(GLO)- Ngày 19-7, tại Khách sạn Tre xanh (TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai), Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống sâu keo mùa thu tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Dự và chủ trì có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh; ông Kpă Thuyên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và một số địa phương trong tỉnh Gia Lai
Theo Cục Bảo vệ Thực vật, tính đến ngày 12-7, tổng diện tích nhiễm sâu keo gây hại bắp trên toàn quốc là 14.893 ha. Trong đó, diện tích nhiễm nặng 1.254 ha, diện tích đã phòng trừ 7.227 ha. Riêng tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, diện tích nhiễm toàn vùng là 6.985 ha, diện tích nhiễm nặng 840 ha phân bổ ở 12 tỉnh từ Quảng Ngãi đến Lâm Đồng.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Tại Gia Lai, từ đầu tháng 5 đến nay, sâu keo đã xuất hiện và gây hại bắp ở 12/17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh với mật độ trung bình 2-6 con/ m2, cao 10 con/m2, diện tích bị nhiễm 4.936,2 ha. Trong đó, nhiễm nhẹ 1.618,75 ha; trung bình 1.736 ha và nhiễm nặng 1.581,45 ha. Qua điều tra, đánh giá của cơ quan chuyên môn, hầu hết các giống bắp trồng trên địa bàn tỉnh đều nhiễm sâu keo. Tuy nhiên các giống bắp biến đổi gen mức độ gây hại nhẹ hơn các giống bắp nếp địa phương bị nhiễm nặng.
Trước tình hình sâu keo gây hại bắp, UBND tỉnh; Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương đã tổ chức 29 lớp hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu keo hại bắp cho 1.900 người tham gia. Đến nay đã phòng trừ được 3.777,6 ha bắp bị nhiễm sâu keo. Trong đó, 2.197,25 ha được xử lý bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ Thực vật phun từ 2-3 lần đạt hiệu quả 70-80%. Tuy nhiên, do chỉ xử lý thuốc 1 lần nên vẫn còn 1.411,85 ha sâu keo tái phát, vì vậy hiệu quả phòng trừ chỉ đạt dưới 50%. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn và các địa phương, khó khăn hiện nay do đây là đối tượng dịch hại mới nên việc hiểu biết của người dân còn nhiều hạn chế, vì vậy mức độ nguy hiểm và cách phòng trừ còn nhiều hạn chế. Công tác chỉ đạo của địa phương chưa thật sự sâu rộng đến người dân. Đặc biệt, một số hộ dân chưa tuân thủ quy trình phòng trừ do cơ quan chuyên môn hướng dẫn…
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương nhất là tỉnh Gia Lai bước đầu phòng trừ sâu keo mang lại kết quả rõ nét. Trong thời gian tới, đề nghị các địa phương và các đơn vị trực thuộc Bộ cần tập trung tuyên truyền nghiêm túc Chỉ thị số 4962/ CT- BNN-BVTV của Bộ Nông nghiệp và PTNT; làm tốt công tác gieo trồng theo đúng lịch thời vụ. Những diện tích nhiễm nặng tiêu hủy hoặc cắt làm thức ăn cho gia súc để giảm mầm bệnh. Thành lập Ban chỉ đạo và tổ công tác của Bộ như khảm lá vi rus hại mỳ. Hoàn thiện công tác nghiên cứu, bám sát các địa phương cập nhật tình hình sâu keo và quy trình xử lý từ tiêu diệt đến xử lý đất, khuyến cáo người dân sử dụng bộ giống hợp lý, nếu giống bị nặng phải tiêu hủy. Nghiên cứu các hoạt chất sớm công bố các loại thuốc cho người dân sử dụng… Ghi nhận những kiến nghị của các địa phương để báo cáo Bộ trưởng có phương án hỗ trợ…
Nguyễn Diệp