Phóng sự - Ký sự

Thiên nhiên cuồng nộ - Kỳ cuối: Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm lở đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nancy Pyatich, 23 tuổi, sinh viên năm thứ ba Đại học Moi (Kenya), may mắn sống sót trong trận sạt lở đất làm chết 35 người hôm 18-4-2020 tại ranh giới hai hạt West Pokot và Elgeyo-Marakwet.
 
Cứu người trong trận sạt lở đất hôm 18-4-2020 ở West Pokot/Elgeyo-Marakwet (Kenya) - Ảnh: sokodirectory.com
Cứu người trong trận sạt lở đất hôm 18-4-2020 ở West Pokot/Elgeyo-Marakwet (Kenya) - Ảnh: sokodirectory.com
4 giờ chiều hôm ấy, trời bắt đầu mưa. Cô đang ở trung tâm thương mại bất chợt nghe âm thanh khác lạ. Con sông vỡ bờ cuốn trôi nhà cửa. Nancy chỉ kịp leo lên cây. Không may khi đưa tay kéo đứa em út lên cây, cô rơi xuống và bị nước cuốn đi. Cô đập trán vào đá và bất tỉnh. 
Đến khi tỉnh lại, Nancy nhận ra chỉ còn đầu và tay chưa bị ngập trong bùn. Hơn hai ngày sau thảm kịch, cô nghe thấy tiếng người nên kêu cứu. Nancy và ba anh em cô sống sót trong khi nhiều người bị vùi chết trong bùn.
Không ai được phép gây nguy hiểm đến tính mạng người khác bằng cách xây dựng bừa bãi.
Kỹ sư ZOHMINGTHANGA
Lập bản đồ nguy cơ lở đất
Có nhiều yếu tố dẫn đến sạt lở đất. Đầu tiên là tính chất đất. Đất tơi xốp sẽ ít kết dính. Mặt đất gồm nhiều lớp không cùng tính chất thường có xu hướng trượt. Đất sét hoặc đất mịn bão hòa nước có khả năng trượt nhiều hơn. 
Kế đến là yếu tố nước. Khi mưa lớn, nước xâm nhập vào đất tạo lực đẩy thẳng đứng khiến địa hình mất ổn định. Khi lượng nước vào trong đất nhiều hơn lượng nước chảy ra từ đất, đất bị trượt. Đất quá khô cũng có thể mất liên kết, nứt nẻ và trượt. Đất bị xói mòn hoặc không có thảm thực vật (do phá rừng, cháy rừng, bão) dễ bị trượt hơn đất có cây.
Cuối cùng là hoạt động con người. Cơ sở hạ tầng hoặc nhà cửa được xây dựng trên triền dốc làm tăng tải trọng đè lên dốc có thể làm trượt đất. Phá rừng, tưới tiêu làm thay đổi hàm lượng nước trong đất, đô thị hóa khiến đất bị thấm nước, làm thay đổi dòng chảy của nước hoặc độ dốc đều là những yếu tố có thể dẫn đến sạt lở đất. Ngoài ra còn có hoạt động địa chấn.
Nói chung rất khó ngăn chặn lở đất xảy ra. Tuy nhiên, xét đến các yếu tố dẫn đến lở đất, các nhà khoa học có thể dự báo được rủi ro và xác định trước khu vực gặp rủi ro. Theo kinh nghiệm tại Ấn Độ, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, hệ thống giám sát và phân định các vùng dễ sạt lở có thể làm giảm thiệt hại do lở đất gây ra.
Cơ quan Khảo sát địa chất Ấn Độ (GSI) đã lập bản đồ quốc gia về nguy cơ sạt lở theo tỉ lệ 1:50.000. Các khu vực được chia thành nhiều vùng nguy cơ. TS Saibal Ghosh - giám đốc địa chất của GSI - giải thích với báo Business Standard (Ấn Độ): "Bản đồ tỉ lệ 1:50.000 này có thể được sử dụng trong quy hoạch sử dụng đất ở vùng đồi núi. Ví dụ không thể xây dựng cơ sở hạ tầng lớn tại các vùng có nguy cơ sạt lở đất cao".
