Kinh tế

Nông nghiệp

Tây Nguyên: Nhà nhà ươm tiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những năm gần đây, hồ tiêu đang được giá nên bà con nông dân ở Tây Nguyên đổ xô trồng loại cây này. Trước nhu cầu ấy, nhiều cá nhân đã tự cắt, ươm tràn lan tiêu giống để bán kiếm lời, điều đáng nói việc này đã và đang để lại những thiệt hại lớn về kinh tế cũng như nhiều vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội.

  
Nhà nhà ươm tiêu

Theo lẽ thông thường thì việc ươm giống, sản xuất cây giống hầu hết do những người “trong nghề” mới làm được. Tuy nhiên, trên thực đế, ở Tây Nguyên thì hầu hết người nông dân nào đã và đang trồng tiêu cũng có thể ươm được giống tiêu và trở thành những “kỹ sư vườn” ươm tiêu thực thụ.

 

 Thị trường tiêu giống “tự phát” nổi lên ở Tây Nguyên trong những năm gần đây. Ảnh: Bá Thăng
Thị trường tiêu giống “tự phát” nổi lên ở Tây Nguyên trong những năm gần đây. Ảnh: Bá Thăng

Tại tỉnh Đak Lak, hầu hết bà con nông dân (đang có diện tích tiêu sản xuất trưởng thành) ở các huyện như: Cư Kuin, Cư Mgar, Ea Hleo, Buôn Đôn, Krông Pắc, Krông Năng… đều cắt dây tiêu, ươm tiêu giống để bán, bởi hiện nay tiêu giống đang được giá bởi do nhu cầu về loại giống này đang "nóng".

Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi có mặt tại xã Ea Ning (huyện Cư Kuin, tỉnh Đak Lak). Tại đây, hầu như ai cũng trở thành những “kỹ sư vườn” chuyên ươm, nhân giống tiêu. Đang cắt tỉa những dây tiêu trên trụ để ươm, anh Nguyễn Văn Phúc cho biết: “Hiện nay đang là mùa mưa, tiêu giống có giá nên những nhà có tiêu như tôi ai cũng cắt tỉa bớt những dây tiêu để ươm bán… Dây tiêu hiện đang được giá lắm, bởi nhu cầu trồng của nông dân rất lớn. Tiêu giống cắt từ cây (còn gọi là tiêu ác) và trồng bầu (tiêu lươn), giá các cơ sở đặt mua tiêu lươn là 5.000 đồng-6.000 đồng/bầu còn tiêu ác là 8.000 đồng-10.000 đồng/bầu".

Cũng như anh Phúc, chị Hải ở xã Ea Hur (huyện Cư Kuin) cũng là một trong những “kỹ sư vườn” chuyên cắt tiêu để ươm bán. Chị Hải chia sẻ: “Theo kinh nghiệm của tôi thì hiện nay có nhiều phương pháp khác nhau để ươm tiêu nhưng nhân giống bằng cách cắt hom ươm bầu là phương pháp phổ biến và hầu hết được nông dân chúng tôi áp dụng. Ưu điểm là tiện chăm sóc, có thể phân loại trước khi trồng. Có thể vận chuyển đi nhiều nơi khi đủ độ tuổi”.

Cũng theo chị Hải, hiện nay, ngoài việc ươm bầu tiêu để bán thì còn cắt bán nguyên dây để người mua tự ươm lấy. Với dây tiêu này thì giá lại khá cao, bởi một dây có thể cắt làm nhiều đoạn để ươm, trung bình tiêu lươn dao động từ 5.000 đồng đến 6.000 đồng/dây và tiêu ác từ 18.000 đồng đến 20.000 đồng/dây, tùy vào chất lượng dây đẹp hay xấu.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, hầu hết bà con nông dân ở các tỉnh như: Gia Lai, Đak Nông, Lâm Đồng… cũng làm việc này bởi tiêu giống đang được giá.

Thiệt hại lớn

Là người mua giống tiêu từ các hộ tự ươm giống tự phát bán vì giá rẻ hơn một chút so với các cơ sở chuyên ươm cây giống, chị Nguyễn Thị Hoãn (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) chia sẻ: “Đầu mùa mưa, do chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi sang trồng tiêu, gia đình tôi đã đặt mua 100 bầu với giá 5.000 đồng/bầu về trồng, tuy nhiên sau khi trồng chỉ sau một tháng số giống tiêu bị chết tới 50% bầu rồi… Nguyên nhân tiêu chết có lẽ là do giống xấu quá hoặc bị chủ vườn phun thuốc kích thích nhiều…

Không chỉ vậy, hiện nay, thị trường tiêu giống “tự phát” do chính người nông dân cắt, ươm bán cho nhau còn làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm tiêu, nhất là tình trạng lây lan các loại bệnh từ trụ tiêu mẹ… Đều này gây thiệt hại không nhỏ đến kinh tế của bà con nông dân. Đồng thời, hiện nay việc bà con nông dân tự phát trong việc cắt, ươm giống tiêu để bán cho người trồng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay đó là xuất hiện các vụ cắt trộm tiêu giống trong dân, việc này đã và đang là vấn nạn nhức nhối đối với người trồng tiêu ở Tây Nguyên.

Đặc biệt hơn, việc xuất hiện thị trường tiêu giống tự phát là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng diện tích tiêu ở Tây Nguyên đang bị phá vỡ quy hoạch.

Bá Thăng

Có thể bạn quan tâm