Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tạo đột phá trên 3 trụ cột chính

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai sau khi nghe lãnh đạo các sở, ngành, địa phương báo cáo việc triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 tại cuộc họp sáng 13-2.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã gợi ý thảo luận nhiều nhiệm vụ quan trọng cần tập trung triển khai thực hiện, trong đó nhấn mạnh đến 3 trụ cột chính trên địa bàn tỉnh gồm: phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, công nghiệp chế biến và du lịch.
Xác định lại cây trồng chủ lực
Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần nhìn lại xem thời gian qua, nền nông nghiệp của tỉnh đã đi đúng định hướng chưa; phát triển nông nghiệp công nghệ cao và thực hiện theo chuỗi giá trị hiệu quả ra sao? Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, cần xác định lại các cây trồng chủ lực phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng từng vùng, từng địa phương; phát triển nông nghiệp phải gắn với xây dựng nông thôn mới, phát huy tối đa vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng ngành du lịch tỉnh nhà phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Ảnh: H.T
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng ngành du lịch tỉnh nhà phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Ảnh: H.T
Trên cơ sở gợi ý này, ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-nêu quan điểm: “Việc lựa chọn các loại cây trồng chủ lực của tỉnh cần dựa vào thế mạnh đã có; đồng thời, phải căn cứ vào một thị trường ổn định và tiềm năng”. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm tại cuộc họp về Thông tư của Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa ban hành quy định 13 sản phẩm nông nghiệp quốc gia, gồm: lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, rau quả, mì và các sản phẩm từ mì, thịt heo, thịt và trứng gia cầm, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Trong số đó, ông Trương Phước Anh đã chỉ ra 6 loại cây trồng có thể trở thành cây chủ lực của tỉnh như: lúa gạo, cao su, điều, hồ tiêu, mì và gỗ. “Diện tích lúa, cao su, điều, mì… của tỉnh ta khá lớn; hồ tiêu dù giá không cao như năm 2015 nhưng vẫn là cây trồng nên giữ; gỗ và sản phẩm từ gỗ trong tương lai cũng có thể là thế mạnh vì công tác trồng rừng của chúng ta đang triển khai khá hiệu quả. Ngoài ra, chè và cây ăn quả cũng khá tiềm năng”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhận định.
PGS.TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cũng đề nghị tỉnh cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tiến tới một số mô hình nông nghiệp thông minh; đồng thời mạnh dạn xây dựng khu lâm nghiệp công nghệ cao, phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất và chế biến gỗ của khu vực Tây Nguyên. Về việc này, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ về mặt tổ chức hội thảo, chuyên gia để cùng với Sở Nông nghiệp và PTNT xúc tiến triển khai.
PGS. TS Nguyễn Danh cho rằng tỉnh nên mạnh dạn xây dựng khu lâm nghiệp công nghệ cao. Ảnh: H.T
PGS. TS Nguyễn Danh cho rằng tỉnh nên mạnh dạn xây dựng khu lâm nghiệp công nghệ cao. Ảnh: H.T
Trao đổi lại vấn đề, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành lưu ý, việc định hướng cây trồng chủ lực cần có cái nhìn mới mẻ hơn, tránh khuôn mẫu; khi hoạch định chính sách phải gắn liền với thị trường, doanh nghiệp chứ không thể để nông dân tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Hiện nay, cao su đang mất giá, hồ tiêu thì chết tràn lan, điều chỉ hợp khí hậu ở một số ít địa phương. Vì thế, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nếu định hướng 6 loại cây trồng chủ lực như thế thì 10 năm nữa chúng ta vẫn sẽ giậm chân tại chỗ mà không thể có sự bứt phá đi lên. “Tỉnh ta đang có thị trường rau, hoa, cây ăn quả rất tiềm năng. Liệu rằng trong vòng 15-20 năm nữa, tỉnh có thể thay thế vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành vựa trái cây lớn của cả nước hay không? Cây dược liệu có thể trở thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh được không?”-Chủ tịch UBND tỉnh đặt câu hỏi.
Đẩy mạnh phát triển du lịch
Làm thế nào để phát triển du lịch tỉnh nhà một cách toàn diện cũng là vấn đề được các sở, ngành tập trung bàn luận sôi nổi. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng, ngành du lịch của tỉnh chưa thật sự phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có. Vì vậy, cần có những sản phẩm du lịch đặc trưng và chủ động thiết kế, kết nối các tour, tuyến du lịch để đẩy mạnh phát triển hơn nữa lĩnh vực này.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, khách du lịch đến tỉnh Gia Lai có sự gia tăng, doanh thu vào khoảng 5,4 tỷ đồng. Đó cũng là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, ông Nhung cũng thẳng thắn nhìn nhận, mức doanh thu đó còn khá thấp, chủ yếu có được từ hoạt động bán vé chứ chưa khai thác được các dịch vụ du lịch kèm theo. Hiện tỉnh cũng chưa có những sản phẩm du lịch đặc trưng để du khách mua về làm quà lưu niệm. “Để ngành du lịch tỉnh nhà phát triển hơn nữa, tôi nghĩ rằng năm 2019, hoạt động du lịch phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa các ngành và địa phương với nhau, cùng tham mưu cho tỉnh về một chiến lược phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Riêng Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch sẽ có báo cáo cụ thể cho UBND tỉnh về tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao trong quý I này”-ông Nhung nói.
Biểu diễn cồng chiêng tại nhà rông Làng văn hóa du lịch Plei Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy
Biểu diễn cồng chiêng tại nhà rông Làng văn hóa du lịch Plei Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh thì cho rằng, việc xây dựng chính sách phát triển du lịch, công tác xúc tiến và quảng bá du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, đội ngũ làm du lịch tại chỗ… của tỉnh còn nhiều bất cập, hạn chế, gây cản trở đến việc phát triển du lịch của địa phương thời gian qua. Từ đó, ông Thành đề xuất một số giải pháp khắc phục, đồng thời mong muốn các cơ quan, chính quyền địa phương tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chính sách sao cho thật chi tiết để tạo được môi trường, hành lang thuận lợi cho phát triển du lịch; huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển du lịch bằng những dự án cụ thể. Riêng sản phẩm du lịch nên chọn cái đặc trưng, dễ làm, dễ thu hút du khách để làm trước; tránh ôm đồm quá nhiều nhưng lại thiếu sự tiêu biểu.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành ghi nhận các ý kiến thảo luận, đóng góp của các sở, ngành. Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT xác định lại và tham mưu cho tỉnh về những cây trồng chủ lực; phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tăng tốc xây dựng đề án khu nông-lâm nghiệp công nghệ cao; phối hợp chặt chẽ với ngân hàng xác định lại chính xác diện tích hồ tiêu chết để có đề xuất “giải cứu” kịp thời cho nông dân; nhanh chóng hoàn thành các khu công nghiệp chế biến; lựa chọn các sản phẩm đặc trưng để xây dựng thương hiệu. Ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách phát triển du lịch; điều chỉnh kế hoạch phát triển du lịch trong năm 2019 và những năm tiếp theo cho phù hợp với thực tiễn từng năm; phối hợp tổ chức các phiên chợ biên giới, huy động một số doanh nghiệp lớn tham gia để thu hút khách du lịch; xây dựng các chính sách hỗ trợ cho một số ngành, nghề phục vụ du lịch; xúc tiến quảng bá du lịch; khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai sẵn có của địa phương…
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành sau cuộc họp này cần tăng tốc triển khai ngay các nhiệm vụ trọng tâm với trách nhiệm cao nhất; đồng thời chú trọng đôn đốc, kiểm tra thường xuyên, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đề ra.
Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm