Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tập truyện ký và tản văn "Dưới bóng thùy dương": Tìm mới mẻ từ cũ xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ai đó đã nói rằng, văn chương giúp ta nối dài cuộc sống. Tôi tin điều đó. Những người như tôi, rồi cả thế hệ sau tôi nữa, hẳn sẽ tìm được rất nhiều điều mới mẻ cho mình từ những điều xưa cũ, từ những cuốn sách nhỏ như “Dưới bóng thùy dương” của Nguyễn Đoan Tuyết.
Pleiku có một thế hệ khiến lớp hậu sinh chúng tôi rất mến mộ về cả tài năng lẫn nhân cách. Họ được học hành bài bản, thực tài và sống cực “chất”. Cái “chất” ấy toát lên từ dáng vẻ, phong thái luôn chỉn chu, có phần hơi cầu kỳ, bài bản từ đầu tóc đến trang phục; từ lời ăn tiếng nói đến mỗi hành động, cử chỉ. Họ tự nhận mình là “những người muôn năm cũ” (“Ông đồ”-Vũ Đình Liên).
Sở dĩ phải lòng vòng như vậy là bởi tôi đang cầm trên tay cuốn sách của một “người muôn năm cũ” ở Pleiku. Đó là tập truyện ký & tản văn “Dưới bóng thùy dương” của tác giả Nguyễn Đoan Tuyết, được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cấp phép và lưu hành từ năm 2017.
Tác giả Nguyễn Đoan Tuyết tên thật là Nguyễn Công Tùng Sinh. Bà nguyên là giáo viên dạy Văn tại Pleiku, hiện đã nghỉ hưu. Lứa học trò thế hệ 7X, 8X ở Phố núi hẳn không xa lạ gì với một cô giáo có dáng người mảnh mai, giọng nói dịu dàng êm ái, điệu bộ luôn mực thước, nhẹ nhàng. Quê gốc ở Bình Định, nhưng từ khi 4 tuổi, bà đã theo cha mẹ lên sinh sống tại xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông) rồi học tập và trưởng thành tại Pleiku. Hành trình sống ấy đã theo bà vào những trang văn được lưu giữ và công bố sau khi đã thảnh thơi rời bục giảng.
Cần nói thêm một chút rằng, tôi luôn dành cho Pleiku một thứ tình cảm vô cùng đặc biệt. Thế nên, khi đọc văn của Nguyễn Đoan Tuyết, tôi bị hút vào từng trang viết. Tập sách nhỏ được chia thành 2 phần, một phần gồm 11 truyện ký, phần còn lại gồm 4 tản văn.
Cả phần truyện ký và tản văn đều kể lại khá tường tận những diễn biến xoay quanh cuộc đời của tác giả, người thân và bè bạn. Điều khá thú vị là qua những câu chuyện ấy, người đọc hiểu thêm phần nào về đất và người Pleiku vào đúng khoảng thời gian trước và sau sự kiện 30-4-1975. Từ thiên nhiên hoang sơ với cọp beo muông thú đến cuộc sống trong đồn điền công xưởng, cách thức tổ chức lớp học, phương pháp dạy và học... Chuyện tình yêu của giới trí thức thời ấy cũng được đề cập rất tinh tế và đầy xúc cảm.
Tác phẩm “Dưới bóng thùy dương”. Ảnh: Đào An Duyên
Không gian của những câu chuyện khá rộng, từ Bình Định lên Gia Lai, từ Bàu Cạn đến Pleiku, rồi trải vào đến Sài Gòn, Vũng Tàu. Trong hoàn cảnh chiến tranh và những khó khăn thời hậu chiến, được đi đến nhiều nơi cũng là điều đặc biệt đối với tác giả vào thời điểm ấy. Có lẽ sự trải nghiệm, quan sát, tích lũy từ sớm như vậy đã giúp bà tích góp được “vốn liếng” cho nghiệp chữ sau này.
Tôi thật sự thấy thích thú với những đoạn chứa đựng lượng kiến thức dày dặn như thế này: “Cũng vì yêu mến thiết tha và gắn bó lâu dài hơn nửa thế kỷ với Phố núi và cũng do cương vị công tác trong ngành Điện lực mà một người bạn của tôi đã ngược dòng thời gian để tìm về lịch sử hình thành và phát triển của TP. Pleiku. Từ đó, đã “phát hiện” ra trong buổi ban đầu Pleiku phải mua điện từ Sở trà Bàu Cạn và trước khi có Sân bay Cù Hanh ở Pleiku, máy bay của Air VN phải đáp nhờ xuống Sân bay Gia Tường (Ia Từng) ở Bàu Cạn”. (Chuyện về một đồn điền trà). Hay: “Không biết chính xác là từ bao giờ, có thể là từ khi ca khúc “Còn một chút gì để nhớ” (xin được nói sau) ra đời, nói đến Phố núi thì người ta biết đó là Pleiku-một thành phố nơi cao nguyên đất đỏ với đồi dốc “đi xuống, đi lên”, có cây xanh và sương mù lãng đãng. Thế nhưng, không phải ai cũng biết nơi đây đã từng in bao dấu chân của nhiều tâm hồn lãng tử và tao nhân mặc khách”. (Phố núi Pleiku và những tâm hồn nghệ sĩ).
Sau đó, bà kiến giải một cách tường minh về những nghệ sĩ tài danh đã đặt chân đến Pleiku, đó là các nhạc sĩ Lê Uyên Phương, Nguyễn Cường; các nhà thơ Vũ Hữu Định, Kim Tuấn, Lê Nhược Thủy, Cao Thoại Châu… Họ là những con người rất cụ thể đã góp phần làm nên một Pleiku “chưa xa đã nhớ” như ngày hôm nay.
Nguyễn Đoan Tuyết dành rất nhiều tình cảm để viết về cha mình, một người cha khá đặc biệt và thật đáng tự hào. Ông là một thợ cơ điện nhưng lại đam mê văn chương, hội họa. Trong mắt của bà thì: “Đương đầu với mưu sinh, không hiểu ông lấy đâu ra thời gian và tâm trí để viết lách, có nhiều thơ đăng trên các báo lúc bấy giờ”. Được biết, ông còn là người thiết kế logo in trên hộp trà Catecka của Đồn điền chè Bàu Cạn, loại trà được xuất khẩu sang thị trường châu Âu từ trước năm 1975.
Đúng như Lê Hát Sơn-một người bạn cùng thời với tác giả chia sẻ trong ngày ra mắt sách của bà: “Với người viết nào cũng vậy, khi dùng ngôn ngữ thể hiện dù ở thể loại nào cũng không ngoài mục đích nhờ nó để bày tỏ với mọi người, với riêng một ai đó về tình yêu, cuộc sống. Là những quan điểm, nhìn nhận mà người viết muốn gửi gắm, nhờ con chữ thay tiếng lòng đem đến cho cuộc đời, cho mọi người những cái nhìn tốt đẹp, những nồng ấm tình người. Đó là hương của đời hay hương của hoa thì mãi mãi sẽ vẫn đọng lại trong lòng mọi người, cho dù năm tháng có trôi đi”.
ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm