(GLO)- Vùng Tây Nguyên (gồm 5 tỉnh: Lâm Đồng, Đak Nông, Đak Lak, Gia Lai, Kon Tum) được đánh giá là có vị trí địa chiến lược quan trọng về quân sự, xã hội, kinh tế, môi trường của quốc gia. Tuy nhiên, Tây Nguyên hiện là “vùng chậm phát triển, tỷ lệ dân đói nghèo cao, đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ suy thoái, bất ổn đáng lo ngại” (theo PGS.TS Bùi Trung Hưng-Đại học Công nghệ Đồng Nai).
Ảnh internet |
Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 54.470 km2, chiếm 16,3% diện tích cả nước nhưng dân số hiện nay chỉ hơn 5,7 triệu người, bằng 6,14% dân số cả nước. Thu nhập bình quân đầu người của vùng năm 2016 là 39 triệu đồng, chỉ đạt 80% mức bình quân chung cả nước (trong đó Lâm Đồng cao nhất với 49 triệu đồng/người, thấp nhất là Kon Tum 32 triệu đồng/người, Gia Lai là 38 triệu đồng/người). Xét theo giá trị hiện hành, quy mô nền kinh tế vùng Tây Nguyên rất nhỏ bé, đến năm 2016 chỉ đạt 101.206 tỷ đồng, bằng 4,9% tổng GDP cả nước (trong khi Tập đoàn Vinashin, giá trị tài sản cuối năm 2009 là 102.000 tỷ đồng, nợ 96.000 tỷ đồng).
Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng đến cuối năm 2016 đạt 1,92 tỷ USD, gấp 1,4 lần năm 2010. Thế nhưng, tỷ trọng xuất khẩu của vùng so với bình quân cả nước ngày càng giảm, nếu năm 2010 chiếm 1,9% thì năm 2015 chỉ còn 1,1%. Số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, cả Tây Nguyên chỉ có 139 dự án, tổng vốn trên 762 triệu USD, song tập trung ở Lâm Đồng 102 dự án (vốn 458,6 triệu USD), Đak Lak có 13 dự án (135,5 triệu USD), Gia Lai thấp nhất, chỉ 5 dự án với tổng vốn 12,5 triệu USD.
Những tác động của suy thoái rừng, hạn hán ngày càng rõ nét. Nếu năm 2011 có 34.200 ha cây trồng bị hạn (bằng 2% tổng diện tích) thì năm 2015 có 137.700 ha (bằng 7,3%) cây trồng bị thiếu nước, thiệt hại là 5.227 tỷ đồng, bằng 2,6% GRDP vùng năm 2015. 10 năm qua, rừng đã mất 500.000 ha, trữ lượng rừng giai đoạn 2010-2014 mất hơn 57 triệu m3. Chất lượng gỗ, nhất là các loại gỗ quý nguy cơ tuyệt chủng. Khai thác khoáng sản tràn lan, diện tích các loại cây trồng đều tăng gấp 2-3 lần quy hoạch.
Tuy nhiên, kinh tế-xã hội Tây Nguyên cũng có những mảng sáng đáng kể. Tăng trưởng GDP của vùng thời gian qua đều cao hơn mức bình quân chung cả nước. Vốn đầu tư toàn vùng tăng mạnh, mạng lưới giao thông, điện lực, bưu chính viễn thông, giáo dục, y tế... ngày càng được đầu tư, nâng cấp, phát triển. GDP bình quân đầu người năm 2016 tăng gấp 13 lần so với năm 2001. Công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đang triển khai rộng khắp và gặt hái những thành tựu quan trọng.
Đất nước hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra thách thức không nhỏ với Tây Nguyên. Từ nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên rừng, đất rừng, khoáng sản-nay đã cạn kiệt, chuyển sang kinh tế tri thức đặt câu hỏi Tây Nguyên đang đứng ở đâu trong sự phát triển? Thế giới bước vào thời kỳ công nghệ 4.0, tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, trong khi kinh tế Tây Nguyên hàm lượng tri thức tích tụ trong từng sản phẩm còn rất ít, đời sống xã hội có rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Diện tích bằng 1/6 cả nước, dân số hơn 6% cả nước nhưng xuất khẩu chỉ bằng 1,1% của cả nước là điều đáng quan ngại.
Tây Nguyên không cảng biển, không sân bay quốc tế là bất lợi trong giao thương. Các quốc lộ huyết mạch như trục 14 dày đặc trạm thu phí, khiến giá thành sản phẩm tăng cao, không có sức cạnh tranh. Chính sách của Nhà nước cho vùng Tây Nguyên thời gian qua chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư.
Ngày 3-11-2017, Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên và UBND tỉnh Gia Lai đồng tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên-Tiềm năng và những vấn đề” đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các nhà quản lý, với 101 tham luận gửi đến hội thảo. Nhiều ý kiến phân tích các điểm nghẽn về cơ chế chính sách; về khoa học và công nghệ; về nghiên cứu, ứng dụng và khai thác tài nguyên văn hóa vùng Tây Nguyên; sự thiếu xâu chuỗi trong liên kết vùng... đã khơi gợi, cày xới, đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, giới khoa học những câu hỏi bổ ích, cần sớm có lời giải đáp.
Rất tiếc hội thảo này chưa nhận được sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, quản lý các tỉnh Tây Nguyên. Ngoại trừ đơn vị chủ nhà Gia Lai có lãnh đạo Tỉnh ủy đến dự và UBND tỉnh chủ trì, cán bộ chủ chốt các tỉnh còn lại đều vắng bóng. Nếu lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên không cùng nhau thảo luận khó khăn, thách thức, khắc phục những hạn chế yếu kém; cùng liên kết phát triển mà mạnh ai nấy làm, giẫm chân nhau, thì khó chuyển dịch được nền kinh tế quá lệ thuộc vào nông nghiệp như hiện nay. Trong khi kinh tế các tỉnh quanh vùng đã chuyển biến mạnh sang đầu tư khoa học công nghệ, thương mại dịch vụ và du lịch thì sự tụt hậu của Tây Nguyên (trừ Lâm Đồng) so với cả nước ngày càng nhỡn tiền.
Nhật Cường