Thiếu kinh phí để chống lao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lâu nay, mạng lưới phòng-chống lao được đánh giá là một hệ thống “chân rết” hoạt động có chất lượng và hiệu quả, qua đó đã phát hiện và điều trị kịp thời cho hàng ngàn bệnh nhân. Tuy nhiên, do hạn chế về kinh phí, 6 tháng đầu năm 2013, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai vẫn chưa thực hiện được đợt giám sát nào nhằm kiểm tra, đôn đốc nâng cao hiệu quả chương trình phòng-chống lao ở tuyến cơ sở.

Chính về thế, bệnh nhân lao phát hiện mới cũng như tỷ lệ bệnh nhân lao được điều trị khỏi đạt kết quả không như mong muốn. Bác sĩ Mai Minh Hiền-Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai-cho biết: Hoạt động khám, điều trị bệnh lao trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 trên địa bàn toàn tỉnh đang có chiều hướng đi xuống.

 

Bị giới hạn về kinh phí nên những hoạt động như thế này không thường xuyên diễn ra. Ảnh: M.T
Bị giới hạn về kinh phí nên những hoạt động như thế này không thường xuyên diễn ra. Ảnh: M.T

Một số huyện có tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi AFB dương tính mới đạt dưới 85% (quy định của Chương trình phòng-chống lao quốc gia là 85%).

Nguyên nhân khiến tỷ lệ này có xu hướng giảm là do hoạt động giám sát từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến xã, từ xã đến bệnh nhân không được thực hiện thường xuyên. Tuyến tỉnh mặc dù đã xây dựng kế hoạch giám sát những huyện có tỷ lệ điều trị khỏi thấp nhằm tìm biện pháp khắc phục, nhưng kinh phí cho hoạt động này hiện đang là vấn đề nan giải.

Theo bác sĩ Hiền, cùng với việc xây dựng kinh phí cho hoạt động phòng- chống lao, bệnh viện vẫn xây dựng kinh phí cho hoạt động chỉ đạo tuyến; tuy nhiên UBND tỉnh chỉ giao kinh phí theo giường bệnh nên hoạt động chỉ đạo tuyến không được Sở Tài chính thông qua, do chi không đúng mục đích.

Trước đây, khi còn được hỗ trợ kinh phí của dự án phòng-chống lao quốc gia thì bệnh viện vẫn triển khai tốt các hoạt động kiểm tra, giám sát tuyến huyện, nhưng từ năm 2012 đến nay nguồn quỹ này không còn. Chính vì vậy, nếu không được tháo gỡ “nút thắt” kinh phí này, hoạt động của chương trình phòng-chống lao trên địa bàn tỉnh Gia Lai sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

“Mỗi năm đến giờ này ít nhất bệnh viện đã tổ chức giám sát đợt II rồi, khám cộng đồng ít nhất được 3-4 đợt. Nhưng từ đầu năm đến giờ cứ “lình xình” không ra khỏi được cơ quan, chủ yếu là số lượng bệnh nhân tự tìm đến, có bao nhiêu thì điều trị bấy nhiêu. Công tác giám sát rất quan trọng, bởi nếu có tăng cường giám sát thì chương trình phòng-chống lao ở tuyến cơ sở mới hoạt động mạnh lên được, nhưng vấn đề hiện nay là… kinh phí”-bác sĩ Hiền trăn trở.

Trong khi đó, từ nhiều năm nay, mạng lưới phòng-chống lao được xây dựng từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến xã và tận thôn, buôn đã và đang hoạt động rất hiệu quả. Ngoài 2 tổ chống lao ở Trại giam Gia Trung (huyện Mang Yang) và Bệnh viện Quân y 211 thì hiện nay 17 huyện, thị xã, thành phố đều có tổ chống lao, mỗi tổ tối thiểu là 3 người, mỗi xã có 1 cán bộ phụ trách chương trình chống lao có nhiệm vụ giới thiệu bệnh nhân lên tuyến trên làm xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân tại tuyến cơ sở, đồng thời làm công tác truyền thông giáo dục sức khỏe. Số bệnh nhân lao ở tuyến y tế cơ sở được chuyển lên tuyến trên nhiều hơn nhờ sự hoạt động đồng bộ và có hiệu quả từ tỉnh đến huyện, xã. Trong năm 2012, tổng số bệnh nhân lao phát hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai là 690 bệnh nhân thì có trên 50% bệnh nhân do các tuyến huyện phát hiện và chuyển lên.

“Nếu không thường xuyên kiểm tra, giám sát sẽ dẫn đến tỷ lệ điều trị khỏi bệnh đạt thấp, phát hiện bệnh thường muộn, điều trị khó khỏi hoặc dễ bị kháng thuốc, đó là nguồn lây chính cho cộng đồng và cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị cao”-bác sĩ Hiền cho biết thêm.

Tạm tính trong 6 tháng đầu năm 2013, bệnh viện đã thu nhận được 331 bệnh nhân, trong đó, số bệnh nhân lao phổi AFB dương tính là 189 bệnh nhân (phát hiện mới 181 bệnh nhân), điều trị khỏi 126 bệnh nhân. Điều đáng chú ý là số bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV đang có xu hướng tăng, đã phát hiện 6 trường hợp có xét nghiệm HIV dương tính. Tuy nhiên, số ca phát hiện còn thấp hơn so với con số ước tính, chứng tỏ một lượng lớn bệnh nhân lao còn tiềm ẩn trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị.

Được biết, ngày 30-5-2013, đoàn giám sát chương trình chống lao thuộc chương trình phòng-chống lao quốc gia (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương) đã có cuộc làm việc với Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai nhằm đánh giá chất lượng hoạt động Chương trình chống lao, qua đó có những phương hướng, kế hoạch cho những năm tới. Trước những khó khăn của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai hiện nay, đoàn giám sát cho biết sẽ ghi nhận và có ý kiến, kiến nghị nhằm tháo gỡ những vướng mắc về kinh phí để hoạt động giám sát được triển khai, đáp ứng tốt cho hoạt động phòng-chống lao của tỉnh Gia Lai trong thời gian tới.

Minh Triều

Có thể bạn quan tâm