Phóng sự - Ký sự

Thăm Ngục Đak Glei

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần tròn 30 năm kể từ cuối năm 1988, lần này tôi mới có dịp trở lại vùng đất Đak Choong (huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum). Đak Choong, nơi có Ngục Đak Glei, cách thị trấn huyện lỵ Đak Glei khoảng chừng hơn 20 cây số về phía Đông Bắc.
Những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, con đường đến nơi ấy không hề đơn giản chút nào. Còn nhớ, chúng tôi ngồi trên chiếc xe Uoát mất mấy tiếng đồng hồ mới có thể đến được trung tâm xã nằm giữa bạt ngàn rừng già và rừng… xà nu để thăm nơi ngày xưa nhà lãnh đạo của Đảng-nhà thơ Tố Hữu-đã từng bị giặc Pháp bắt giam giữ. Nơi đây ông đã có chuyến vượt ngục rất ngoạn mục trở về hàng ngũ tiếp tục hoạt động.
 Tham quan khu căng an trí (Ngục Đak Glei). Ảnh: Đ.M.P
Tham quan khu căng an trí (Ngục Đak Glei). Ảnh: Đ.M.P
Giờ đây, mọi thứ đã khác xưa. Từ Đà Nẵng, vào một buổi sáng muộn mới đây, theo con đường Hồ Chí Minh bằng chiếc xe con bốn chỗ đời… khá cũ, mặc cho tay lái không chuyên nghiệp của Trịnh Anh Sơn-cán bộ Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, song chúng tôi cũng đã kịp có mặt vào giữa trưa tại thị trấn Đak Glei theo lời mời của anh Nguyễn Cường (Giám đốc Bưu điện tỉnh Kon Tum), bạn của anh Nguyễn Ngọc Trầm-nguyên Giám đốc Bưu điện Gia Lai.
Sau bữa cơm trưa đạm bạc, chủ nhà có nhã ý mời chúng tôi lên thăm Di tích lịch sử Ngục Đak Glei, phía trên trụ sở xã Đak Choong vài cây số. Được lời như mở cờ trong bụng, chúng tôi sẵn sàng lên đường cũng với con xe “đời khá cũ” và vẫn tay lái Trịnh Anh Sơn, trong khi trời u ám như sắp trút mưa. A Chí-Giám đốc Bưu điện huyện Đak Glei, người làm hướng dẫn viên cho chúng tôi-hiểu ra ý lo ngại nhỡ trời đổ cơn mưa bất chợt, anh nói ngay: “Chúng ta yên tâm, đường đến Ngục chỉ chừng 22 cây số và rất tốt, không sợ bị kẹt như hồi xưa đâu”.
Ngục Đak Glei được giặc Pháp xây dựng vào năm 1932, nhằm giam giữ các chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong những năm từ 1932 đến 1954. Cũng như các nhà tù, nhà ngục của giặc mọc lên khắp trong Nam ngoài Bắc của nước ta thời Pháp thuộc, Ngục Đak Glei được xây để giam giữ, cách ly hàng trăm nhà hoạt động cách mạng có tầm ảnh hưởng lớn trong nhân dân và phong trào cách mạng lúc bấy giờ, trong đó có các đồng chí như Tố Hữu, Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân, Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ…
Ngục Đak Glei có 3 cụm công trình, bao gồm đồn lính Pháp, nơi mà trước đây một thời gian dài chúng ta đã lầm tưởng là nhà ngục; kế đến là khu vực giặc Pháp gọi với cái tên là lạ: khu căng an trí, nơi bọn giặc đưa những người tù chính trị từ các nhà lao, nhà ngục khác về đây để làm đường cho chúng (đó là đường 14 ngày nay, nhưng khi ấy chúng thiết kế sẽ chạy qua khu vực Ngục Đak Glei, nhưng trong quá trình thi công vì núi cao, vực sâu không thể làm được, nên mới dời ra phía ngoài như thực tế hiện tại) và khu vực thứ 3 là nhà biệt giam được xây lên sau khi nhà thơ-nhà cách mạng Tố Hữu vượt ngục vào năm 1942. Nhà biệt giam xây rất kiên cố nhằm giam cùm những người mà chúng cho là “cứng đầu”, có khả năng vượt ngục, thường xuyên chống đối chúng và vận động các bạn tù cùng tham gia chống đối lại chế độ nhà tù dã man tàn ác của giặc Pháp…
Qua thời gian dài chiến tranh và thời bao cấp không có điều kiện phục dựng, trùng tu, bảo vệ, những chứng tích nói trên đã trở thành phế tích. Được biết, những năm gần đây, từ nguồn kinh phí trung ương cấp, di tích Ngục Đak Glei được đầu tư phục dựng, tôn tạo, trùng tu và có người trông nom bảo vệ nên giờ đã đưa vào khai thác, phục vụ khách tham quan du lịch.
Các thế hệ tuổi trẻ cũng chọn đây làm nơi về nguồn, tìm hiểu, học tập về truyền thống cách mạng của các thế hệ đi trước đã anh dũng, kiên cường đấu tranh, dù cho trong vòng tù ngục, bị bọn thực dân tra tấn, đàn áp nhưng ý chí cách mạng không bao giờ lay chuyển, họ đấu tranh trực diện với kẻ thù đòi trả tự do, cải thiện đời sống cho tù nhân, tìm đường vượt ngục trở về với tổ chức để tiếp tục hoạt động cách mạng…
Chiều đã muộn, mây mù và sương núi giăng trắng cả những ngọn đồi cao vút bao quanh khu di tích Ngục Đak Glei. Tôi tranh thủ tối đa thời gian có thể trước khi về lại phố để trao đổi, nói chuyện với mấy bạn trẻ đang có mặt ở đấy. Tôi chú ý đến một đôi nam nữ còn rất trẻ, đó là bạn A Chấn, đã học xong đại học 2 năm rồi, hiện là giáo viên dạy hợp đồng cho Trường THCS xã Đak Choong, một địa phương nằm trong tốp đầu những xã được coi là khó khăn nhất huyện. Bạn gái của Chấn là HUay, cũng đã học xong y sĩ, chưa có việc làm nên dù yêu nhau đã khá lâu cả 2 vẫn chưa… dám báo cáo chính thức với cha mẹ, họ hàng, làng thôn.
“Nhà ở thị trấn Đak Glei, cũng chỉ cách đây vài chục cây số nên bọn cháu thỉnh thoảng đưa nhau đến đây tìm hiểu thêm thông tin phục vụ cho việc giảng dạy, giúp các em học sinh hiểu thêm về lịch sử cách mạng trên chính quê hương của mình”-A Chấn bảo với tôi như thế.
Còn A Đeo-chàng trai trẻ nhận hợp đồng trông giữ, bảo vệ cả ngày đêm tại khu di tích-thì bảo: “Cháu buồn lắm, không đài, không báo, không ti vi, chỉ có mỗi cái điện thoại cục gạch thỉnh thoảng gọi về nhà hoặc nghe người nhà và bạn bè gọi, nhắn tin hỏi thăm đôi chuyện. Ban ngày có khách tham quan còn đỡ buồn, đêm về giữa núi rừng thế này sao mà vui được”. A Đeo nói với tôi, các ngày nghỉ, lễ, Tết thì khách đến tương đối đông, còn lại những ngày khác thì khách ít lắm. A Đeo đưa tôi một tập tài liệu photocopy, tưởng có thể xin đem về tham khảo nhưng “không được, chỉ có một cái đó thôi, anh chụp ảnh nó về xem, đó là tài liệu chính gốc của khu di tích đấy…”.
Qua câu chuyện với A Đeo tôi hiểu, dù đây là di tích lịch sử cấp quốc gia, đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cấp bằng chứng nhận từ năm 1991, nhưng chứng nhận rồi… để đó cho thời gian (có lúc bị lãng quên) và mưa nắng tàn phá. Được đầu tư phục dựng, cải tạo, nâng cấp, và mới đây là trùng tu, sửa chữa… cùng với việc nâng cấp đoạn đường hơn chục cây số từ đường Hồ Chí Minh vào khu di tích, thế nhưng cụm di tích Ngục Đak Glei vẫn chưa được nhiều người biết đến, kể cả người tại địa phương. Ngoài tôi và các bạn ở Kon Tum hôm đó, thì cả đoàn chúng tôi, từ nguyên Giám đốc Bưu điện Gia Lai Nguyễn Ngọc Trầm đến Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai Khuất Đình Viện và anh Trịnh Anh Sơn đều chưa lần nào nghe nói đến cụm di tích cấp quốc gia-Ngục Kon Tum đã được đầu tư phục dựng, chứ đừng nói là đã đến nơi này.
Thiết nghĩ, có tình trạng như trên có thể là do công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh địa phương gắn với những công trình văn hóa, lịch sử đầy ý nghĩa như ở Đak Glei chưa hiệu quả. Một thuở nhân dân nơi này anh dũng, kiên cường trong các cuộc kháng chiến chống xâm lăng, rồi gồng mình chống đói, xóa dốt, phổ cập văn hóa giáo dục sau ngày hòa bình lập lại… Những địa danh Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp-Dùi, Đak Blô, Đak Pét… đã từng ghi bao chiến công hiển hách một thời… Đã qua rồi một Đak Glei, một Ngục Đak Glei “bóng tối ảm đạm”, khổ khó như thuở xưa “đường lên Đak Xút, Đak Glei/Heo heo gió núi mây dày lối đi”… (Tố Hữu), mà ngày nay đó là một Đak Glei có đường Hồ Chí Minh đi qua, một Đak Glei đã xóa được đói, giảm dần được nghèo, đang vươn lên từng ngày vì cuộc sống của hơn 40 ngàn người con của các dân tộc anh em Giẻ Triêng, Sê Đăng, H'Rê, Kinh…
Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm