Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tháng Giêng trong vườn bà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày nhỏ, tôi tin cả tuổi thơ mình không ra được khỏi khu vườn của bà.
Tháng Giêng, cha mẹ tôi lại khăn gói đi làm xa. Người lớn dường như không biết gì ngoài công việc. Tôi được gửi về nhà nội. Đó là một vùng quê năm nảo cũng như năm nào, cũ kỹ, quen thuộc đến từng gốc cây, ngọn cỏ.
Minh họa: KIM HƯƠNG
Bà tôi có một chiếc đồng hồ để bàn của Nga, có khi nó gục mặt vào đống rơm dưới bếp cả mấy ngày bởi không ai vặn dây cót. Ở đây, thời gian bao giờ cũng ngủ quên như tôi. Có sáng thức dậy trong mưa lạnh, mắt nhắm, mắt mở trong khói bếp, tôi cứ đồ rằng mấy con chim sâu đang tập chuyền cành ngoài kia đã tập từ bao mùa xuân mà chưa thuần thục. Rạ rơm lại cay xè mắt, nồi bắp luộc, siêu nước sôi, tôi tự đo mình bằng cái đòn gánh gác ở xó bếp xem cao đến nhường nào thì mọi sự quen mòn nhàm chán ấy sẽ có đổi thay.
Nhưng nắng hửng lên, đi trong khu vườn của bà thì tôi hào hứng lắm. Bà bảo bà đã phải bỏ cả những năm tháng tuổi trẻ để biến khu đất sỏi đá, đầy mảnh bom trên miền non cao này thành khu vườn xanh tươi như bao mảnh vườn dưới miền xuôi cho con cháu được chơi đùa.
Tháng Giêng, gia tài của bà là những bưởi, nhãn, mít, ổi, vú sữa, na, chanh… bắt đầu xanh lộc và ra hoa. Đến khi nắng xuân xuyên qua vòm lá chiếu xuống cũng không thể nào xuyên thủng bầu trời cổ tích. Quanh những gốc táo, lê, trên con đường có dải đá tảng nhẵn bóng, tưởng như lúc nào đó sẽ gặp một bà cụ hay một nàng công chúa hiện ra với cái giỏ đầy nấm. Tiếng cá quẫy dưới mặt ao sóng sánh nắng vàng. Những câu chuyện của Tô Hoài, Vũ Tú Nam làm tôi mê mẩn, đọc đến toét mắt mới nhận ra cơm đã quá lửa. Đó là chuyện về những con dế mèn, xén tóc, chuồn chuồn kim… hay lời đồn con cá chuối có cái miệng rộng nuốt cả đứa trẻ con… Tất cả ùa về trong sáng.
Tháng Giêng, như văng vẳng đâu đây tiếng chuông chùa. Hoa bưởi như cô gái không xuất gia nhưng vẫn khép cánh cửa xanh của đài hoa tu hành, có con chim sẻ bay từ vườn chùa sang tịnh độ. Ngôi chùa ấy ở đâu? Tiếng chuông từ đâu? Tôi đinh ninh chúng ở trong lời kể của bà.
Xế trưa, bao giờ bà cũng tìm ra thứ rau nào đấy để nấu canh, để xào với dầu lạc. Bà nựng tôi về ăn cơm với câu nói tôi đã thuộc làu: “Cây bưởi, cây ổi, cây na…. này, nhớ ra quả là để anh cò ăn nhé, không cho lũ chào mào đít đỏ lắm lời kia ăn đâu”. Tôi biết thừa là bưởi còn chua, ổi còn chát, quả na còn lâu mới mở mắt nhưng vẫn thích nghe bà nựng nịu.
Rồi khi bà mất, ông nội tôi đã cố gắng tất bật chăm bón nhưng có lẽ thiếu hơi bà, khu vườn vẫn tiêu điều đi. Rồi các cô chú đều lập gia đình. Ông phải bán mảnh vườn đi, chia tiền ra cho mỗi người rồi rời về thành phố ở. Người chủ mới đến lại sang tay khu vườn cho người khác. Từng cái cây bị đốn hạ, từng cái tổ ong, tổ chim tan hoang dưới bầu trời quang quẻ.
Khi ấy, dù đã lớn mà tôi vẫn ngỡ ngàng. Hóa ra, trên vòm lá kia đâu có tiếng chim cổ tích, không có nàng công chúa, bà tiên nào bước ra. Ao bị lấp đi, con cá chuối hung dữ chắc cũng bị chôn vùi. Từ đó cuộc đời tôi cứ xuôi mãi xuống đồng bằng, gắn đời mình vào những dãy phố dài. Một thời ấu thơ tôi cứ ngỡ vườn bà có tất cả những gì trong cổ tích; còn hôm nay, tôi tin cổ tích chỉ có ở vườn bà...
 BÙI VIỆT PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm