Báo xuân

Thầy thuốc chuyên tâm phát triển ngành Đông y

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đó là Lương y Nguyễn Ngữ-một thầy thuốc Đông y. Ông sinh năm 1956, là Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Gia Lai từ năm 2008 đến nay. Đồng thời từ năm 2010, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Đông y Việt Nam, từ năm 2015 ông được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Hội Đông y Việt Nam. Mới đây, ông vinh dự được Trung ương Hội Đông y Việt Nam tặng danh hiệu “Thầy thuốc Đông y tiêu biểu”.

Cơ duyên với nghề

 

 Lương y Nguyễn Ngữ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: T.N
Lương y Nguyễn Ngữ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: T.N

Nói về cơ duyên đưa ông đến với nghề Đông y, Lương y Nguyễn Ngữ nhớ lại: “Đó là chuyện về người mẹ của tôi. Cơ thể của bà thường bị dị ứng với thuốc tân dược. Sau lần sinh mổ đứa em trai út của tôi vào năm 1963, bà thường uống thuốc Bắc của Nhà thuốc Bảo Thọ Xuân tại Pleiku trước đây, mỗi khi bệnh thì hiệu quả tốt. Nhưng khi nhà thuốc này chuyển đi, bà phải dùng theo nhà thuốc khác nên tác dụng rất thấp. Hoàn cảnh ấy buộc tôi phải trăn trở tìm nguyên nhân và sau đó thuận duyên được cố Hòa thượng Thích Giác Ngộ ở chùa Bửu Thắng-TP. Pleiku chỉ bảo, giải thích do chỉ định bài thuốc chưa đúng. Đồng thời, ông còn dạy tôi nắm vững về hệ thống lý luận của Đông y từ sách gốc chữ Hán. Đặc biệt là Hòa thượng đã dành nhiều năm chỉ dạy tôi học Hán văn, giúp tôi đọc và nghiên cứu rất nhiều sách quý về Đông y bằng chữ Hán... Rồi từ đó, Đông y đã gắn với đời tôi!”.

Trưởng thành trong nghề, với hơn 30 năm chịu khó học tập, nghiên cứu, ông đã đạt được những thành quả nhất định. Đó cũng là động lực giúp ông Ngữ luôn nhiệt tình, tận tâm cho các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm và tập hợp hệ thống tài liệu để phổ biến, cũng như trong thực hành khám-chữa bệnh. Lương y Nguyễn Ngữ đã cất công biên soạn nhiều tài liệu thiết thực như: “Phương pháp bắt mạch của Đông y” (Mạch pháp), “Phương pháp tính giờ châm cứu trên lòng bàn tay” (Chưởng đồ pháp thời châm cứu), “Dùng loa tai trong chẩn đoán và điều trị bệnh” (Nhĩ chẩn và nhĩ châm), “Từ châm” (Phương pháp dán nam châm lên huyệt để điều trị bệnh)...

Bên cạnh đó, ông đã hoàn thành nghiên cứu một số đề tài, như: “Cơ sở khoa học của phép xoay kim bổ, tả trong châm cứu”, “Phương pháp tính giờ châm cứu đúng theo mặt trời thực địa phương”, “Kết hợp Đông y-Tây y lập phương huyệt điều trị đau thần kinh hông”, “Kết hợp Tây y-Đông y giúp xác định vị trí và vận dụng thích hợp các huyệt chữa bệnh nhiệt của ngũ tạng”...

Đặc biệt, năm 2014 và 2015, ông đã tham gia giải pháp dự thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh, với đề tài: “Định vị huyệt trên loa tai theo giải phẫu giúp tinh giản phương huyệt và nâng cao hiệu quả điều trị” đạt giải và được UBND tỉnh Gia Lai tặng bằng khen, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng lao động sáng tạo. Mới đây, ông là một trong 95 thầy thuốc được xét chọn trong cả nước và vinh dự được Trung ương Hội Đông y Việt Nam tặng danh hiệu “Thầy thuốc Đông y tiêu biểu”-phần thưởng tinh thần cho những thầy thuốc Đông y có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của ngành Đông y Việt Nam qua 70 năm thành lập Hội Đông y Việt Nam (1946-2016).

Nhiều sẻ chia và trăn trở

 

 Lương y Nguyễn Ngữ (thứ 3 từ trái sang) được tặng danh hiệu “Thầy thuốc Đông y tiêu biểu”. Ảnh: T.N
Lương y Nguyễn Ngữ (thứ 3 từ trái sang) được tặng danh hiệu “Thầy thuốc Đông y tiêu biểu”. Ảnh: T.N

Tại Văn phòng Hội Đông y tỉnh Gia Lai-nơi Lương y Nguyễn Ngữ làm việc có phòng chẩn trị theo các phương pháp Đông y truyền thống. Tính từ năm 2013 đến nay, phòng đã khám và chữa được 9.790 lượt bệnh nhân, với 11.806 thang thuốc và số dược liệu đã dùng là 1.770 kg. Đồng thời, có 6.426 lượt người được chữa trị theo các phương pháp không dùng thuốc (châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt).

Trải lòng về chuyện nghề, ông cho biết: Một trong những bệnh thường gặp ở Gia Lai là: đau thắt lưng-hông do thoát vị đĩa đệm cột sống, thường gọi là đau thắt lưng, đau thần kinh hông hoặc đau thần kinh tọa, mà nguyên nhân chính là do thường lao động chân tay, mang vác, hay các hoạt động cơ thể theo tư thế không đúng... Theo ông, kết hợp Đông y-Tây y lập phương huyệt châm cứu điều trị bệnh đau thắt lưng-hông do thoát vị đĩa đệm cột sống sẽ đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, phương huyệt này sẽ hoàn toàn không có tác dụng nếu nguyên nhân đau thắt lưng-hông là do lao cột sống hoặc có u ở cột sống do nhiễm khuẩn vi trùng lao-Koch bacillus; khi đó phải điều trị theo Tây y. Do vậy, không thể so sánh hiệu quả giữa Đông y với Tây y, mà tùy theo từng căn bệnh và tính chất, mức độ khác nhau của bệnh mà chọn cách điều trị theo Đông y hoặc Tây y cho phù hợp.

“Để Đông y ngày càng khởi sắc và thu hút được nhiều người bệnh thì tuyến cơ sở-nơi gần dân nhất phải có thầy giỏi, phải có đủ thuốc tốt, để đạt hiệu quả điều trị cao, đủ sức thuyết phục người dân. Một trong các giải pháp đó là các bộ ngành liên quan ở Trung ương cần quan tâm chú trọng có chiến lược căn cơ, lâu dài về bảo vệ, nuôi trồng và sử dụng nguồn dược liệu trong nước, tích cực nghiên cứu và ứng dụng thuốc Nam. Đồng thời, sớm bãi bỏ các quy định bất lợi và ban hành kịp thời các quy định pháp lý thuận lợi cho việc nuôi, trồng, kinh doanh, phát triển nguồn dược liệu trong nước do người dân trồng và thu hoạch”-ông nhấn mạnh.

Về những dự định đang làm và sẽ làm, ông Ngữ cho biết: Ngoài khám-chữa bệnh và công tác của Hội, ông sẽ tiếp tục dành nhiều thời gian để dịch, chỉnh sửa và chú giải bộ sách Nội Kinh (Huỳnh Đế Tố vấn-Linh xu). Đây là bộ sách kinh điển của Đông y đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp mã số hàng đầu trong danh mục sách tham khảo, nhưng hiện ở nước ta vẫn chưa có được một bản dịch sâu, đầy đủ, chính xác và toàn diện. Đồng thời, ông sẽ cố gắng sớm hoàn thiện tập sách “Nền tảng khoa học của chữ thời trong Đông y châm cứu” và sẽ cho in ấn trong năm 2017. 

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm