không đảm bảo, người lao động không được tập huấn quy trình sử dụng máy móc an toàn… thì nhiều người vẫn còn tâm lý bất cẩn, lơ là trong lao động sản xuất. Theo điều tra, tỷ lệ lao động trẻ (18-24 tuổi) trên cả nước bị tai nạn lao động cao hơn 40% so với lao động trưởng thành. Điều này đặt ra yêu cầu cần tăng cường công tác tập huấn an toàn lao động, kiểm định nghiêm ngặt quy trình vận hành máy móc, nâng cao nhận thức cho người lao động. 
 HÀ TÂY

Có thể bạn quan tâm