Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tăng cả số lượng và tính chất nghiêm trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bất chấp sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng, 3 tháng đầu năm 2015, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh ta vẫn tăng vọt cả số vụ, số người chết và số người bị thương.


Tai nạn tăng đột biến

Theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2015, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh ta diễn biến hết sức phức tạp. Cụ thể, toàn bộ các địa phương trong tỉnh đều đã để xảy ra TNGT. So với cùng kỳ năm 2014, toàn tỉnh chỉ có 4 địa phương, gồm: thị xã An Khê và các huyện Đức Cơ, Chư Pah, Chư Pưh kéo giảm được số người chết vì TNGT. Ở chiều ngược lại, có đến 11 địa phương trong tỉnh để tăng số người chết vì TNGT, trong đó, TP. Pleiku, thị xã Ayun Pa và các huyện Chư Sê, Kông Chro, Đak Đoa, Đak Pơ, Mang Yang là các địa phương để tăng cả số vụ, số người chết và số người bị thương. Đáng báo động là tỷ lệ tăng của các địa phương này đều rất cao, có nơi tăng đến 400% số vụ như huyện Đak Đoa hay tăng 500% số người chết như huyện Kông Chro.

 

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. Ảnh: V.P
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. Ảnh: V.P

Việc TNGT ở phần lớn các địa phương trong tỉnh tăng vọt tất yếu sẽ dẫn đến sự gia tăng mạnh số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã xảy ra 63 vụ TNGT, làm chết 75 người, bị thương 41 người. So với cùng kỳ năm 2014, TNGT tăng 21 vụ (+50%), tăng 28 người chết (+59,57%) và tăng 8 người bị thương (+24,24%). Trong 63 vụ TNGT xảy ra, đáng chú ý là có đến 10 vụ tai nạn rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng (chiếm gần 16%). Ngoài ra, trong 3 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh còn xảy ra 37 vụ va chạm giao thông, làm bị thương 52 người (giảm 11 vụ và giảm 22 người bị thương so với cùng kỳ năm 2014).

Phân tích các vụ TNGT cho thấy, gần 93% số vụ xảy ra do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong đó, các lỗi phổ biến nhất dẫn đến tai nạn là: đi không đúng phần đường, làn đường, lấn đường (45,61%); chạy quá tốc độ (14,04%); không chú ý quan sát (12,28%); sử dụng rượu, bia (12,28%)... Về tuyến đường xảy ra TNGT, quốc lộ vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 47,62% số vụ, tiếp đến là đường giao thông nông thôn (25,40%), đường nội thị và đường tỉnh (cùng 11,11%). Một con số khác đáng quan tâm là số vụ TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số đang có dấu hiệu tăng nhanh. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có 26 vụ TNGT liên quan đến đối tượng này (chiếm 41,27%), làm chết 28 người (37,33%) và bị thương 17 người (41,46%). So với cùng kỳ năm 2014, TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số tăng 36,84% số vụ và tăng 86,67% số người chết.

Cần những giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Từ đầu năm đến nay, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn vẫn được cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng trong tỉnh hết sức quan tâm. Theo đó, chỉ trong 3 tháng, lực lượng Cảnh sát Giao thông và Cảnh sát Trật tự toàn tỉnh đã phát hiện 19.372 trường hợp vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, xử phạt 13.894 trường hợp, nộp Kho bạc 6,2 tỷ đồng, tạm giữ 2.863 phương tiện, 10.358 giấy tờ các loại, tước 596 giấy phép lái xe có thời hạn. Ngoài ra, lực lượng tự quản, Công an xã và lực lượng Cảnh sát khác còn phát hiện 7.441 trường hợp vi phạm, xử lý 1.466 trường hợp, nộp kho bạc trên 362 triệu đồng.

Dù đã hết sức nỗ lực như vậy song vẫn phải thấy rằng, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua đang còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn chưa tác động mạnh và làm chuyển biến hành vi khi tham gia giao thông, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tình trạng thanh-thiếu niên hư hỏng, càn quấy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, điều khiển phương tiện trong tình trạng đã uống rượu, bia còn khá phổ biến. Tình trạng người dân tộc thiểu số điều khiển xe công nông chở người tham gia giao thông và tình trạng xe ô tô chở quá khổ, quá tải, quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu để tranh giành khách vẫn còn xảy ra không ít…

Những tồn tại, hạn chế nói trên không phải đến bây giờ cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng ở tỉnh ta mới nhận ra. Tuy nhiên, việc khắc phục những tồn tại, hạn chế này rõ ràng không phải là điều dễ làm. Nó đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng trong tỉnh cần phải tìm được những giải pháp mang tính đột phá và triển khai những giải pháp đó một cách đồng bộ, quyết liệt hơn nữa với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Có như vậy, tỉnh ta mới có thể hướng đến mục tiêu kiềm chế TNGT một cách bền vững thay vì sự tăng-giảm thất thường những năm qua.

Vĩnh Phúc

Có thể bạn quan tâm