Thời sự - Bình luận

Tăng lương công chức, viên chức: Không thể nợ mãi nữa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mặt bằng giá mới đã được hình thành sau các biến động liên tục của giá xăng dầu. Lạm phát cộng dồn 3 năm qua đã khiến giá trị đồng tiền hao hụt đi rất nhiều. Trong khi lương cán bộ công chức, viên chức suốt 3 năm qua... chưa tăng.

 

Lương thấp, lại còn bị nợ, một nhân viên y tế phải bán hàng vỉa hè để tăng thu nhập. Ảnh: Vy Vy
Lương thấp, lại còn bị nợ, một nhân viên y tế phải bán hàng vỉa hè để tăng thu nhập. Ảnh: Vy Vy



Khi giá xăng dầu đã “tương đối giảm” vào đầu tháng 9 năm nay, đã có một câu hỏi được đặt ra, rằng: Vì sao giá hàng hoá thiết yếu vẫn “không chịu” giảm?

Câu trả lời đơn giản: Tính “bảo thủ” trong giá cả hàng hoá dịch vụ. Trên Thanh Niên, một chuyên gia kinh tế cho rằng, chính vì tính “bảo thủ” rất khó thay đổi này nên khi đã thiết lập được mặt bằng giá mới, giá cả “không có ý định giảm”. Ví dụ như giá dịch vụ cắt tóc hay giá thành bát phở khi đã tăng thêm 5.000-10.000 đồng rồi thì không giảm nữa.

Mặt bằng giá mới, rất khó “chẻ hoe” bằng con số % trong lương, thu nhập bình quân. Nhưng có một điều chắc chắn: Người dân sẽ phải trả nhiều hơn cho cùng một hàng hoá, dịch vụ.

Lương cán bộ công chức đáng lẽ đã tăng từ tháng 7.2020 theo lộ trình nhưng vì những khó khăn do đại dịch, việc tăng lương đã “tạm dừng”. Dừng qua năm 2021, dừng luôn cả năm 2022. Không thể nói khác được: Đó là sự hy sinh của những người hưởng lương và cũng là một món nợ không thể nhây thêm nữa.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu vừa xác nhận một thực tế là thu nhập của công chức, viên chức, khu vực công “còn thấp”. Thấp, cộng thêm việc “phân phối cứng nhắc, cào bằng” chính là một trong 5 nguyên nhân dẫn đến tính trạng chuyển dịch từ khu vực công sang tư.

Là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương cải cách tiền lương, ông Ngọ Duy Hiểu bày tỏ mong muốn lương cán bộ viên chức sẽ được tăng ngay vào đầu hoặc cùng lắm là giữa năm 2023.

Tại Diễn đàn kinh tế xã hội Việt Nam 2022 hôm 18.9, PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cũng đề cập đến một sự “kích thích mới” mà chỉ đơn giản là việc tăng lương. Bởi hiệu quả cao sẽ được tạo ra ngay từ một chính sách được cho là đơn giản, dễ thực hiện, và trực tiếp.

Tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2022 ước đạt tới 1,2 triệu tỉ đồng, bằng 85,6% dự toán năm và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với dự toán ngân sách cả năm 1,411 triệu tỉ đồng thì dù còn 4 tháng nữa mới kết thúc năm nhưng số thu ngân sách đã gần đạt kế hoạch cho cả năm.

Có nghĩa rằng không phải chúng ta không có tiền để trả món nợ tiền lương đã nợ nhây suốt 3 năm qua.

Và thật ra cũng không có lý do nào để nợ nhây thêm nữa.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/tang-luong-cong-chuc-vien-chuc-khong-the-no-mai-nua-1094805.ldo
 

Theo Anh Đào (LĐO)

 

Có thể bạn quan tâm