Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Thảo luận sôi nổi nhiều vấn đề trọng tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 7-12, ngày làm việc thứ hai-kỳ họp thứ hai-HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI diễn ra với phiên thảo luận tổ. Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến phản ánh, kiến nghị đề xuất bám sát các vấn đề trọng tâm của nội dung kỳ họp, hướng mạnh đến thực tiễn đời sống dân sinh đang cần có những quyết sách đúng đắn.

Sau khi chia thành 8 tổ, các đại biểu HĐND đã tập trung thảo luận, đánh giá, phân tích kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; các giải pháp cụ thể về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; đồng thời xem xét và cho ý kiến về các tờ trình do Thường trực HĐND và UBND tỉnh đã trình tại kỳ họp. Nhìn chung, các tổ đại biểu thảo luận trong không khí sôi nổi, đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị gửi gắm tâm tư nguyện vọng của người dân và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tỉnh và địa phương.

“Nóng” vấn đề quản lý, bảo vệ rừng

Tại phiên thảo luận tổ, hầu hết các đại biểu đều băn khoăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ năm 2005 đến nay, diện tích rừng toàn tỉnh giảm 134.940 ha; số vụ vi phạm Luật quản lý, bảo vệ rừng có chiều hướng gia tăng (từ 2011 đến nay đã có 6.823 vụ vi phạm). Trong năm 2016 phát hiện 882 vụ, tăng 79 vụ so với cùng kỳ. Vậy, câu hỏi mà các đại biểu đặt ra là: Trách nhiệm của chính quyền địa phương và các ngành chức năng nằm ở đâu?

 

Đại biểu Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tăng là do cấp ủy, chính quyền chủ động vào cuộc quyết liệt. Ảnh: M.N
Đại biểu Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tăng là do cấp ủy, chính quyền chủ động vào cuộc quyết liệt. Ảnh: M.N


Theo đại biểu Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh  ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thì: “Các vụ vi phạm lâm luật lớn, nóng như các năm trước thì năm nay gần như không còn. Bởi, cấp ủy, chính quyền, các huyện, cơ quan chức năng đã ra quân kiểm tra, kiểm soát rất quyết liệt, xử lý rất nghiêm và được người dân đồng tình. Do vậy cần có đánh giá toàn diện, đúng thực chất vấn đề này. Theo tôi, quan trọng là khâu chỉ đạo, xử lý đã tốt hay chưa, chứ phải nhìn thấy số vụ vi phạm tăng lên rồi nói là không tốt. Số vụ có tăng lên nhưng do chúng ta chủ động làm, không chỉ có các vụ phá rừng mà các ngành còn ngăn chặn được nhiều vụ vận chuyển lâm sản trái phép từ Campuchia, các huyện giáp ranh qua tỉnh”.

Đại biểu Võ Ngọc Thành cũng nhấn mạnh, diễn biến tình trạng phá rừng không chỉ dừng lại ở đó nếu chúng ta lơi lỏng, vì lợi ích kinh tế lâm tặc tiếp tục phá rừng, đạo đức kiểm lâm, các ngành chức năng không tốt thì sự việc sẽ còn tiếp diễn.

 

Đại biểu đều băn khoăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Dung
Đại biểu đều băn khoăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Dung


Đại biểu Huỳnh Quang Thái-Bí thư Huyện ủy Ia Grai, cho biết: “Việc ngăn chặn tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài nguyên nhân khách quan là do đường biên giới của huyện dài, lực lượng kiểm lâm mỏng thì công tác này phần lớn còn phụ thuộc vào tỉnh bạn (tỉnh Kon Tum). Do vậy đề nghị UBND tỉnh có kế hoạch làm việc với tỉnh này để ban hành quy chế phối hợp giữa 2 tỉnh, có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng này”.

Ngoài ra vấn đề quản lý, bảo vệ rừng, đại biểu Võ Ngọc Thành cũng đề cập tới công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. “Tôi cho rằng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư trong năm qua tỉnh ta đã làm rất quyết liệt, chuyển đổi cả bộ máy của toàn tỉnh trong vòng chưa đầy một năm. Chúng ta cần ghi nhận kết quả (tăng trưởng 38 bậc về cải cách hành chính) mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện. Tuy nhiên, điều quan trọng là doanh nghiệp, người dân hài lòng hay không? Có tiếp tục đồng hành cùng với tỉnh phát triển hay không? Điều này còn quan trọng hơn nhiều so với vị trí mà chúng ta đang đứng”-đại biểu Võ Ngọc Thành khẳng định.


Trong khi đó, đại biểu Trần Xuân Quang-Chủ tịch UBND TP. Pleiku cũng xác nhận: “Công tác cải cách hành chính được chính quyền thành phố chỉ đạo quyết liệt, so với trước đây các thủ tục hành chính đã được thông suốt hơn nhiều. Thành phố cũng đang tập trung thu hút đầu tư phát triển du lịch, công tác chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường được chú trọng; hệ thống cây xanh, biển báo chỉ dẫn cũng đang được lắp đặt thêm. Hiện thành phố đang thí điểm việc lắp đặt wifi miễn phí trên phạm vi toàn địa bàn”.
 

Đại biểu Trần Xuân Quang-Chủ tịch UBND TP. Pleiku khẳng định công tác cải cách hành chính được chính quyền chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt. Ảnh: M.N
Đại biểu Trần Xuân Quang-Chủ tịch UBND TP. Pleiku khẳng định công tác cải cách hành chính được chính quyền chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt. Ảnh: M.N


Tìm giải pháp cho vấn đề nợ thuế

Theo báo cáo của UBND tỉnh thì tính đến 30-9-2016, lũy kế nợ thuế là 830,2 tỷ đồng, Trong đó, đối với nhóm nợ khó thu là 509,5 tỷ đồng và số nợ khó thu này có xu hướng tăng. Như vậy, nợ thuế vẫn là thách thức lớn hiện nay. Chính vì vậy, theo nhiều đại biểu thì cần tăng cường các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh.

Nhấn mạnh về vần đề này, ông Đỗ Đình Bằng (đại biểu huyện Chư Sê) cho biết: “Để tăng cường thu hồi nợ đọng thuế, đề nghị UBND tỉnh và các đơn vị liên quan chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp dù nợ thuế rất ít (khoảng 10 triệu đồng) vẫn không nộp thuế. Chúng ta phải xem xét những trường hợp nợ thuế đang gặp phải những vướng mắc gì? Phải chăng khả năng sinh lời của các doanh nghiệp trong tỉnh không có? Tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị cần được thường xuyên nắm bắt; thu thập thông tin phản hồi của người nộp thuế để xác định chính xác nguyên nhân nợ thuế, từ đó có giải pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế phù hợp với từng trường hợp cụ thể, bảo đảm thực hiện đúng quy trình, quy định pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.

 

Ông Đỗ Đình Bằng (đại biểu huyện Chư Sê) nói về đề nợ thuế. Ảnh: Trần Dung.
Ông Đỗ Đình Bằng (đại biểu huyện Chư Sê) nói về đề nợ thuế. Ảnh: Trần Dung

Đại biểu Đỗ Đình Bằng cũng kiến nghị thêm, các cấp có thẩm quyền tạo cơ chế, chính sách để doanh nghiệp có nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập và có nguồn tài chính nộp thuế, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách.

Cũng đề cập về vấn đề nợ thuế, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thủy-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, trăn trở: “Tổng nợ thuế năm nay tăng so với năm 2015 và còn nhiều bộ phận nộp thuế chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, chây ì không nộp thuế đúng hạn, nợ thuế kéo dài. Tôi đề nghị UBND tỉnh và các đơn vị liên quan có các giải pháp cụ thể để thu thuế. Trước mắt, nên thu từ nhóm nợ có khả năng thu trước rồi tiến tới thu nhóm nợ khó thu”.

Cũng theo nhiều đại biểu tại các tổ thảo luận thì hiện nay có một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đã tự giải thể, bỏ khỏi địa chỉ sản xuất kinh doanh nhưng vẫn còn nợ thuế, không làm thủ tục khai báo cho cơ quan thuế; thông báo nợ thuế đã bị gửi trả lại cho cơ quan thuế, gây khó khăn cho công tác đôn đốc thu nợ thuế.

Ngoài ra, vấn đề về nông thôn mới, tai nạn giao thông, tệ nạn ma túy, công tác thi hành án dân sự… cũng như nội dung các tờ trình cũng thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tại phiên thảo luận tổ sáng nay.

Chiều nay, kỳ họp sẽ tiếp tục với việc UBND tỉnh trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri, của Thường trực HĐND, các Ban HĐND và của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tại kỳ họp lần này.

Minh Dung

Có thể bạn quan tâm