Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tập trung tháo gỡ các vấn đề khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 16-7, ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Gia Lai khóa X diễn ra với phiên thảo luận tổ và thảo luận chung tại Hội trường. Nhiều vấn đề nổi cộm, gây chú ý dư luận trong thời gian qua được các đại biểu đề cập.

Các đại biểu thảo luận sôi nổi. Ảnh: Trần Dung
Các đại biểu thảo luận sôi nổi. Ảnh: Trần Dung

Kỳ họp đã tiến hành chia thành 3 tổ để thảo luận về các báo cáo, tờ trình được trình tại phiên họp lần này. Tại phiên thảo luận, các tổ đại biểu HĐND tỉnh đã cùng nhau thảo luận nghiêm túc và có chất lượng về nhiều nội dung thuộc các lĩnh vực.

Trong buổi thảo luận tổ, đã có trên 32 lượt ý kiến tham gia của đại biểu. Các ý kiến đã bày tỏ sự đồng tình cao với các báo cáo của HĐND và UBND tỉnh; phấn khởi trước những kết quả đã đạt được. Tuy gặp không ít khó khăn nhưng về cơ bản đã hoàn thành được các nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều ý kiến của đại biểu đóng góp về các vấn đề còn vướng mắc trong thời gian qua.

 

Tập trung thảo luận tổ trong sáng nay. Ảnh: Trần Dung
Tập trung thảo luận tổ trong sáng nay. Ảnh: Trần Dung

Nhấn mạnh về công tác đào tạo lao động, ông Phạm Đình Thu-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nêu rõ: “Chúng ta cần phải đánh giá lại công tác đào tạo lao động phổ thông, nhất là lao động người dân tộc thiểu số. Trong mấy năm trở lại đây, chất lượng lao động luôn “giẫm chân tại chỗ” với kiểu đào tạo thủ công. Năng lực, trình độ của lao động còn yếu nên rất khó để giải quyết việc làm cho họ, đặc biệt là không thể đưa lao động của tỉnh ra nước ngoài làm việc”. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đã làm rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư. Đây là một trong những yếu tố mấu chốt dẫn đến chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh trong những năm gần đây tụt giảm.
 

Đại biểu đề cập đến những vấn đề nổi cộm. Ảnh: Trần Dung
Đại biểu đề cập đến những vấn đề nổi cộm. Ảnh: Trần Dung

Về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được nhiều đại biểu đề cập tới. Nhiều ý kiến cho rằng: Tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo trong 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một số vụ oan sai trong hoạt động tư pháp vẫn còn tồn tại, kéo dài. Đại biểu Hồ Văn Niên-Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy-nói lên những băn khoăn của mình trong buổi thảo luận: “Việc tiếp công dân thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao, nhiều đơn vị và chính quyền địa phương không chấp hành quy định về tiếp công dân. Hơn nữa, thời gian gần đây, có rất nhiều đơn thư nặc danh (chủ yếu là xuất phát từ nội bộ các đơn vị)”.
 

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng tham gia góp ý thẳng thắn nhiều vấn đề dư luận quan tâm. Ảnh: Minh Nguyễn
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng tham gia góp ý thẳng thắn nhiều vấn đề dư luận quan tâm. Ảnh: Minh Nguyễn

Bên cạnh đó, ông Hồ Văn Niên cũng đề nghị UBND tỉnh bố trí địa điểm tiếp công dân của tỉnh về nơi khác sao cho phù hợp. Vì địa điểm hiện nay nằm trong nơi tập trung nhiều cơ quan đầu não của tỉnh, sẽ khó xử lý khi có các tình huống xảy ra. Cũng xoay quanh vấn đề thanh tra, nhiều ý kiến cho rằng, phạm pháp kinh tế đang xảy ra ngày càng nhiều nhưng lại ít bị phát hiện. Chúng ta chưa kiểm soát được hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nên người dân luôn phải chịu thiệt thòi. Vì thế, các ngành chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt hơn.

Làm “nóng” phiên thảo luận trong ngày làm việc thứ hai vẫn là việc triển khai và chất lượng phát triển cây cao su trên đất rừng nghèo theo dự án phát triển 50.000 ha cao su trên địa bàn tỉnh từ năm 2008 đến nay. Nhiều đại biểu nhấn mạnh mục tiêu chính của dự án là phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội đều không đạt. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp muốn “bỏ ngỏ”, không muốn tiếp tục làm nữa vì cao su trồng đã 7 năm nhưng không cho khai thác mủ.

 

Ông Dương Văn Trang-Phó Bí thư Tỉnh ủy tham gia ý kiến tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Minh Nguyễn
Ông Dương Văn Trang-Phó Bí thư Tỉnh ủy tham gia ý kiến tại buổi thảo luận tổ.
Ảnh: Minh Nguyễn

Nhiều ý kiến đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, hạn chế và đề xuất các giải pháp để triển khai hiệu quả hơn dự án này. Theo ông Lê Đức Tánh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah, thì tình trạng cao su chết và kém phát triển là do trồng trên đất sét bí, không thể thoát nước, vì vậy cần phải khảo sát và quan tâm vận động người dân cũng như các doanh nghiệp tái cấu trúc lại sản xuất. Ông Tánh cho biết: “Khi triển khai dự án này, chúng ta đặt ra nhiều kỳ vọng về các vấn đề an sinh xã hội, giải quyết việc làm, đảm bảo an ninh biên giới. Nhưng đến nay, dự án không đáp ứng được sự kỳ vọng ấy. Bởi vậy, với một số đề xuất của HĐND tỉnh và UBND tỉnh về các giải pháp để triển khai hiệu quả hơn đối với dự án này, trong đó chuyển đổi một số diện tích cao su ở những diện tích không phù hợp sang trồng cây khác”.

Một trong những vấn đề dành nhiều sự quan tâm của các đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu khách mời đó là tiến độ triển khai xây dựng chương trình nông thôn mới còn chậm. Đến nay, chỉ có 12 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, trong khi chỉ tiêu năm 2015 đưa ra là phải có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Ông Võ Ngọc Thành-Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham gia ý kiến trong buổi thảo luận tổ. Ảnh: Minh Nguyễn
Ông Võ Ngọc Thành-Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham gia ý kiến trong buổi thảo luận tổ. Ảnh: Minh Nguyễn

Đại biểu Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, trăn trở: “Gia Lai đang phấn đấu đến cuối năm nay toàn tỉnh có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến thời điểm này có 12 xã, còn 10 xã nữa từ nay đến cuối năm phấn đấu đạt. Việc thực hiện mục tiêu này sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, chúng ta cần phải tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, nhất là các tiêu chí về thu nhập”.

Trong phiên thảo luận hôm nay, ông Nguyễn Trung Tâm-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải đã đề cập tới công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội: Trong 6 tháng đầu năm, tình hình tai nạn giao thông tăng cả 3 chỉ số. Đặc biệt trong tổng số 46 vụ tai nạn thì có đến 10 vụ tai nạn liên quan đến người dân tộc thiểu số. Do vậy, đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo cấp huyện tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, tổ chức thi sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người dân tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm ma túy có chiều hướng gia tăng và tình trạng người dân bị kích động, lôi kéo vượt biên trái phép sang Campuchia vẫn đang là vấn đề hết sức cấp thiết…

Song song với đó, lĩnh vực kinh tế của tỉnh nhà 6 tháng cuối năm 2015 cũng được các đại biểu đặt nhiều quan tâm, nhất là chỉ tiêu phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm phải đạt 13,73%. Đây được đánh giá là chỉ tiêu quá cao. Cũng có ý kiến cho rằng, tỉnh ta kêu gọi đầu tư còn thấp, không đạt. Thực tế, các nguồn vốn đầu tư cho tỉnh chủ yếu xây dựng các công trình của Trung ương tại địa phương. Vậy nên, phải có chủ trương tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.

Ngày mai (17-7), các đại biểu sẽ tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn và bế mạc kỳ họp. GLO sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Trần Dung-Minh Triều

Có thể bạn quan tâm