Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tập trung thảo luận những vấn đề nổi cộm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong buổi làm việc chiều nay (10-7), các đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai đã chia thành 8 tổ để thảo luận các nội dung trọng tâm của kỳ họp; đóng góp ý kiến vào nội dung các báo cáo, tờ trình.

Trong không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, hầu hết các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của tỉnh. Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: công tác quản lý nhà nước về đất đai còn lỏng lẻo; công tác cải cách hành chính hiệu quả chưa cao; giá cả một số mặt hàng nông sản xuống thấp ảnh hưởng đến đời sống của người dân; tình trang phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn diễn ra ở một số địa phương; việc triển khai một số dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tiến độ giải ngân vốn một số dự án còn chậm…

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Xung quanh vấn đề được dư luận và cử tri quan tâm thời gian qua đó là tình trạng phân lô, bán nền trái phép diễn ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, đại biểu Phạm Duy Du-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương, trong đó có một phần quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. “Về nguyên nhân, tôi cho rằng có nhiều vấn đề thuộc chủ quan và khách quan. Việc cha mẹ cho con thừa kế là chuyện bình thường, tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân lợi dụng vấn đề này để tách thửa không đúng với pháp luật. Các địa phương trong quá trình quản lý sử dụng đất không thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch, nhất là vấn đề về quy hoạch đô thị. Ngoài ra, cơ chế quản lý chưa phù hợp, công tác quản lý còn nhiều thiếu sót, triển khai xử lý không kịp thời cho nên vấn đề người dân chuyển mục đích, xây nhà trên đất nông nghiệp vẫn còn xảy ra”.

Ảnh: Đức Thụy

Đại biểu Phạm Duy Du-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nói về tình trạng phân lô bán nền trái phép. Ảnh: Đức Thụy

Đối với tình trang phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn diễn ra ở một số địa phương, đại biểu Lê Phan Lương-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng: UBND tỉnh cần có kế hoạch thanh tra, kiểm tra tổng thể các Ban quản lý rừng trên địa bàn để có cái nhìn tổng thể hơn về bức tranh thực trạng trong công tác quản lý của các đơn vị này. “Các Ban quản lý này, cứ thanh tra là phát hiện sai phạm, không để mất rừng thì vi phạm các khoản chi khác hàng tỷ đồng. Cần mở các đợt thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm đối với các sai phạm của các đơn vị này”- đại biểu Lương đề nghị. Cũng đề cập đến vấn đề trên, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nghiêm khắc chỉ rõ: “Công tác quản lý bảo vệ rừng còn rất nhiều bất cập. Rừng đã mất thì phải tích cực trồng lại rừng chứ đừng để tái diễn tình trạng phá rừng nhiều hơn trồng rừng; phải làm sao để công tác bảo vệ rừng xuất phát từ mỗi người dân, từ mỗi thôn, làng, cơ sở”.

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận đó là công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Vấn đề sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng đặt ra không ít khó khăn cho các ngành chức năng trong thanh kiểm tra, kiểm soát thị trường khi ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân trong việc sản xuất, buôn bán và sử dụng vật tư nông nghiệp còn hạn chế. Thực trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn xuất hiện trên thị trường; tuy nhiên công tác kiểm tra, kiểm soát lại chưa thực sự quyết liệt và kết quả đạt được chưa thực sự bền vững.  “Có rất nhiều cơ sở vi phạm mà hình thức xử phạt thì chưa thực sự hiệu quả. Chúng ta làm có làm nhưng làm không mạnh”-Đại biểu Vũ Tiến Anh-Chánh Văn phòng HĐND tỉnh nhận định.

Ảnh: Đức Thụy

Các đại biểu bỏ phiếu bầu bổ sung chức danh ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.  Ảnh: Đức Thụy

Trong khi đó, liên quan đến những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu, đại biểu Nguyễn Dũng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài Chính cho rằng: Các ngân hàng phải triển khai ngay chính sách khoanh, giãn nợ đối với những hỗ vay vốn trồng tiêu bị thiệt hại. “Mỗi ngân hàng có chế độ khoanh, giãn nợ khác nhau. Trong khi người dân thì lại vay vốn ở rất nhiều ngân hàng. Do vậy, Ngân hàng nhà nước phải vào cuộc, đứng ra cùng các ngân hàng để cứu người trồng tiêu nếu không sẽ dễ dẫn đến tình trạng “tín dụng đen”, vay nóng trong đồng bào dân tộc thiểu số gây bất ổn đến an ninh nông thôn”-địa biểu Nguyễn Dũng đề nghị.

Ngoài ra, tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng cũng đặt vấn đề về trách nhiệm của ban an toàn giao thông các huyện, chính quyền và các đoàn thể địa phương để xảy ra tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn liên quan đến xe công nông chở người lưu thông trên đường quốc lộ; quan tâm đến vấn đề hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh THCS, nhất là người dân tộc thiểu số, giải pháp quản lý, tạo điều kiện cho những đối tượng này có công ăn việc làm ổn định, tránh bị lôi kéo, dụ dỗ sa vào tệ nạn…

Chiều cùng ngày, các đại biểu đã tiến hành biểu quyết miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Hữu Quế-nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải và ông Huỳnh Minh Thuận-Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, do đã chuyển công tác khác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, kỳ họp cũng đã tiến hành bầu bổ sung chức danh ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Tư Sơn-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Ngày mai (11-7), kỳ họp sẽ tiếp tục với phần thảo luận tại tổ và thảo luận chung tại hội trường.

Báo Gia Lai điện tử sẽ liên tục thông tin nội dung kỳ họp đến bạn đọc trong thời gian sớm nhất.

Minh Dung

Có thể bạn quan tâm