Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI (mở rộng) diễn ra ngày 14-4.

Đồng chủ trì hội nghị với Bí thư Tỉnh ủy có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh Đức Thụy
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh Đức Thụy

Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng

Hội nghị lần này tập trung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý I, xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác quý II-2022. Báo cáo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn nhìn nhận: Trong quý I, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng-chống dịch gắn với phát triển kinh tế-xã hội. Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng ước đạt 7,08%. Tổng diện tích gieo trồng, giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu, số doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp hoạt động trở lại… đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh hiện có 91 xã và 123 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 13 xã và 28 thôn, làng đang hoàn thiện hồ sơ để tổ chức đánh giá, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021.

 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy


Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến; thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng; bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Công tác phòng-chống dịch Covid-19 được tập trung triển khai gắn với y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe người dân. Cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang các địa phương cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; giữ vững ổn định an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong 3 tháng đầu năm đạt được những kết quả quan trọng. Công tác tuyên giáo, kiểm tra, giám sát tiếp tục được quan tâm. Cải cách hành chính được đẩy mạnh, ngày càng thực chất và hiệu quả. Hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phù hợp với tình hình, diễn biến dịch Covid-19.

 

 Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Huỳnh Quang Thái thông tin về một số kết quả trong công tác tổ chức, xây dựng Đảng quý I-2022. Ảnh: Đức Thụy
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Huỳnh Quang Thái thông tin về một số kết quả trong công tác tổ chức, xây dựng Đảng quý I-2022. Ảnh: Đức Thụy


Thông tin thêm về công tác tổ chức, xây dựng Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Huỳnh Quang Thái cho hay: Trong quý I, toàn tỉnh kết nạp được 281 đảng viên (đạt 0,46% Nghị quyết, tăng hơn 40 đảng viên so với cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh lên 63.549 đồng chí. Bên cạnh đó, xây dựng thêm được 10 chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có chi ủy (tăng 8 chi bộ có chi ủy so với cùng kỳ năm 2021); cơ cấu, bố trí thêm được 9 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên, trong đó có 6 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố (tăng 1 người so với cùng kỳ). Hiện nay, toàn tỉnh có 1.458 chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có chi ủy (chiếm 92,5%); 1.221 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên (đạt 77,47%); 507 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Nếu duy trì được tiến độ như thời gian qua, chắc chắn tỉnh sẽ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

"Gỡ khó" để bứt phá trong quý II

Liên quan đến thu hút đầu tư, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế cho rằng: Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, song được sự quan tâm từ Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn đang tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ sản xuất nhằm cải thiện doanh thu, tìm kiếm đối tác và thị trường... Trong 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 230 doanh nghiệp thành lập mới (đạt 24,2% kế hoạch đề ra, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước) với tổng vốn đăng ký 2.507 tỷ đồng; có 144 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 48,4% so với cùng kỳ năm trước).

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế thông tin về tình hình phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế thông tin về tình hình phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Thụy



“Thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Hiện nay, tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua mạng internet đạt 99% và trên 45% kết quả giải quyết được chuyển trả qua dịch vụ bưu chính công ích. Chúng tôi còn thường xuyên làm việc với các địa phương để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh phát triển lên doanh nghiệp; tổ chức đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp để kịp thời giúp họ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Bí thư Thị ủy Ayun Pa Trần Quốc Khánh trăn trở về chất lượng dạy và học trực tuyến. Ảnh: Đức Thụy
Bí thư Thị ủy Ayun Pa Trần Quốc Khánh trăn trở về chất lượng dạy và học trực tuyến. Ảnh: Đức Thụy


Làm thế nào để duy trì chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại hội nghị. Bí thư Thị ủy Ayun Pa Trần Quốc Khánh trăn trở: “Trong thời gian phòng-chống dịch, các trường học phải chuyển sang dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, sau khi mở cửa trường học trở lại, tình trạng học sinh bỏ học, vắng học khá nhiều, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số; chất lượng giáo dục trong thời gian học trực tuyến cũng không đảm bảo. Vì vậy, ngành Giáo dục tỉnh cần đề ra những giải pháp để khắc phục trong thời gian còn lại của năm học 2021-2022”.

Lý giải về điều này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Duy Định thẳng thắn nhìn nhận: Qua khảo sát, Sở đã nắm bắt được rằng khi dạy và học trực tuyến thì chất lượng giáo dục sẽ rất thấp. Tuy nhiên, đây lại là phương thức hữu hiệu nhất để duy trì việc học tập cho các em học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Do đó, khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, ngành đã tham mưu chính quyền địa phương cho học sinh đi học trở lại; đồng thời, chỉ đạo các trường tăng cường củng cố, ôn tập kiến thức cũ cho học sinh bên cạnh dạy bài mới. Thời gian kết thúc năm học có thể kéo dài thêm 2 tuần, tức là vào giữa tháng 6 thay vì cuối tháng 5 như kế hoạch ban đầu. Riêng học sinh lớp 12, cần rà soát, lập danh sách những em có nguy cơ trượt tốt nghiệp để tăng cường phụ đạo, lấp lỗ hổng kiến thức.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Duy Định nêu giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục sau thời gian dạy học trực tuyến. Ảnh: Đức Thụy
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Duy Định nêu giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục sau thời gian dạy và học trực tuyến. Ảnh: Đức Thụy


Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở cũng được đưa ra tại hội nghị để tìm giải pháp tháo gỡ. Bí thư Huyện ủy Chư Sê Nguyễn Hồng Hà nêu thực trạng: “Hiện nay, tỷ lệ đảng viên trong hội viên Hội Cựu chiến binh rất thấp. Toàn huyện có 51 chi hội cựu chiến binh không có đảng viên; thậm chí, nhiều xã có tới 80% chi hội không có đảng viên, kể cả chi hội trưởng. Điều này ảnh hưởng đến công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, bởi lẽ, yếu tố Đảng lãnh đạo trong các tổ chức chính trị-xã hội không đảm bảo. Đề nghị tỉnh xem xét, có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này”. Sau khi nghe ý kiến giải trình của lãnh đạo Hội Cựu chiến binh tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn đề nghị Hội cần nghiên cứu, xem xét vấn đề này. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, mặc dù Điều lệ Hội cho phép nhưng lâu dài sẽ phải xét đến phương thức lãnh đạo của Đảng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, một số nội dung khác như: tình trạng phân lô, tách thửa đất nông nghiệp, “thổi” giá lên cao so với thực tế; công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa thật sự hiệu quả; tai nạn giao thông tăng cả 3 chỉ số; giải ngân vốn đầu tư công chậm tiến độ; phòng-chống dịch Covid-19 trong giai đoạn mới; công tác chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh... cũng được các đại biểu bàn thảo sôi nổi tại hội nghị.

Sau 1 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI (mở rộng) đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đề nghị trong quý II, các sở, ban, ngành, địa phương cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Tỉnh ủy về chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022 để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Trong đó, tập trung xây dựng chương trình hành động thực hiện 4 nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp trong công tác phòng-chống dịch Covid-19, tạo tiền đề tốt để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển du lịch; tập trung tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Nâng cao chất lượng giáo dục sau khi học sinh đi học trực tiếp. Tổ chức các hoạt động thi đua yêu nước nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn; chuẩn bị tốt cho lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; tăng cường quản lý, bảo vệ rừng; rà soát, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trên lĩnh vực quản lý tài nguyên, khoáng sản; tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong triển khai các dự án, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản; kiểm soát hiệu quả trật tự an toàn giao thông; nắm vững tình hình an ninh chính trị, nắm chắc tình hình an ninh nông thôn, nắm được tình hình trong Nhân dân. Cùng với đó, lãnh đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Đảng theo quy định, hướng dẫn mới.

Hội nghị đã cho ý kiến, thống nhất dự thảo Quy chế làm việc (sửa đổi, bổ sung) của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XVI (nhiệm kỳ 2020-2025). Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy xem xét, ký ban hành.

HỒNG THI
 

Có thể bạn quan tâm