(GLO)- Các loại rau xanh như xà lách, cải xanh, cải bó xôi, cải thảo, cải xoong, cải củ, cải chít, súp lơ xanh, bắp cải... do đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar sản xuất đang được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Ruộng rau của dân làng Brel, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai. Ảnh: Hoàng Minh |
Rau thường được bà con bày bán tại các chợ nông thôn, các ngả đường có đông người qua lại, nhưng nhiều nhất vẫn là các chợ thuộc vùng ven TP. Pleiku, như chợ: Thống Nhất, Hoa Lư, Chư Á, Bà Định, Chi Lăng... Vào thời điểm này, rau do đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar trồng có giá cao hơn hẳn rau thường cùng loại. "Sau Tết, dân làng mình bán rau đắt hơn nhưng vẫn có rất nhiều người đi tìm hỏi mua. Những ngày qua, nhiều người tới tận ruộng nhà mình hỏi mua rau nhưng mình không bán. Để bán được giá cao, mình thường xuyên chở rau ra tận chợ Bà Định để bán"-anh Puih Glê, ở làng Brel. xã Ia Dêr, huyện Ia Grai cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là nguồn rau được bà con gieo trồng chủ yếu trên những khu đất có nhiều ánh sáng mặt trời, cách xa các khu dân cư đông người. Trong quá trình làm đất, gieo trồng và chăm sóc rau, bà con làm bằng thủ công, chăm bón toàn phân hữu cơ, không sử dụng máy móc, không bón phân hóa học và không phun các loại thuốc hóa chất. Bởi vậy, rau thường có màu xanh đậm, cành lá dày dặn, không xanh tươi mơn mởn, không đồng đều và đẹp như rau trồng trong nhà kính nhưng an toàn, giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe.
Chợ Bà Định, phường Yên Đỗ, thành phố Pleiku. Ảnh: Hoàng Minh |
Không chỉ trồng rau để cải thiện bữa ăn, những năm gần đây, rất nhiều gia đình người Jrai, Bahnar còn trồng rau để bán ra thị trường. Ông A Khôl (làng Bông Phul, xã Chư Á, TP. Pleiku) kể: "Làng Bông Phul, làng Ia Tung, làng Phul, làng Wâu... đều có nhiều hộ trồng rau xanh. Nhờ trồng rau xanh mà bà con có thêm tiền làm nhà, mua sắm xe máy, ti vi, tủ lạnh. Ngoài ra, dân làng còn học tập người Kinh trồng các loại hoa để bán".
Cùng với việc trồng các loại rau xanh, những năm gần đây, bà con người Jrai, Bahnar còn tích cực học hỏi kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật trồng, chăm bón các loại cây ăn củ, ăn quả như: su hào, cà rốt, cà chua, khổ qua (mướp đắng), khoai môn, khoai lang, chuối, đu đủ... Các loại rau, củ, quả này đều là những loại cây ngắn ngày, rất thích hợp với thổ nhưỡng vùng Tây Nguyên. Cá biệt có người đã chuyển đổi việc trồng lúa trên những thân ruộng cao, không đảm bảo đủ nước tưới sang trồng các loại rau màu. Nhờ những việc làm thiết thực này mà bà con có thêm việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống.
Hoàng Minh