Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tập trung giải pháp cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chưa bao giờ việc cải thiện các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lại được tỉnh ta quan tâm, chú trọng đến vậy. Bởi lẽ, ngoài việc hướng tới mục tiêu cải thiện vị trí của tỉnh trên bảng xếp hạng PCI thì quan trọng hơn, điều này còn tạo sự bứt phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo lòng tin cho các doanh nghiệp khi đến đầu tư.

Nâng cao trách nhiệm từng sở, ngành, đơn vị

Với sự nỗ lực không ngừng của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động, năm 2017, PCI của Gia Lai trên bảng xếp hạng đã tăng 3 bậc so với năm 2016. Cụ thể, Gia Lai đạt 60,91 điểm, xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 3 khu vực Tây Nguyên. Đáng chú ý là trong 10 chỉ số thành phần, Gia Lai có tới 7 chỉ số tăng so với năm 2016, gồm: chi phí không chính thức (đạt 4,86 điểm, tăng 0,5 điểm), tính năng động của lãnh đạo tỉnh (4,92 điểm, tăng 0,72 điểm), đào tạo lao động (5,56 điểm, tăng 0,15 điểm), thiết chế pháp lý (5,7 điểm, tăng 0,02 điểm), hỗ trợ doanh nghiệp (7,19 điểm, tăng 1,24 điểm), tiếp cận đất đai (6,9 điểm, tăng 0,97 điểm), tính minh bạch và tiếp cận thông tin (6,46 điểm, tăng 0,53 điểm).

 

Các doanh nghiệp tìm hiểu về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư tại Gia Lai. Ảnh: H.D
Các doanh nghiệp tìm hiểu về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư tại Gia Lai. Ảnh: H.D

Kết quả này phần nhiều nhờ vào sự phân công trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành đối với các chỉ số có liên quan tới nhiệm vụ của mình. Qua bảng số liệu khảo sát năm 2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chính 13 chỉ số con và liên đới chịu trách nhiệm 3 chỉ số con, trong đó có 6 chỉ số cao hơn điểm trung vị (thuộc nhóm chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp); Sở Công thương chịu trách nhiệm chính 10 chỉ số con, có 8 chỉ số cao hơn điểm trung vị; Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chính 14 chỉ số con và liên đới chịu trách nhiệm 1 chỉ số con, qua khảo sát có 10 chỉ số cao hơn điểm trung vị; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm chính 10 chỉ số con, có 5 chỉ số cao hơn điểm trung vị và 1 chỉ số bằng với điểm trung vị (thuộc nhóm chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp)... Những đơn vị khác, từ khi được phân nhiệm một cách rõ ràng, cụ thể cũng đã có nhiều cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngày càng cải thiện các chỉ số con trong PCI.

Tại cuộc họp đánh giá về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 giữa UBND tỉnh và các sở, ngành diễn ra ngày 14-6 vừa qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đánh giá: “Trong năm 2017, tỉnh đã phấn đấu cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tuy nhiên vẫn còn nhiều chỉ số thành phần đạt thấp so với năm 2016. Yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm, nhất là công tác phối hợp và chủ động trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ”.

Lạc quan với mục tiêu đề ra

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong giai đoạn 2017-2020, tiêu chí chấm điểm PCI của VCCI sẽ ưu tiên các chỉ số: tính minh bạch về tiếp cận thông tin (20%), dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (20%), đào tạo lao động (20%), tiếp theo là các chỉ số tiếp cận đất đai và chi phí không chính thức (10%). Đây được VCCI xem là các chỉ số thành phần quan trọng nhất trong điều hành kinh tế cấp tỉnh. Về sự thay đổi này, tỉnh ta hoàn toàn có thể lạc quan. Bởi lẽ, ở chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tỉnh ta đã từng bước làm rất tốt, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá ngày càng cao, thể hiện bằng số điểm hàng năm (năm 2015 là 5,7 điểm, năm 2016 là 5,93 điểm và năm 2017 tăng lên 6,46 điểm). Việc nỗ lực triển khai hàng loạt giải pháp nhằm cải cách hành chính, nhất là sự ra đời của dịch vụ hành chính công đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Nhờ đó, về chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp, Gia Lai đạt 7,19 điểm, một số điểm rất cao. Tương tự, theo đánh giá của các doanh nghiệp được điều tra, chỉ số tiếp cận đất đai năm 2017 so với năm 2016 đã được cải thiện đáng kể, đạt tới 6,9 điểm, cao hơn Quảng Ninh (tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI) 0,47 điểm và hơn Lâm Đồng (tỉnh dẫn đầu PCI khu vực Tây Nguyên) 0,67 điểm.

Tuy nhiên, để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh một cách mạnh mẽ, hiệu quả thì tỉnh ta cần có những giải pháp căn cơ và cần sự vào cuộc một cách nghiêm túc của các sở, ngành, địa phương. “Các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát từng chỉ số, từng lĩnh vực để xây dựng kế hoạch và chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của đơn vị mình cho phù hợp. Kế hoạch và chương trình hành động phải đưa ra được lộ trình về thời gian, số bậc tăng cho từng chỉ số, giải pháp cụ thể để thực hiện. Đồng thời, không lấy mức trung vị để làm mức phấn đấu; công tác phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện phải rõ ràng, dễ thực hiện, không đùn đẩy trách nhiệm giữa các sở, ngành, địa phương; công tác kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm cho từng quý, 6 tháng và hàng năm phải được thường xuyên, kịp thời”-Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh.

Nói về những giải pháp để góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian tới, bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: “Sở sẽ chỉ đạo các cơ sở đào tạo tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, điều chỉnh cơ cấu ngành, nghề để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và xu thế phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ việc làm, phát triển mạng lưới thị trường lao động từ tỉnh đến các huyện, đưa thông tin thị trường lao động đến đối tượng có nhu cầu nhằm tạo cơ hội cho người lao động có nhiều lựa chọn phù hợp. Nắm bắt thông tin cung cầu lao động giữa các doanh nghiệp và các địa phương để làm cầu nối giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo”.

Nhằm khắc phục những tồn tại, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra những giải pháp sát sườn, liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực đăng ký thành lập doanh nghiệp. Sở cũng sẽ tăng cường các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nhằm rút ngắn thời gian, tránh để người dân và doanh nghiệp bị các tổ chức, cá nhân tư vấn không chính thống cố tình gây khó khăn để lấy chi phí dịch vụ cao. Đồng thời, Sở phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức các đợt gặp mặt doanh nghiệp ít nhất 2 đợt/năm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm