Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ôn tập tiếng Việt cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5, tập nói và giúp nhận biết chữ viết cho trẻ vào lớp 1 là những hoạt động mà giáo viên ở nhiều trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số thực hiện  trong hè để tạo thuận lợi cho học sinh trong năm học mới.
Ôn tập miễn phí trong hè
Nhằm giúp học sinh dân tộc thiểu số Bahnar sẵn sàng bước vào năm học mới, Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng (huyện Kbang, Gia Lai) đã tổ chức dạy hè miễn phí cho các em ngay từ đầu tháng 8 với 10 lớp học ở cả 3 điểm trường. Mỗi lớp học được bố trí 2 giáo viên đứng lớp với 2 buổi/ngày. Cô giáo Nguyễn Thị Điềm (giáo viên điểm trường Pờ Ngăl) vừa cầm tay giúp học sinh nắn nót từng nét chữ vừa nói: “Những lớp học hè được tổ chức rất nghiêm túc, hiệu quả rõ rệt sau 2 tuần. Học sinh dân tộc thiểu số nhanh quên bài nên nếu không ôn tập thì giáo viên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giúp các em tiếp nhận kiến thức mới. Bên cạnh đó, duy trì học hè một tháng và nối liền với thời gian học chính thức sẽ giúp học sinh, đặc biệt là các em lên lớp 1, không bị bỡ ngỡ”.
  Cô giáo Nguyễn Thị Điềm-Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) ôn tập hè cho học sinh lên lớp 2.  Ảnh: N.G
Cô giáo Nguyễn Thị Điềm-Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) ôn tập hè cho học sinh lên lớp 2. Ảnh: N.G
Sự nhiệt tình của các giáo viên còn thể hiện ở chỗ nắm rõ danh sách học sinh, kịp thời phát hiện những em vắng mặt để vào tận nhà đón các em ra lớp. Ghi nhận tâm huyết của các thầy-cô giáo, chị Đinh Thị Khanh-một phụ huynh ở làng Bờ-nói: “Năm nay con tôi lên lớp 2, hè ở nhà không có ai giúp cháu học nên trường tổ chức dạy hè thế này rất bổ ích. Có hôm vợ chồng tôi vội đi làm không chở cháu đến trường được thì các cô vào tận nhà đón cháu đi. Sau này, tôi thấy các thầy cô vất vả quá nên ngày nào cũng cố gắng chở con đến trường rồi mới đi làm”. Cũng theo chị Khanh, dù con đi học hè nhưng gia đình chị không phải tốn kém gì vì sách, vở, bút đều được nhà trường hỗ trợ đầy đủ.
Trao đổi thêm về việc tổ chức ôn tập hè cho học sinh, thầy Phạm Xuân Trường-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng-cho biết: “Nhà trường thống nhất ôn tập cho các em trước 1 tháng. Trong đó, chúng tôi ưu tiên cho học sinh lớp 1, lớp 2 để củng cố vững chắc vốn tiếng Việt, làm tiền đề cho các em học tập các môn văn hóa khác”.
Được biết, theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), 100% trường học vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã tổ chức ôn tập hè cho học sinh 2-3 tuần trước khi bước vào năm học mới.
Đẩy nhanh đề án tăng cường tiếng Việt
Năm 2016, UBND tỉnh ban hành đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”. Sở GD-ĐT đã tổ chức việc thực hiện đề án với mục tiêu: đảm bảo trẻ mầm non và học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số có đủ kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục; tạo tiền đề để các em học tập, lĩnh hội tri thức các cấp học tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo sự phát triển bền vững cho vùng dân tộc thiểu số. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 35% trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ, 90% trẻ 5 tuổi được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi.
Ngành GD-ĐT cũng đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt tại gia đình, cộng đồng thôn, làng để tạo điều kiện cho học sinh rèn luyện kỹ năng nói. Trong năm học này, Sở GD-ĐT cũng đã có kế hoạch bồi dưỡng, tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án ở các địa phương, đồng thời xây dựng bản đồ ngôn ngữ tại những vùng có nhiều dân tộc thiểu số.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đông-Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết: “Ngành giáo dục phấn đấu hàng năm có 100% học sinh dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt; 95% học sinh dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình, đạt chuẩn kiến thức kỹ năng môn Tiếng Việt cấp tiểu học. Phấn đấu đến năm 2025, 100% học sinh dân tộc thiểu số đảm bảo chuẩn về chất lượng để học tốt chương trình THCS. Để đẩy nhanh tiến độ, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường tiếng Việt trong hè cho học sinh trước 2-3 tuần để các em sẵn sàng cho năm học mới. Đối với học sinh lên lớp 1, sự chuyển tiếp từ bậc mầm non lên tiểu học được coi là giai đoạn rất quan trọng khi các em bước vào môi trường học kiến thức thực sự sau khi kết thúc bậc mầm non mang tính chất học mà chơi, chơi mà học. Do đó, các trường cần ưu tiên để giúp các em không gặp nhiều khó khăn khi bước vào chương trình học mới”.
Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm