Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tạo đột phá trong giáo dục hướng nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong những năm qua, vấn đề giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông sau THCS và THPT được chú trọng, nhất là sau khi có Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng và Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về vấn đề hướng nghiệp.


Nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Gia Lai đã hình thành được hệ thống văn bản và chương trình về giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông; đồng thời quan tâm chỉ đạo các đơn vị trường học phân công giáo viên kiêm nhiệm công tác hướng nghiệp để giúp nhà trường chỉ đạo các hoạt động giáo dục hướng nghiệp và tư vấn cho học sinh, phụ huynh trong lĩnh vực này. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc đổi mới nội dung và hoạt động giáo dục; đơn cử như khi giảng dạy quan tâm phần tích hợp các chủ đề hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với hoạt động trải nghiệm thực tế ở cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc nghe trực tiếp cán bộ, công nhân hay lãnh đạo doanh nghiệp trao đổi về ngành nghề của mình…

Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông (Ảnh minh họa)
Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông (Ảnh minh họa)



Tuy nhiên, trong thực tế, một số địa phương mới chú ý đến các hình thức tổ chức mang tính phong trào hoặc để đối phó, ít đi sâu vào nội dung và hiệu quả của công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp. Những tồn tại trong giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh từ trước đến nay có nguyên nhân từ việc chậm đổi mới về cơ cấu chương trình, chính sách trong lĩnh vực này, cũng như việc chậm đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giáo viên làm công tác hướng nghiệp. Bên cạnh đó là hệ thống giáo dục nghề và thị trường lao động ở nước ta phát triển chưa lành mạnh.

Tại tỉnh ta, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ mục tiêu của việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT trong thời gian đến là phấn đấu đạt 20-30% học sinh vào học các trường nghề ở địa phương (số liệu của năm 2017 mới chỉ có 17,5% học sinh theo học nghề). Để đạt được chỉ tiêu trên, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phải thực sự ổn định, đi vào nền nếp từ khâu tổ chức đến các chính sách liên quan. Đồng thời, việc tuyên truyền cần được tổ chức rộng rãi và được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh trong việc định hướng và chọn lựa nghề nghiệp của con em mình trong tương lai. Nhất là đối với cấp THCS, khi học sinh học xong lớp 9, các em mới ngoài 15 tuổi, còn rất “bé bỏng” trong mắt các bậc làm cha, làm mẹ nên số phụ huynh cho em mình rẽ sang học nghề để chuẩn bị vào đời vẫn còn khá ít. Kèm theo đó, nhiều phụ huynh có tâm lý cho con học để có tấm bằng đại học cho bằng bạn bằng bè nên cố lo cho con theo nốt những năm cuối phổ thông rồi xét tuyển vào bất cứ một đại học nào mà đôi khi không cần biết nó có phù hợp với năng lực, sở thích của con em mình và nhu cầu của thị trường lao động hay không. Chính vì thế, số thanh niên cầm bằng cử nhân đang thất nghiệp hoặc phải làm những ngành nghề không liên quan gì đến kiến thức đã học ngày càng nhiều (số cử nhân thất nghiệp cả nước tính đến quý III-2017 là 237.000 người).

Mới đây, để tạo bước đột phá trong giáo dục hướng nghiệp, làm chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Đề án yêu cầu tất cả các trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Đối với miền núi, vùng khó khăn như Gia Lai cũng phải đảm bảo 80% số trường thực hiện. Đồng thời, các trường THCS và THPT phải có giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn, hướng nghiệp; huy động nguồn nhân lực trong xã hội, trong và ngoài nước tham gia lĩnh vực này.

Thiết nghĩ, đối với Gia Lai, sau khi thực hiện đề án sáp nhập các trường nghề, chúng ta có thế và lực mới, đủ năng lực để nâng cao chất lượng đào tạo các ngành nghề theo yêu cầu. Vì vậy, việc hướng nghiệp và phân luồng cho học sinh để các em chọn vào học các trường nghề ở địa phương cần được xúc tiến mạnh bằng nhiều hình thức nhằm thu hút khoảng 30% các em tốt nghiệp THCS và THPT rẽ theo con đường nghề nghiệp trong những năm tới.

 Hoàng Linh Việt
 

Có thể bạn quan tâm