Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Thu hồi công cụ hỗ trợ trong doanh nghiệp nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo quy định mới, một số doanh nghiệp, tổ chức trước đây được trang bị các loại công cụ hỗ trợ thì nay không nằm trong danh mục được quản lý, sử dụng. Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Công an tỉnh) đang rà soát, thu hồi công cụ hỗ trợ ở các đơn vị này. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đơn vị cũng gặp phải không ít khó khăn.
Năm 2013, anh Lê Viết Chín-Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) được cơ quan chức năng cấp giấy phép sử dụng khẩu súng bắn đạn cao su để bảo vệ doanh nghiệp, áp tải xe chở hàng nông sản. Hiện nay, theo quy định mới của pháp luật, doanh nghiệp Phú Lợi không thuộc diện được trang bị công cụ hỗ trợ. Vì vậy, ngày 7-5-2020, anh Chín đã tự nguyện giao nộp khẩu súng cho cơ quan Công an. Anh cho biết: “Công cụ hỗ trợ này không thể lưu giữ trong doanh nghiệp vì nó có thể dẫn đến hậu quả không thể lường trước được”.
Từ ngày 16-4 đến 30-7-2020, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội tổ chức đợt tổng kiểm tra công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài ngành trên toàn tỉnh. Theo đó, đơn vị tiến hành kiểm tra thực tế từng danh mục vũ khí, công cụ hỗ trợ và các loại giấy phép, giấy chứng nhận liên quan, đồng thời thu hồi các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ bị hư hỏng hoặc không thuộc diện trang bị theo quy định mới của pháp luật. Đến nay, đơn vị đã kiểm tra 23 tổ chức, doanh nghiệp; vận động 13 doanh nghiệp giao nộp công cụ hỗ trợ, qua đó thu hồi 18 khẩu súng bắn đạn cao su, 5 roi điện, 1 bình xịt hơi cay.  
Cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Công an tỉnh) kiểm tra công cụ hỗ trợ thu hồi tại các doanh nghiệp. Ảnh: T.T
Cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Công an tỉnh) kiểm tra công cụ hỗ trợ thu hồi tại các doanh nghiệp. Ảnh: T.T
Việc kiểm tra, thu hồi vũ khí, công cụ hỗ trợ tại các cơ quan, doanh nghiệp ngoài ngành là một trong những biện pháp nhằm tránh để các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ thất lạc, trôi nổi ngoài xã hội, gây mất an ninh trật tự. Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị chấp hành tốt quy định của pháp luật, tự nguyện giao nộp công cụ hỗ trợ thì vẫn còn một số người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp chưa hợp tác, gây khó khăn cho lực lượng Công an. Thượng tá Chu Kiến Trúc-Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội-cho biết: “Trong quá trình kiểm tra, thu hồi, một số đơn vị không hợp tác giao nộp với lý do là tài sản của doanh nghiệp. Một số cơ quan, đơn vị, tổ chức đã giải thể, sáp nhập, chuyển địa điểm, thay đổi người đứng đầu có trách nhiệm trong công tác này nên cần thời gian để thông tin, trao đổi… Đối với các trường hợp này, chúng tôi lập danh sách và có kế hoạch tìm kiếm, thu hồi, xử lý số công cụ hỗ trợ, không để rơi rớt, trôi nổi ra ngoài xã hội. Theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ ngày 1-7-2018, các tổ chức, doanh nghiệp nay không thuộc diện được trang bị công cụ hỗ trợ thì số công cụ hỗ trợ trước đây sẽ không được tiếp tục cấp giấy phép sử dụng, không trong diện quản lý. Nếu các cơ quan, đơn vị làm mất, thất lạc hoặc cố ý sử dụng công cụ hỗ trợ không có giấy phép thì chúng tôi sẽ đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật”.
Khoản 1, Điều 10, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định: Vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trang bị cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thu hồi trong trường hợp sau đây:
- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp giải thể, chuyển đổi, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập;
- Vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ không còn nhu cầu sử dụng, hết hạn sử dụng hoặc không còn khả năng sử dụng;
- Không thuộc đối tượng được trang bị theo quy định của luật này.
THÚY TRINH

Có thể bạn quan tâm