Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Thơm nồi nước xông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mưa. Mẹ ngó ra ngoài trời xám xịt bảo: “Áp thấp đấy, chắc phải mưa đến dăm hôm”. Chị gái đi ship hàng về, vừa cởi áo mưa ra treo vừa hắt xì liền mấy cái. Mẹ liền nhắc lau cho khô người kẻo cảm lạnh, mưa gió thế này mà cứ đi thế ốm thì khổ. Chị nói: “Mưa thế này người ta lười đi mua hàng nên mình mới phải ship, có ship thì mới giữ được khách chứ mẹ. Mà con đau đầu quá, chắc cảm rồi. Giờ mà có nồi nước lá xông là đã nhất”.
Mẹ nhìn trời rồi lui cui đội nón đi hái lá bạch đàn. Cây bạch đàn ở ngay bên trường mẹ dạy, chỉ đi tầm vài chục bước là tới. Mẹ bảo lá bạch đàn có nhiều tinh dầu thơm, xua được bệnh cảm. Thế nên lần nào nấu nước xông, mẹ cũng phải tìm được vài nắm lá bạch đàn.
Ngoài lá bạch đàn phải đi kiếm, còn lại lá sả, lá chanh, lá bưởi, hương nhu… có sẵn trong vườn, chỉ cần đảo một vòng là đã có một rổ lá thơm. Rồi lại thêm một đỗi lục cục, mẹ lục trên giàn bếp ra những vỏ bưởi, vỏ cam đã hong khô rồi đem rửa sạch cho vào cái xoong nhôm chỉ dùng riêng cho việc nấu nước xông. Xong đâu đấy, mẹ mới bắt đầu nhóm bếp. Mặc dầu nhà có bếp gas nhưng mẹ vẫn muốn có thêm một cái bếp củi để nấu nước, hầm đồ ăn hay luộc khoai, luộc bắp. Bố chiều lòng mẹ làm thêm một chái bếp nhỏ sau nhà. Bếp bắt đầu đỏ lửa, mẹ lại te tái đi tìm nhánh gừng để đập dập cho vào nồi nước. Mẹ bảo gừng ấm, xua được tính hàn của người cảm lạnh. Có phải vì những tỉ mẩn riêng rẽ thế không mà nồi nước lá xông của mẹ bao giờ cũng rất thơm và hiệu nghiệm.
Minh họa: Thủy Ngọc
Mùi thơm bắt đầu bốc lên theo khói khi nồi nước lá sôi lục bục, mẹ khều lửa cho liu riu lại như kho cá chứ không để nước sôi bùng lên. Lúc này, nước chỉ cần giữ nguyên nhiệt độ sôi để rút hết các chất tinh dầu của lá. Mẹ lại vội vàng lên phòng, đóng kín các cửa, trải một tờ báo hay miếng bìa cứng vào giữa giường, lấy chăn, khăn bông ra để sẵn rồi gọi chị vào phòng chuẩn bị xông. Tôi ít khi bị cảm, nhưng lần nào bị cảm lạnh do đi mưa hay gió rét về, chỉ cần một nồi nước xông của mẹ mọi mỏi mệt đều bay biến. Người ốm chỉ cần ngồi trùm chăn với nồi nước lá, mở lệch vung dần cho hơi nóng thoát ra, không nên hấp tấp mở hết vung ra vì hơi nóng có thể làm bỏng người. Cách xông gần như người Nhật tắm hơi, cứ mồ hôi ra thì lại chậm khăn, hơi ấm ít dần thì lấy đũa để đảo lá lên. Mồ hôi thoát ra được hết thì lau khô người rồi ủ ấm lại. Sau khi xông, chỉ cần nằm ngủ một giấc, dậy thấy mẹ đã chuẩn bị sẵn tô cháo trứng hay cháo thịt bằm là cảm giác khỏe khoắn đã trở lại.
Chỉ là một nồi nước lá, ai ốm thì được xông. Còn những đứa không ốm đau thể nào cũng được mẹ lấy nồi nước xông ra pha cho tắm. Cái mùi hương của nồi nước lá ấy khiến người tắm cũng nhẹ nhõm đôi phần. Chị gái bảo, chỉ có mẹ nấu nồi nước lá mới đủ mùi đủ vị để đánh bay cơn cảm lạnh. Chứ chị ở phố, mua sẵn mớ lá vẫn chả thấy đủ vị, đủ mùi. Dường như nồi nước lá xông của mẹ có cả mùi khói, có cả sự lo lắng yêu thương gửi vào trong đó nên chỉ cần nhắm mắt lại là cơn bệnh sẽ phải lùi xa…
LÊ THỊ KIM SƠN

Có thể bạn quan tâm