Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tập trung thảo luận nhiều vấn đề bức xúc của cử tri

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Như GLO đã đưa tin, hôm nay (11-7), kỳ họp thứ ba- HĐND tỉnh Gia Lai khóa X bước sang ngày làm việc thứ hai. Trong ngày làm việc, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại tổ về các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế- xã hội, nội chính, hoạt động của HĐND và xem xét nội dung 9 tờ trình của Thường trực HĐND, UBND tỉnh.

Nóng từ phá rừng đến xây dựng cơ bản

Nối tiếp các nội dung đã làm “nóng” nghị trường từ kỳ họp trước, tại kỳ họp này, các vấn đề liên quan đến việc phá rừng, đầu tư xây dựng cơ bản vẫn là những chủ đề thu hút nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị của các đại biểu.

 

Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Đức Thụy
Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Đức Thụy

Nhiều đại biểu đặt vấn đề, tình trạng phá rừng, vi phạm pháp luật bảo vệ rừng xảy ra liên tiếp tại nhiều địa phương trong tỉnh: Kông Chro, Đak Đoa, Chư Prông, Krông Pa… trong thời gian qua đang đặt ra nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi cần sự vào cuộc, tìm hiểu cặn kẽ từ phía chính quyền và người dân, phải xác định rõ những nguyên nhân, tác nhân chính mới mong kiềm chế và ngăn chặn được nạn phá rừng. Chẳng hạn, người dân phá rừng để lấy đất sản xuất do thiếu đất, hay người dân khu vực tái định canh, định cư các khu vực xây dựng các công trình thủy điện không còn cách nào khác phải vào rừng kiếm sống vì không có đất, hoặc đất không thể sản xuất?…

Nhiều đại biểu cũng đưa ra quan điểm, công tác quản lý, bảo vệ rừng của chúng ta hiện vẫn còn lỏng lẻo, nhiều kẽ hở. Công tác quản lý bảo vệ rừng nhiều lúc, nhiều nơi chưa phát huy hiệu quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đây chính là nguyên nhân khiến cho rừng liên tục bị tàn phá nghiêm trọng.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Về vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản, nhiều đại biểu cho rằng, tiến độ và chất lượng các công trình xây dựng cơ bản hiện đang là vấn đề còn quá nhiều điều đáng bàn. Nhiều công trình đắp chiếu, bỏ dở, thậm chí làm xong bỏ hoang gây lãng phí. Trong khi đó, rất nhiều công trình xây dựng xong, sử dụng chưa được bao lâu đã xuống cấp, gây mất lòng tin và dư luận không tốt trong nhân dân.

Các đại biểu cũng nêu quan điểm, một trong những lý do quan trọng gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, chất lượng các công trình xây dựng cơ bản chính là năng lực lựa chọn nhà thầu vẫn còn nhiều yếu kém. Thực tế đã xảy ra một số trường hợp đơn vị trúng thầu và thi công không đảm bảo được các tiêu chuẩn, tiêu chí về chất lượng, năng lực… nên đã để xảy ra những “tai nạn” cho các công trình xây dựng cơ bản: Công trình xây dựng trụ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, vụ nhà thầu Bình An… Do đó, đơn vị xét thầu cần phải siết chặt và nâng cao hơn trách nhiệm trong công tác kiểm tra, duyệt xét kỹ hồ sơ và thẩm định sát năng lực của các doanh nghiệp tham gia đấu thầu trước khi lựa chọn để đảm bảo hiệu quả công trình.

Tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp

Vấn đề mới nổi bật, thu hút nhiều ý kiến của các đại biểu tại nghị trường chính là việc tìm “cái bắt tay” giữa ngân hàng và các doanh nghiệp để hỗ trợ, “cứu đói” doanh nghiệp trong tình hình kinh tế-tài chính khó khăn như hiện nay. Bên cạnh giải trình của các đại biểu trực thuộc những đơn vị có liên quan, nhiều đại biểu tham dự cuộc họp cũng bày tỏ ý kiến của mình xoay quanh vấn đề này.

Nhiều đại biểu đưa ra quan điểm, thực chất các ngân hàng-xét cho cùng cũng hoạt động như một doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp đang chật vật đối phó với nạn “đói vốn”, thì ngân hàng nhiều lúc, nhiều nơi lại chưa góp phần giúp đỡ, giải tỏa những cơn đói này. “Khi lãi suất cao, doanh nghiệp tiếp cận với vốn không khó. Tuy nhiên, đây lại chính là vấn đề đau đầu doanh nghiệp. Khi lãi suất thấp, tưởng “được nhờ”, nhưng không ngờ doanh nghiệp lại cực kỳ khó tiếp cận với các nguồn vốn vay lãi suất thấp. Đây chẳng khác gì làm khó!”- một đại biểu đưa ý kiến.

Đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn chung, lại khó nhận được “cái bắt tay” của các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán, tồn đọng nợ thuế và nhiều doanh nghiệp không phát sinh được doanh thu buộc phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc giải thể, phá sản. Ông Phạm Đình Thu-Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Vẫn chưa có sự bình đẳng về quyền lợi giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Ngân hàng vẫn chưa có hành động tích cực để tham gia vào việc giải quyết và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Điều này đã góp phần đẩy doanh nghiệp lâm vào tình thế khó khăn, dẫn đến phá sản hàng loạt.

Có thể nói, sau một ngày tiến hành thảo luận tại tổ, rất nhiều vấn đề “nóng” của địa phương đã được đưa lên bàn nghị sự, trong đó, rất nhiều ý kiến liên quan đến lĩnh vực kinh tế, dân sinh. Điều đó cho thấy sự quan tâm của các đại biểu dành cho những vấn đề này là rất lớn.

Ngày 12-7, kỳ họp thứ ba- HĐND tỉnh Gia Lai khóa X sẽ bước vào ngày làm việc cuối cùng với phần tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, tiến hành thảo luận tại hội trường và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn các đại biểu HĐND tỉnh.

GLO sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Lê Hòa- Hồng Thi

* Không chỉ phân tích, mổ xẻ các vấn đề nổi bật của địa phương trong 6 tháng đầu năm, các đại biểu còn quan tâm, đặt vấn đề tới việc trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, ngành, đơn vị phụ trách. Đây là vấn đề quan trọng, đề cao trách nhiệm và vai trò của người đứng đầu cơ quan. Đại biểu Phạm Thế Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng cho rằng, đối với việc xử lý các vi phạm nhất thiết phải xử lý nghiêm túc, cụ thể, không nên chung chung. Khi phát hiện sai phạm cần xử lý từng cá nhân, tập thể vi phạm.

* Về vấn đề xem xét nội dung 9 tờ trình của UBND tỉnh, đa số các đại biểu đều nhất trí tán thành với nội dung các tờ trình. Tuy nhiên, ở tờ trình về vấn đề quy định, tiêu chuẩn, đối tượng, điều kiện giao đất xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, một số đại biểu nêu quan điểm rằng nên có quy định rõ ràng hơn về đối tượng cũng như các tiêu chuẩn xác định thế nào là thu nhập thấp để làm căn cứ.

Có thể bạn quan tâm