Thời sự - Bình luận

Thiếu trường hay thiếu quan tâm!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cách đây vài ngày, trong buổi làm việc với UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai kiến nghị thu hồi 7 lô đất đã giao cho doanh nghiệp nhưng không được đầu tư, bỏ hoang hóa nhiều năm để xây trường học.

Tại địa phương này, phòng học thiếu nghiêm trọng, không thể thực hiện tốt các chương trình giáo dục được giao. Đại diện phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cũng cho biết những năm qua, phường luôn thiếu phòng học nhưng nơi đây có tới 85 lô chung cư. Trong khi đó, 12 lô đất dành để xây trường lại bị bỏ hoang, cho thuê giữ xe.

TP Đà Nẵng đã rất mạnh tay với tình trạng này. Những năm qua, chính quyền địa phương đã thu hồi hàng chục khu đất mà các doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả để xây trường học. Danh sách các khu đất được thu hồi sẽ còn tiếp tục để phục vụ mục tiêu dân sinh.

Tựu trường đã gần 1 tháng nhưng tình trạng thiếu phòng học diễn ra ở hầu hết các địa phương. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong vòng 6 năm qua, số học sinh phổ thông đã tăng hơn 2,5 triệu em. Trong khi đó, số trường lớp không tăng tương ứng. Ngay đầu năm học 2022-2023, các địa phương đã báo cáo tình trạng tăng sĩ số học sinh và phải học dồn vì thiếu phòng học. Ngay tại TP HCM, số học sinh tăng thêm là gần 22.000 em. Thành phố cấp tốc đưa vào sử dụng 575 phòng học mới. Tại TP Hà Nội, nhiều trường tiểu học ở nội thành có sĩ số hơn 50 học sinh/lớp, thậm chí có nơi 60 em/lớp, vượt quá xa so với quy định.

Ngay lễ khai giảng vừa qua, chúng ta có thể thấy nhiều ngôi trường khang trang nhưng cũng không thiếu các ngôi trường mái tôn vách ván, tuềnh toàng nền đất ở khá nhiều địa phương vùng xa. Nhiều nơi để học sinh có chỗ ngồi, phụ huynh phải đóng tiền mua bàn ghế.

Thực sự các địa phương thiếu thốn đến nỗi không chăm lo chu đáo cho giáo dục?

Chắc hẳn là không phải. Xây dựng trường để đủ chỗ cho học sinh không hề quá sức của địa phương. Theo quy định của Luật Giáo dục 2019, ngân sách nhà nước phải dành 20% chi thường xuyên cho giáo dục. Con số này rất lớn, nhưng vấn đề là chi như thế nào mà ngành giáo dục luôn gặp những khó khăn về trường lớp, thiết bị; chênh lệch về điều kiện vật chất giữa nông thôn - thành thị, giữa các địa phương ngày càng lớn. Đầu tư cho giáo dục thành công lớn nhất ở chỗ tạo điều kiện tối đa để mọi học sinh đều được hưởng thành quả, chứ không thể lấy thành tích và sự vượt trội của một vài trường, vài địa phương làm thước đo. Mọi đứa trẻ đều có năng lực thiên phú nên cần phải công bằng trong sự hấp thụ nền giáo dục tiên tiến. Không làm được toàn diện thì các nhà quản lý phải làm tốt nhất trong điều kiện có thể.

Lý do mà một số địa phương cho rằng không có đất và không có kinh phí xây trường học là không thể chấp nhận được trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là các địa phương có nguồn thu lớn. Câu chuyện tại quận Hoàng Mai đang xảy ra ở khá nhiều địa phương. Rất nhiều đất đai được giao cho doanh nghiệp nhưng bị hoang phế, trong khi nhu cầu về trường lớp tăng qua từng năm nhưng không được ưu tiên xây dựng.

Đã xác định giáo dục là quốc sách mà chưa xây đủ trường học là có lỗi với thế hệ trẻ, nhất là trong điều kiện kinh tế phát triển như hiện nay.

Theo Gia Khang (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm