(GLO)- Qua rồi cái tuổi học trò đã gần bốn chục năm nhưng mỗi khi thấy hoa phượng lập lòe thắp lửa đầu ngõ phố là trong tôi lại dậy lên cảm xúc mùa thi.
Thế hệ chúng tôi bấy giờ còn theo hệ phổ thông 10 năm. Trước những năm 70 của thế kỷ trước, qua mỗi cấp học đều phải thi tốt nghiệp, thi chuyển cấp. Lớp 4 thì còn nhỏ quá, chưa ai cảm nhận được cái rạo rực, xao xuyến của mùa thi nhưng đến lớp 7 thì đã khác. Tốt nghiệp cấp II, tức lớp 7, tương đương lớp 9 bây giờ là đã có thể đi công nhân hay thi vào trung cấp chuyên nghiệp. Cũng bởi vậy mà kỳ thi tốt nghiệp lớp 7 là một “cửa ải” rất quan trọng phải vượt qua. Trong cái nóng như quạt lửa của những cơn gió Lào tràn về không dứt, chúng tôi sáng lên lớp, chiều nghe thầy phụ đạo, tối cùng nhau học tổ, châu lại bên ngọn đèn dầu phả khói mịt mù, phải che bớt ánh sáng để đề phòng máy bay Mỹ. Thầy cô, phụ huynh, học trò cùng se sắt trong một nỗi lo, bởi tỷ lệ tốt nghiệp ấy là danh dự của cả thầy và trò, thậm chí là của làng, xã nữa. Không ai dám mong đỗ 100%, chỉ trên dưới 80% đã mừng. Thi cử nghiêm túc như vậy nên có người thi tốt nghiệp đến lần thứ 3 mà vẫn rớt, đành phải ngậm ngùi “xếp bút nghiên”.
Nhưng thi tốt nghiệp cấp III mới là kỳ thi đáng nhớ nhất. Đấy là kỳ thi đánh dấu bước ngoặt lớn lao của cuộc đời hay vẫn được nói bằng một câu thi vị “kết thúc 10 năm đèn sách”. Một ước mơ cháy bỏng đang mở trước mắt là được trở thành sinh viên đại học. Nhưng “Cửa trường đại học cao vời vợi/Mười đứa trèo lên chín đứa rơi…”. Sở dĩ có câu ca ấy là bởi bấy giờ, mỗi thí sinh chỉ được quyền thi vào một trường đại học với một nguyện vọng duy nhất. Mà số lượng trường đại học bấy giờ chỉ chưa tới ba chục. Đậu được đại học khó lắm, danh giá lắm. Những nhà có điều kiện, con đỗ đại học còn làm cỗ mời làng xóm ăn mừng. Nhưng không sao, nếu rớt thì đã có các trường trung cấp chuyên nghiệp sẵn sàng tiếp nhận. Thậm chí là có ngành, rớt tốt nghiệp cũng được gọi vào sơ cấp nếu ai đăng ký trước.
“Có giá” là vậy nên cả thầy và trò đều dốc hết sức cho mùa thi. Bắt đầu từ học kỳ II, học sinh lớp 10 sẽ được miễn tất cả các nghĩa vụ, ví dụ như mỗi tuần 1 buổi lao động tu sửa trường lớp để tập trung vào việc học. Trò lo đến rạc người, thầy cô cũng vất vả không kém. Mà thời ấy làm gì có chuyện “dạy thêm, học thêm” hay “bồi dưỡng”. Thầy cô ôn tập, phụ đạo cho học sinh cũng chỉ là nhiệm vụ đơn thuần. Tôi nhớ thầy giáo dạy môn Vật lý của chúng tôi. Năm ấy, thầy còn 3 năm nữa mới nghỉ hưu nhưng tôi có cảm giác là dáng vóc của thầy đã còng xuống trước tuổi. Suốt năm học, chúng tôi thấy gần như thầy không bao giờ rời được vật bất ly thân là chiếc khăn choàng cổ, thế mà chưa bao giờ thấy thầy nghỉ một giờ dạy nào!
Không có những cánh phượng hồng ép vào trang vở, không có những cuốn sổ để gửi cho nhau những trang lưu bút, kỷ niệm đáng nhớ nhất của chúng tôi vào thời khắc cuối của đời học sinh là buổi liên hoan lớp. Trong hoàn cảnh khó khăn bấy giờ, tiệc liên hoan phải hoàn toàn “tự biên, tự diễn”. Chúng tôi góp tiền mua được một con heo khoảng 30 kg. Con trai mấy đứa biết việc thì lo làm thịt heo; con gái thì nấu nướng, bày biện. Bận bịu tíu tít, cứ như là chuẩn bị cho một đại tiệc không bằng. Cứ tưởng chỉ niềm vui hóa ra cũng có cả những giọt nước mắt khi cậu lớp trưởng lỡ miệng: “Rồi đây trong số chúng ta sẽ có người thi đỗ, người thi rớt…”. Một sự thật rồi sẽ đến mà sao bỗng cảm thấy mủi lòng trong khoảnh khắc này.
Trừ những trường hợp thật đặc biệt, chúng ta ai cũng từng qua tuổi học trò, ai cũng từng trải qua những cảm xúc mùa thi. Mỗi mùa thi đi qua lại cảm giác mình lớn thêm lên, biết lo toan thêm lên. Thầy cô, bạn bè cho đến hàng cây, khóm hoa trước sân trường và cả chiếc bàn quen thuộc cũng gợi lên một cảm xúc chia ly man mác… Lên Gia Lai công tác, những năm trước 1990, tôi vẫn còn cảm nhận cái không khí bận rộn pha chút thi vị của những mùa thi mình đã trải. Nhưng rồi theo thời gian, điều đó đã mất dần hay nói cách khác, mùa thi bây giờ đã mang một phong vị khác. Kỳ thi tốt nghiệp THCS đã bỏ từ lâu. Kỳ thi vào đại học thì đã gộp chung với thi tốt nghiệp THPT thành “hai trong một”. Thi tốt nghiệp THPT bây giờ, họa hoằn mới có vài ba người rớt. Vào đại học, hỏng trường này đã có trường kia “hứng”. Không thể nói là quá dễ dãi để không cần lo âu, không cần bận bịu nhưng nỗi niềm mùa thi giờ đã loãng đi cái cảm xúc lo âu đến thắt lòng mà vẫn đầy thi vị. Cuộc sống vẫn vậy, khi điều gì bỗng trở nên bình thường thì cảm xúc về nó tất nhiên cũng sẽ nhạt phai.
Nhưng dù là “mỗi thời mỗi khác” thì tháng 6 về vẫn mang theo cái cảm xúc mùa thi, cái cảm xúc mà ai trong đời cũng từng nếm trải và không thể dễ dàng quên lãng nó.
NGỌC TẤN