Tăng cường công tác phòng-chống dịch bệnh trong mùa khô hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nắng hạn kéo dài là điều kiện thời tiết thuận lợi để một số dịch bệnh bùng phát thành dịch như: sởi, tay-chân-miệng, quai bị, tiêu chảy cấp… vì vậy, ngành Y tế đã sớm chủ động tăng cường các biện pháp phòng-chống dịch bệnh trong mùa khô hạn nhằm khống chế và không để các bệnh truyền nhiễm phát triển thành dịch lớn.

Theo thống kê của Sở Y tế, 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 6.334 mắc các bệnh như: lỵ, tiêu chảy, thủy đậu, quai bị, tay chân miệng… Trong đó, có 1.833 người mắc bệnh tiêu chảy. Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng-chống dịch bệnh ngay từ đầu mùa khô và tiến hành thành lập 3 đội công tác cơ động phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra nguồn nước khô hạn trên tất cả các huyện, thị xã, thành phố.

 

Các bác sĩ chuyên khoa đang khám bệnh cho người dân. Ảnh: N.T
Các bác sĩ chuyên khoa đang khám bệnh cho người dân. Ảnh: N.T

Đối với các địa bàn xảy ra hạn hán nặng như huyện Chư Pưh, Chư Sê, Krông Pa người dân dễ mắc bệnh về tiêu hóa, ngoài da dễ lây lan. Đội công tác cơ động phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra nguồn nước khô hạn. Các bác sĩ chuyên khoa, cán bộ chuyên trách Trung tâm Y tế huyện và y tế thôn làng đã phối hợp với đội công tác tập trung người dân, điều trị bệnh nhân và hướng dẫn cách phòng-chống lây nhiễm. Người dân tại các vùng khô hạn thường mắc các bệnh xã hội thông thường như: đỏ mắt, viêm kết mạc, bướu cổ, bệnh da liễu (chàm, viêm da dị ứng, ghẻ…). Đội công tác đã tiến hành kiểm tra nguồn nước và cấp viên Aquatabs để khử khuẩn nguồn nước. Ông Nguyễn Văn Đồng-Giám đốc Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh nhận định: “Nhìn chung, tỷ lệ mắc các bệnh xã hội mà Trung tâm đang kiểm soát diễn biến bình thường. Các cán bộ chuyên trách huyện, xã, cán bộ y tế thôn làng, cộng tác viên đã nhiệt tình chủ động làm tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe tuyên truyền phòng-chống dịch bệnh, ý thức của người dân tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình ngày càng nâng cao. Trên địa bàn không phát hiện ổ dịch”.

Bên cạnh đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai tuyên truyền hướng dẫn người dân cách phòng-chống dịch bệnh và tác hại do nắng nóng, chú trọng các biện pháp phòng-chống dịch bệnh, tăng cường công tác vệ sinh phòng dịch bệnh; đẩy mạnh các hoạt động kiểm soát, giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay từ cơ sở, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường công tác khám-chữa bệnh, phòng-chống nóng cho bệnh nhân.

 

Ngay từ sáng sớm, người dân đã tập trung rất đông để được các bác sĩ khám. Ảnh: N.T
Ngay từ sáng sớm, người dân đã tập trung rất đông để được các bác sĩ khám. Ảnh: N.T

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các biện pháp phòng-chống dịch bệnh thường gặp nhằm giúp người dân hiểu, tự giác, tích cực tham gia phòng-chống dịch bệnh tại cộng đồng, ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế  khuyến cáo: Người dân nên thường xuyên ưu tiên vệ sinh bằng nước sạch, tắm rửa bằng xà bông, đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh. Nên ăn chín, uống sôi. Nếu người từ các vùng dịch bệnh quay về địa phương, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám và có biện pháp cách ly phù hợp. Bệnh nhân mắc phải các bệnh ngoài da cần phải được phát hiện sớm và chữa trị ngay từ đầu, thuốc cấp phát phải sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không để bệnh lây lan.

Trước những nguy cơ tiềm ẩn của các loại dịch bệnh có thể bùng phát vào thời điểm nắng nóng như hiện nay, ngoài những phương án mà ngành chức năng đang triển khai để bảo vệ sức khỏe của người dân, hạn chế dịch bệnh, thì mỗi người dân cũng cần nêu cao ý thức  trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường sống và cần chủ động khám, thông báo cho cơ sở y tế khi có biểu hiện bệnh để có biện pháp chữa trị kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng.

Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm