Báo xuân

Tết Bính Thân nhớ Tết Mậu Thân 1968 ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuối tháng 12-1967, Tây Nguyên được phổ biến chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968. Quán triệt chủ trương chiến lược của Trung ương, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã thống nhất quyết tâm: Động viên toàn thể lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc nỗ lực vượt bậc, tiến công liên tục, toàn diện và triệt để vào quân địch, thực hiện bằng được quyết tâm chiến lược của Đảng, đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các chiến trường và sẵn sàng ứng phó một cách chủ động, mạnh mẽ nếu chiến tranh kéo dài.
 

 Quân giải phóng tiến công địch trong Tết Mậu Thân. Ảnh tư liệu
Quân Giải phóng tiến công địch trong Tết Mậu Thân. (Ảnh tư liệu)


Để thống nhất chỉ đạo và chỉ huy, phối hợp giữa 2 lực lượng và 3 thứ quân trên chiến trường, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận mở hội nghị liên tịch với các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak cùng bàn bạc cách phối hợp hoạt động giữa bộ đội chủ lực và địa phương, giữa tiến công và nổi dậy. Mục tiêu chính được xác định là 3 thị xã: Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kon Tum.

Cả chiến trường chuyển vào nhiệm vụ với nhịp độ khẩn trương chưa từng có. Bộ Tư lệnh Mặt trận nhanh chóng triển khai, điều động lực lượng trên các hướng, thành lập thêm một số đơn vị cần thiết để đảm bảo yêu cầu chiến đấu, bổ sung cho mỗi thị xã đủ 1 tiểu đoàn đặc công, 1 đại đội hỏa lực hỗn hợp, tăng cường cho Buôn Ma Thuột 2 tiểu đoàn bộ binh, Pleiku 1 tiểu đoàn, đưa sang Tân Cảnh 1 tiểu đoàn, củng cố và mở rộng các tuyến hành lang Đông Tây, đồng thời mở thêm binh trạm 4 ở Đak Lak.

Ngoài lực lượng bộ đội địa phương và các phân đội mũi nhọn của mặt trận tăng cường, lúc này Kon Tum có Trung đoàn 24, Gia Lai có Trung đoàn 95, Đak Lak có Trung đoàn 33; Sư đoàn 1 (gồm các Trung đoàn 66, 174, 320) lực lượng cơ động của mặt trận được tập trung trên hướng đường 18-Plei Cần để đón lõng quân Mỹ ra phản kích và sẵn sàng chuyển sang đánh Đak Tô-Tân Cảnh.

Chiều 29-1, hàng trăm cán bộ và đội viên biệt động của 3 tỉnh đã ém sẵn trong các thị xã, bí mật tổ chức quần chúng sẵn sàng nổi dậy phối hợp với đòn tiến công của bộ đội. Kế hoạch huy động quần chúng kéo vào thị xã đấu tranh chính trị cũng được gấp rút tiến hành ở nhiều nơi. Cũng trong ngày 29-1, Tỉnh ủy Gia Lai đã huy động hàng ngàn quần chúng vào thị xã Pleiku sắm hàng Tết rồi ở lại trong thị xã sẵn sàng chờ lệnh hành động.

Ở Gia Lai, đúng 0 giờ 55 phút, các đơn vị đồng loạt tiến công các mục tiêu chủ yếu của địch trong và ngoài thị xã Pleiku. Đại đội 10 đặc công chia làm hai mũi, một mũi đánh vào khu biệt động quân, diệt gọn ban chỉ huy và 200 tên, phá hủy, bắn cháy 35 xe quân sự, phá hủy hoàn toàn một trận địa pháo 21 khẩu, đốt cháy gần 1.000 tấn đạn và hàng vạn lít xăng dầu. Một mũi đánh vào trung tâm thị xã, diệt bọn cảnh sát, bảo an, phá nhà lao giải phóng 2.000 người bị địch giam giữ. Đội 21 Đặc công của mặt trận đánh chiếm khu Tỉnh đoàn Bảo an, Tòa Hành chính, Khu Cảnh sát vùng 2, phối hợp với các đội vũ trang Pleiku diệt 2 đại đội bảo an, phá hủy 10 xe M113, bắn rơi 2 máy bay trực thăng. Các đại đội  60, 70, 80 (Tiểu đoàn 408 Đặc công) đánh vào sân bay Arêa, cơ quan Quân đoàn 2 ngụy, phá hủy 45 máy bay lên thẳng, 37 xe quân sự. Pháo binh ta bắn dồn dập vào sân bay và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy, phá hủy khu ra-đa và 15 máy bay, đánh sập nhiều nhà tầng. Trung đoàn 95 chặn diệt đoàn xe 26 chiếc trên đường 19, không cho địch cứu viện Pleiku. Tiểu đoàn 15 (Tỉnh đội Gia Lai) đánh chiếm khu vực Thần Phong, Trà Bá II, tiến vào phối hợp với đặc công đánh địch ở căn cứ Trung đoàn Thiết giáp ngụy ở ngã ba Phù Đổng rồi tiến đánh khu vực Hội Phú. Một bộ phận của tiểu đoàn phát triển vào thị xã gặp địch đã nổ súng diệt một toán Mỹ. Sau khi đánh chiếm các mục tiêu chính trong thị xã, quân ta nhanh chóng triển khai lực lượng tiêu diệt các ổ đề kháng của địch ở ngã ba Diệp Kính…

Liên tiếp các ngày sau, địch dùng không quân, pháo binh, thiết giáp và bộ binh phản công mãnh liệt, các chiến sĩ ta được nhân dân giúp đỡ đã dựa vào từng căn nhà, góc phố chiến đấu với địch. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, quần chúng và chiến sĩ, trong đó có không ít chiến sĩ của các Đại đội đặc công 90, 21 Tiểu đoàn 408 và Tiểu đoàn 15 đã hy sinh anh dũng trên đường phố Pleiku. Mặc dù bị địch phản công ác liệt, quân ta vẫn bám trụ tiếp tục vừa đánh bồi các căn cứ, sân bay, kho tàng, vừa chặn đánh giao thông và bộ binh địch ra giải tỏa, gây cho địch thiệt hại nặng nề. Phối hợp với đòn tiến công quân sự, Tỉnh ủy Gia Lai đã huy động gần 11.000 quần chúng xuống đường đấu tranh chính trị. Chính quyền một số ấp, xã ở các huyện 4, 5, 6 được thành lập; hơn 14.000 đồng bào trở về làng cũ; 11 làng xung quanh thị xã Pleiku được giải phóng…     

Như vậy, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân Tây Nguyên đã đồng loạt đánh vào hầu hết cơ quan đầu não và căn cứ quan trọng của địch ở khắp 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đak Lak; làm chủ thị trấn Tân Cảnh, thị xã Buôn Ma Thuột, nhiều khu vực quan trọng ở thị xã Pleiku, Kon Tum trong nhiều ngày, tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận lớn lực lượng địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của Mỹ-Ngụy. Chiến thắng đó đã tạo ra một cục diện mới ở Tây Nguyên hoàn toàn có lợi cho ta, đẩy địch lún sâu vào thế bị động, góp phần cùng toàn chiến trường đưa cách mạng miền Nam bước sang giai đoạn mới-giai đoạn chủ động tiến công trên khắp chiến trường.

Hùng Tấn

Có thể bạn quan tâm