Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tháng ba về vùng tam giác Cheo Reo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xuôi theo quốc lộ 25 về hướng Đông Nam tỉnh Gia Lai vào một ngày đầu tháng 3, tôi bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tháng này của 47 năm về trước. Thời điểm đó, sau khi thị xã Buôn Ma Thuột được giải phóng (10-3-1975), tình hình địch ở Kon Tum, Pleiku trở nên rối ren, mất kiểm soát, chính quyền Sài Gòn buộc phải “rút lui chiến lược” theo đường 7 về đồng bằng Phú Yên. Cuộc di tản của cả một quân đoàn hàng vạn quân lính, gia đình binh sĩ, nhân viên các cơ quan dân sự và một bộ phận người dân ở 2 thị xã Kon Tum và Pleiku tạo nên sự hỗn loạn, tắc nghẽn trên cung đường hàng trăm cây số.

Bây giờ, sau ngần ấy năm, nơi đây đã không còn dấu tích của chiến tranh, thay vào đó, phía dưới đèo Chư Sê là một màu xanh mướt mát mênh mông của cánh đồng lúa Ayun Hạ. Nếu trước đây vùng đất mênh mông hàng vạn héc ta ấy được mệnh danh là “chảo lửa” thì giờ đây đã là vựa lúa của Gia Lai. Dòng sông Ayun được chặn lại, một công trình thủy nông lớn nhất Tây Nguyên đã tạo ra vùng đất trù phú để canh tác trên 1,3 vạn ha lúa hai vụ; bà con người Bahnar, Jrai bản địa và người Kinh từ các tỉnh phía Bắc vào, từ đồng bằng duyên hải miền Trung lên cùng đoàn kết chung tay xây dựng.

  Khu vực trung tâm huyện Chư Sê nhìn từ trên cao. Ảnh: Minh Triều
Khu vực trung tâm huyện Chư Sê nhìn từ trên cao. Ảnh: Minh Triều


Huyện Phú Thiện được chia tách từ thị xã Ayun Pa, giờ đã hình thành những thôn, làng nông thôn mới trù phú; phố xá mọc lên, chạy dọc dài hai bên quốc lộ 25. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện Trịnh Văn Sang nói với tôi: Toàn huyện có 5/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến năm 2024, cả 4 xã còn lại sẽ đạt chuẩn nông thôn mới. Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Phú Thiện hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng các nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bên cạnh đó, huyện chú trọng xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ của các hợp tác xã nông nghiệp để gắn kết người nông dân với doanh nghiệp; đánh giá, rà soát lại việc đăng ký và thực hiện Chương trình OCOP; xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn với mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, huyện tập trung bảo vệ nhãn hiệu gạo Phú Thiện và xây dựng một số nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp của huyện. Đến năm 2024, huyện phấn đấu hình thành vùng chuyên canh giống lúa chất lượng cao gắn với thương hiệu gạo Phú Thiện, xây dựng 30 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn của tỉnh.

Ngày 17-8-1981, huyện Chư Sê được thành lập, trung tâm huyện lỵ nằm ngay ngã ba Cheo Reo-nơi xuất phát điểm của đường 7 năm xưa, nơi mà cách đây 47 năm chính quyền Nguyễn Văn Thiệu chọn làm con đường tháo chạy khỏi Tây Nguyên của cả Quân đoàn II-Quân khu II. Giờ đây, ngã ba Cheo Reo đã là một đô thị phát triển sầm uất. Đảng bộ và chính quyền địa phương đang tích cực đầu tư xây dựng để Chư Sê trở thành thị xã trong tương lai rất gần. Chư Sê có 15 đơn vị hành chính cấp xã. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Mạnh Mẫn, đến nay, Chư Sê đã có 11/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hbông-một trong những xã khó khăn nhất của huyện cũng đã hoàn thành các tiêu chí và đang đề nghị tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bây giờ, mỗi khi có dịp về lại Chư Sê, chúng tôi không khỏi vui mừng khi chứng kiến sự phát triển toàn diện của địa phương này. Những năm lại đây, huyện huy động các nguồn vốn để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở đô thị và nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nhanh chóng tạo bộ mặt nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, tạo “bước đệm” cho một thị xã ra đời!    

Nằm về phía Nam ngã ba Cheo Reo theo quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh), huyện Chư Pưh được thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Chư Sê. Từ vùng đất tiêu điều, xơ xác sau chiến tranh, giờ đây trung tâm quận lỵ Phú Nhơn cũ đã là một thị trấn phát triển đồng bộ với cả hạ tầng cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ mang tên Nhơn Hòa. Khi Chư Pưh còn thuộc Chư Sê, giao thông chưa đầu tư xây dựng được nhiều, điều kiện đi lại của bà con rất khó khăn, nông sản làm ra nhiều nhưng việc vận chuyển, bảo quản, tiêu thụ luôn bị ách tắc, bị tiểu thương ép giá; hạ tầng cơ sở xã hội như trường học, trạm y tế... ở hầu hết các xã gần như chưa được đầu tư xây dựng.

Chúng tôi đến vùng đất năm xưa được cho là “vùng lõm”, giáp ranh giữa xã Ia Le (huyện Chư Pưh) với các xã phía Tây huyện Phú Thiện vào một buổi chiều muộn. Xe chạy qua con đường đã được thảm nhựa và bê tông phẳng phiu, những cụm dân cư hai bên đường đã sáng điện. Trước mắt chúng tôi, “vùng lõm” ấy giờ đây đã là vùng đất trù phú mênh mông các loại cây trồng ngắn và dài ngày. Một cơ sở trồng cây hồ tiêu của Công ty Olam đặt ở đây thu hút nhiều lao động người Jrai vào làm công nhân. Gặp một nhóm cô gái Jrai khi hết giờ làm, trên đường từ nơi sản xuất về nhà, một cô trong số đó cho biết: “Dù đang dịch Covid-19 nhưng việc làm vẫn ổn định, thu nhập đảm bảo cuộc sống”. Đường giao thông được nhựa hóa đến các cụm dân cư của bà con Jrai quanh vùng. Điện lưới quốc gia, điện gió được các nhà đầu tư từ Hà Nội xây dựng tại khu vực này với công suất 100 MW (được biết ngoài Ia Le, Nhơn Hòa cũng có nhà đầu tư điện gió với công suất 100 MW). Một số khu-cụm dân cư đã từng bước hình thành các thị tứ, bán mua nhộn nhịp.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh Lê Quang Thái cho biết: Toàn huyện có 6/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nói lên vài con số để biết rằng, với một khoảng thời gian chưa nhiều trên con đường xây dựng và phát triển sau ngày thành lập mà Chư Pưh đã có những bước tiến vượt bậc, đáng tự hào về vùng đất phía Nam của tỉnh!

Thị xã Chư Sê trong tương lai gần là một trong các đỉnh của vùng tam giác Cheo Reo. Nơi đây chắc hẳn sẽ trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả khu vực, với các vệ tinh bao quanh là các địa phương phía Đông Nam Đak Đoa và phía Tây là các địa phương của huyện Chư Prông. Chỉ cách TP. Pleiku chưa đầy 40 cây số, nằm trên đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 25 xuôi về Phú Yên, Chư Sê hội đủ điều kiện để thu hút các nhà đầu tư. Vì vậy, khi nói đến Chư Sê là vùng kinh tế động lực của tỉnh trong tương lai gần là điều có thể!

 

ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm