Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Thiêng liêng lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đồn Tú Thủy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 20-12, tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Tú Thủy (thôn Tú Thủy, xã Tú An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức trọng thể lễ viếng, lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đồn Tú Thủy vào ngày 14-3-1947.  
Dự lễ truy điệu có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang; lãnh đạo các huyện, thị xã cùng đông đảo nhân dân An Khê.
Đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dâng hoa tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Ngọc Minh
Đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dâng hoa tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Ngọc Minh
Bản anh hùng ca bất diệt
Tháng 6-1946, Pleiku thất thủ, quân Pháp chiếm đóng hầu hết các vị trí chiến lược ở Gia Lai. Đầu năm 1947, chúng xây dựng nhiều đồn bốt ở vị trí chiến lược tại khu vực An Khê-nơi tiếp giáp với Bình Định. Trong đó, đồn Tú Thủy được xây dựng kiên cố, án ngữ và kiểm soát vùng cửa ngõ An Khê đi căn cứ Đình Quang, Vĩnh Thạnh (Bình Định) của ta. Với thành cao, hào sâu và nhiều vũ khí hiện đại, quân Pháp tự tin Việt Minh không dám đánh đồn Tú Thủy.
Trước đó, ngày 30-10-1945, Chi đội Vi Dân gồm ba trung đội (khoảng 400 người, trong đó có 10 nữ chiến sĩ) từ Bắc lên đường vào Nam. Khi đến Quảng Ngãi, Chi đội được Ủy ban kháng chiến miền Nam chia thành ba hướng: hướng Pleiku, hướng Buôn Ma Thuột và hướng Phú Yên.
Trung đoàn trưởng Vi Dân (tên thật là Nguyễn Văn Trợ) được phân công phụ trách hướng Pleiku với nhiệm vụ cấp thiết là triệt hạ đồn Tú Thủy. Trước trận đánh, đồng chí Vi Dân cử cán bộ đi các làng đồng bào vận động nhân dân thực hiện vườn không nhà trống, đồng cam cộng khổ cùng với người dân; lập đội quyết tử gồm 20 người và 3 đội xung phong từ các chiến sĩ của Trung đoàn 95.
Rạng sáng 14-3-1947, Trung đoàn trưởng Vi Dân tổ chức lễ tuyên thệ với lời thề: Với tinh thần quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh, chúng ta thề lấy bằng được đồn trước khi trời sáng. Nếu không lấy được đồn, Vi Dân này xin lấy đầu mình để lại…
Trong trận đánh này, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 95 và lực lượng địa phương chiến đấu ngoan cường, nhưng trước vũ khí hiện đại tối tân của quân Pháp, quân, dân ta hy sinh rất nhiều, trong đó có cả Trung đoàn trưởng Vi Dân. Tại khu vực đồn Tú Thủy, quân Pháp đã gom những người hy sinh, đào hố chôn chung một mộ. 
Ghi nhớ công ơn các liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, năm 1990, huyện An Khê (nay là thị xã An Khê) đã xây dựng Đài tượng niệm các Anh hùng liệt sĩ Tú Thủy, ngay vị trí đồn Tú Thủy xưa. Năm 2018, được sự quan tâm đầu tư của cấp trên và nhân dân hiến đất, thị xã An Khê xây dựng Nhà tưởng niệm bên cạnh Đài tượng niệm với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng. 
Đời đời ghi nhớ công ơn
Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai trang trọng tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu liệt sỹ hy sinh trong trận đánh đồn Tú Thủy vào ngày 14-3-1947. Ảnh: Ngọc Minh
Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai trang trọng tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu liệt sỹ hy sinh trong trận đánh đồn Tú Thủy vào ngày 14-3-1947. Ảnh: Ngọc Minh
Đúng 8 giờ 30 phút, lễ viếng, lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đồn Tú Thủy được bắt đầu. Trong giờ phút thiêng liêng đầy xúc động, các đại biểu đã kính cẩn dâng hoa, dâng hương lên Đài tưởng niệm Tú Thủy; dành một phút mặc niệm tưởng nhớ anh linh các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, để đất nước ta được trường tồn, độc lập, tự do.
Đọc điếu văn tại buổi lễ, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Phó Ban chỉ đạo 515 tỉnh-Trần Thị Hoài Thanh nhấn mạnh: Trận đánh Đồn Tú Thủy là một bản anh hùng ca bất diệt về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng dũng cảm, hy sinh của các chiến sĩ cách mạng, của quân và dân ta. Sự hy sinh cao quý của các liệt sĩ luôn sống mãi trong trái tim, khối óc của các thế hệ người Việt Nam, để hôm nay và mãi mãi về sau dân tộc Việt Nam muôn đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ.
Tham dự lễ viếng, truy điệu, rất đông người dân và đặc biệt là sự có mặt của thân nhân các Anh hùng liệt sĩ. Ông Tiêu Văn Nông (TP. Buôn Ma Thuật, tỉnh Đak Lak)-con trai liệt sĩ Tiêu Hoa (Liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đồn Tú Thủy năm 1947) cho hay: Từ khi hay tin ngành chức năng và thị xã An Khê tìm thấy ngôi mộ chung các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đồn Tú Thủy, gia đình nhiều lần tổ chức xuống thắp nhang. Hôm nay, biết được tỉnh Gia Lai tổ chức lễ truy điệu, tôi cùng con cháu đi từ sáng sớm để kịp tham dự. Dù không cất bốc được hài cốt cha đưa về với tổ tiên song khi thấy tỉnh Gia Lai quan tâm đầu tư, tôn tạo khu vực này khang trang, gia đình cảm thấy rất phấn khởi và cầu mong cho hương linh của cha và các đồng đội của ông được yên nghỉ”.   
Đông đảo cán bộ, nhân dân thị xã An Khê đến dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Ngọc Minh
Đông đảo cán bộ, nhân dân thị xã An Khê đến dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Ngọc Minh
Đại diện cho thế hệ trẻ An Khê, anh Võ Anh Tài-Bí thư Thị đoàn An Khê chia sẻ: Chúng tôi thế hệ trẻ An Khê hôm nay cảm thấy rất tự hào trước thế hệ cha anh đi trước. Chúng tôi sẽ hướng cho các đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là các em thiếu niên nhi đồng đến với những địa chỉ đỏ như tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Tú Thủy để các em được nghe về những chiến công, sự hy sinh anh dũng của các Anh hùng Liệt sỹ. Qua đó, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, xung kích tình nguyện của thế hệ trẻ để tiếp tục xây dựng quê hương An Khê ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh của các bậc cha ông”.
Trước đó, được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân thị xã An Khê, ngày 3-7-2019, Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) đã tìm thấy mộ chôn chung các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đồn Tú Thủy. Mộ được tìm thấy trong ruộng mía, gần Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Tú Thủy. Đây cũng là vị trí đồn Tú Thủy xưa. Trong mộ, ngành chức năng phát hiện có rất nhiều xương, răng và 2 chiếc mũ mục nát, lẫn trong đất cát.
Đông đảo nhân dân và thế hệ trẻ An Khê đến dâng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Tú Thủy. Ảnh: Ngọc Minh
Đông đảo nhân dân và thế hệ trẻ An Khê đến dâng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Tú Thủy. Ảnh: Ngọc Minh
Tại vị trí phát hiện mộ, thị xã An Khê đã tiến hành xây cất ngôi mộ chung các liệt sĩ, để đời đời cháu con ghi tạc công ơn.        
Tối ngày 19-12, tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Tú Thủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã trang trọng tổ chức lễ cầu siêu anh linh các anh hùng, liệt sĩ. 
Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm