ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi về việc Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường bỏ trốn chỉ vài ngày sau khi bị khởi tố bị can.
Ngày 20/5, bên hành lang kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bày tỏ ý kiến xung quanh vụ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định truy nã đối với Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường).
Lệnh truy nã được đưa ra chỉ 5 ngày sau khi Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, khám xét với Bùi Quang Huy cùng 8 đồng phạm về tội Buôn lậu khoản 4 điều 188 Bộ luật Hình sự 2015 và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 221 Bộ luật Hình sự 2015, 9 ngày sau khi Cơ quan Điều tra Bộ Công an đồng loạt khám xét chuỗi cửa hàng, trung tâm bảo hành của Nhật Cường Mobile.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, cử tri, đặc biệt là các cán bộ lão thành, không nghĩ việc Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường - Bùi Quang Huy bỏ trốn là ngẫu nhiên. Ngay cả những người trong ngành cũng nói đây là một chuyên án, mà như vậy đã có sự theo dõi thường xuyên, liên tục và chuẩn bị, vậy vì sao Bùi Quang Huy bỏ trốn được?
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
"Vụ việc này không khác gì những trường hợp khác, mà tiêu biểu là vụ Vũ Đình Duy, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) bỏ trốn sau khi bị khởi tố về tội nhận hối lộ.
Mặt khác, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, từ trước khi khởi tố đã phải nắm thông tin và từ giai đoạn khởi tố phải theo dõi, giám sát thường xuyên liên tục? Dư luận cho rằng có thể có bàn tay trong để tiếp tay cho Bùi Quang Huy bỏ trốn. Bản thân tôi cũng cho rằng có rất nhiều khuất tất trong vụ việc này. Nhiều cán bộ từng công tác trong ngành công an cũng nói rằng, với nghiệp vụ của công an, không có chuyện Bùi Quang Huy bỏ trốn được. Vì lẽ đó, nghi ngờ của cử tri và nhân dân là có cơ sở", Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định.
Cũng theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, rất nhiều người nghi ngờ trong vụ án Bùi Quang Huy có biểu hiện của "sân sau, vườn nhà" bởi một doanh nghiệp bình thường lại phát triển với tốc độ rất nhanh trong thời gian rất ngắn. Đặc biệt doanh nghiệp này nhận được nhiều dự án quan trọng của cơ quan công quyền.
Khẳng định các "sân sau" không hoàn toàn xấu, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, nếu các sân sau tìm được khoảng trời rộng, minh bạch, giới thiệu được những doanh nghiệp tốt thì không có vấn đề gì.
"Các cán bộ có tâm sẵn sàng giới thiệu những doanh nghiệp tốt, có đạo đức đến một địa phương nào đó để người ta thực hiện kinh doanh. Đó là trách nhiệm, chứ không phải ý thích.
Nhưng nếu cán bộ ăn chia, có phần trăm nọ, phần trăm kia trong đó thì rất xấu. Cán bộ, công chức không nên đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, lợi dụng vị trí của mình, tầm ảnh hưởng của mình để đạt được những lợi ích nhất định, mà bản chất của nó là tham nhũng", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Theo vị đại biểu, ông nhận được hàng trăm tin nhắn của cử tri bày tỏ mong muốn chúng ta quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng.
"Chúng ta đã có chủ trương rõ ràng: không có vùng cấm, không có ngoại lệ, cử tri mong muốn các cơ quan có thẩm quyền phải hành động một cách khách quan, toàn diện và quyết liệt, thậm chí công lý bất vị thân, thân ở đây không chỉ là người nhà mà còn là thân hữu.
Người dân phạm tội sẽ bị xử lý nghiêm minh, tại sao một cán bộ để hàng nghìn tỷ thất thoát, tham nhũng lại chỉ xuê xoa với nhau? Nhiều trường hợp chỉ bị khiển trách, cảnh cáo, thậm chí có người được cho nghỉ vì lý do sức khỏe..., những câu chuyện đó người dân rất khó chấp nhận", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khẳng định.
Thành Luân (Đất Việt)