Hiện nay, Aizawl - thủ phủ bang Mizoram - đang dẫn đầu các đô thị miền núi về dự báo nguy cơ lở đất. Hội đồng thành phố Aizawl đã thành lập một ủy ban nghiên cứu chính sách về sạt lở đất với sự tham gia của nhiều ban, ngành liên quan và các nhà khoa học. Hội đồng đã lập bản đồ nguy cơ lở đất tỉ lệ 1:5.000, ban hành nhiều quy định mới yêu cầu mọi hoạt động phát triển tại các khu vực có nguy cơ phải kèm theo báo cáo của chuyên gia địa chất hoặc kỹ sư địa kỹ thuật. 
Báo cáo sẽ thẩm định về đất và độ ổn định của mái dốc, tác động có thể xảy ra của công trình xây dựng và đề nghị các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Báo cáo được hội đồng đánh giá địa chất xem xét trước khi cấp phép xây dựng.
Kỹ sư Zohmingthanga làm việc cho Hội đồng thành phố Aizawl giải thích: "Chúng tôi đã xác định được 6 địa điểm nguy hiểm nhất về sạt lở đất và đang khảo sát thực tế. Mọi hoạt động xây dựng đều bị cấm trong các địa điểm này". 
Bang Kerala cũng đã xây dựng kế hoạch hành động mang tên "Xây dựng lại Kerala" chú trọng lập bản đồ phân vùng nguy cơ lở đất đến cấp thị trấn và cấp làng xã (panchayat) đồng thời sửa đổi các quy tắc xây dựng hiện hành.
 
Đóng ván gia cố cửa trước cơn bão Dorian ở Yabucoa (Puerto Rico, Mỹ) tháng 8-2019 - Ảnh: Reuters
Đóng ván gia cố cửa trước cơn bão Dorian ở Yabucoa (Puerto Rico, Mỹ) tháng 8-2019 - Ảnh: Reuters
Theo dõi lượng mưa và chuyển động của đất
Các dấu hiệu địa lý bất thường báo hiệu sạt lở sắp xảy ra. Các vết nứt mới, các chỗ phồng và chỗ lõm bất thường trên đất, cây cối, cột viễn thông hoặc tường chắn bị nghiêng, đất trượt khỏi nền móng, nước trên suối tăng đột ngột với nhiều bùn hoặc nước giảm lưu lượng trong khi trời mưa đều là những dấu hiệu cần lưu ý. Lượng mưa là chỉ số quan trọng hơn hết.
Tháng 7-2020, GSI bắt đầu thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm sạt lở đất (LEWS) tại các huyện Darjeeling (bang Tây Bengal) và Nilgiris (bang Tamil Nadu). Hệ thống căn cứ ngưỡng lượng mưa, tức lượng mưa mà mái dốc có thể giữ lại trước khi xảy ra lở đất. Nhờ vậy, vào tuần đầu tháng 8-2020 chính quyền huyện Nilgiris đã quyết định sơ tán khoảng 1.000 người khi mưa lớn.
Một số thử nghiệm khác sử dụng cảm biến chuyển động và máy đo mưa có thể phát cảnh báo thông qua tin nhắn SMS hoặc email. Đại học Amrita Vishwa Vidyapeetham (bang Tamil Nadu) đã bố trí hệ thống cảm biến đa chức năng giám sát lở đất và cảnh báo nhanh theo thời gian thực tại Munnar (bang Kerala) và Gangtok (bang Sikkim). 
Hệ thống được bố trí sâu trong đất tại 6 vị trí, phân tích lượng mưa, áp lực nước lỗ rỗng (áp lực nước ngầm giữ trong đất), các rung động, chuyển động và tính mất ổn định của độ dốc. TS Maneesha Sudheer - giám đốc Trung tâm Amrita về mạng không dây & ứng dụng (Đại học Amrita Vishwa Vidyapeetham) - cho biết: "Chúng tôi đã dự báo được các vụ lở đất ở Munnar hơn 13 tiếng trước khi thảm họa xảy ra hôm 7-8-2020".
Viện Công nghệ Ấn Độ Mandi (IIT Mandi) đã lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm dựa trên cảm biến chuyển động ở bề mặt tại 16 địa điểm ở hai bang Himachal Pradesh và Uttarakhand. Thiết bị thu thập các thông số về khí tượng, độ ẩm của đất, chuyển động của đất và cường độ mưa. Khi phát hiện đất dịch chuyển đáng kể có thể sạt lở, thiết bị sẽ phát cảnh báo. 
Năm 2018, thiết bị đã cảnh báo thành công một trận lở đất sắp xảy ra trên đường cao tốc Mandi-Joginder Nagar. Các cảnh sát đã kịp thời quay đầu xe trước khi xe bị vùi lấp.
Người Mỹ làm gì để chống bão?
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo người dân:
- Lên kế hoạch trước: Viết các số điện thoại khẩn cấp trên tủ lạnh hoặc gần điện thoại bàn, lưu trong điện thoại di động. Chuẩn bị bộ dụng cụ cấp cứu. Xác định nơi trú ẩn gần nhất và các tuyến đường đi từ nhà đến nơi trú ẩn. Xác định nơi trú ẩn dành cho vật nuôi. Trao đổi kế hoạch khẩn cấp với gia đình. Gọi cho bệnh viện, cơ quan y tế hoặc cảnh sát khi có nhu cầu đặc biệt, có người lớn tuổi hoặc bị khuyết tật.
- Chuẩn bị dự trữ: Nước và thực phẩm, thuốc men, nguồn điện khẩn cấp như đèn pin và pin dự phòng, tài liệu quan trọng (bệnh án, di chúc, hộ chiếu, giấy tờ tùy thân...), bình chữa cháy…
- Chú ý cảnh báo bão: Thường xuyên theo dõi thông tin dự báo thời tiết trên truyền hình, đài phát thanh hoặc trên Internet.
- Chuẩn bị xe: Bảo đảm xe luôn sẵn sàng. Đổ đầy xăng. Dời xe vào nhà xe hoặc dưới mái che. Luôn để bộ dụng cụ cấp cứu trong xe. Người không có xe nên bàn tính với bạn bè, gia đình hoặc gọi cho cơ quan chức năng về kế hoạch di chuyển khi cần sơ tán.
- Chuẩn bị nhà cửa: Dọn sạch sân, bảo đảm không có vật gì có thể bị thổi bay trong bão. Lấy ván đóng đinh vào bên ngoài cửa. Cúp điện nếu thấy lũ lụt, đường dây điện bị sập hoặc sơ tán. Đổ đầy nước uống vào thùng chứa và nước trong bồn tắm, chậu rửa.
- Sẵn sàng sơ tán hoặc ở lại nhà: Lắng nghe cơ quan chức năng về việc nên sơ tán hay ở lại nhà. Nếu cần sơ tán, mang theo bộ dụng cụ cấp cứu và những thứ thực sự cần (điện thoại, bộ sạc, thuốc, giấy tờ tùy thân, tiền bạc). Rút phích cắm, tắt gas, điện, nước. Đi tuyến đường cơ quan cấp cứu đề nghị. Không lái xe qua khu vực ngập nước…
Nếu ở lại nhà, để bộ dụng cụ cấp cứu gần tầm tay, cập nhật thông tin bão. Không ra ngoài đến khi có thông báo hết bão. Tránh xa cửa sổ. Ở trong phòng không có cửa sổ hoặc phòng kín…
HOÀNG DUY LONG (TTO)

Có thể bạn quan tâm