Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm để thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pa (Gia Lai) đã chú trọng triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Nhờ tích cực hưởng ứng cuộc vận động mà nhiều hộ đã thoát nghèo.
 Hỗ trợ vốn và tập huấn kỹ thuật sản xuất là giải pháp giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.      Ảnh: Đ.T
Hỗ trợ vốn và tập huấn kỹ thuật sản xuất là giải pháp giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Ảnh: Đ.T
Ông Dương Tấn Bá-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pa-cho biết: Đầu năm 2012, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện cuộc vận động trên toàn huyện và chọn một số hộ làm điểm ở các xã để có giải pháp giúp đỡ thiết thực như: hỗ trợ tiền mua bò, phân bón; tuyên truyền, hướng dẫn cách thức tổ chức sản xuất, chi tiêu hợp lý trong sinh hoạt gia đình.
Gia đình anh Ksor Vương (buôn Jao) là một trong 3 hộ nghèo của xã Ia Rmok được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pa chọn làm điểm thực hiện cuộc vận động. Năm 2014, gia đình anh được hỗ trợ hơn 5 triệu đồng mua phân để bón cho gần 2 ha mì và được cán bộ xuống tận nơi hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Nhờ đó, chỉ sau hơn 1 năm, gia đình anh đã thoát nghèo. Hiện tổng thu nhập của gia đình anh đạt trên 70 triệu đồng/năm. “Được cán bộ địa phương đến tận nhà vận động tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn cách tiết kiệm chi tiêu nên gia đình tôi đã thoát nghèo. Tôi mong muốn trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện sẽ hỗ trợ cho nhiều hộ trong buôn để họ cũng có cơ hội thoát nghèo”-anh Vương cho biết.
Người dân huyện Krông Pa chăm sóc mì cao sản. Ảnh: N.S
Người dân huyện Krông Pa chăm sóc mì cao sản. Ảnh: N.S

Ông Dương Tấn Bá-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pa: “Để cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực, thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội và các ban, ngành liên quan khảo sát tình hình kinh tế của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, từ đó có giải pháp giúp đỡ thiết thực, góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo trên địa bàn huyện”.

Còn gia đình chị Ksor HDoach (buôn Hliết, xã Chư Drăng) có 2 ha mì nhưng vì không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và không có kế hoạch tiết kiệm chi tiêu hợp lý nên trước năm 2014 cũng thuộc diện hộ nghèo. Năm 2015, gia đình chị được hỗ trợ 5 triệu đồng mua phân bón và được cán bộ địa phương đến tận nhà vận động tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật sản xuất. Ngoài ra, gia đình chị còn được cán bộ Hội Phụ nữ tận tình hướng dẫn cách tiết kiệm chi tiêu nên kinh tế ngày càng khá dần. “Ngoài tận dụng hết diện tích đất sản xuất của gia đình, tôi còn mua thêm bò và dê về nuôi. Đến cuối năm 2017, gia đình tôi đã thoát khỏi nghèo, có nguồn vốn tích lũy. Hiện thu nhập của gia đình tôi đạt hơn 80 triệu đồng/năm”-chị Ksor HDoach phấn khởi nói.
Trao đổi với P.V, ông Dương Tấn Bá cho biết, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã tạo chuyển biến quan trọng về nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số trong sản xuất và đời sống, giúp bà con từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thực tế. Đến nay, trên địa bàn đã có 60 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, trong đó có nhiều hộ khá giả, góp phần đáng kể trong công tác giảm nghèo của huyện. Krông Pa là huyện có tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%. Có thể nói, hiệu quả bước đầu đạt được từ cuộc vận động là rất quan trọng.
Ngọc Sang

Có thể bạn quan tâm