Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Thu hồi đất bị lấn chiếm và trồng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
* Kỳ 1: Lấn chiếm nhiều, thu hồi khó
(GLO)- Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Gia Lai đã quyết liệt triển khai công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển sang trồng cây phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Tuy nhiên, trong thực tế, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên kết quả chưa cao. Để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và trồng rừng trong thời gian tới đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.   
Thời gian qua, công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm đã được cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai thực hiện và bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các địa phương, đơn vị chủ rừng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn chưa được ngăn chặn triệt để khiến cho công tác thu hồi đất rừng càng trở nên gian nan.
Đất rừng vẫn bị lấn chiếm
Những tháng đầu năm 2019, huyện Ia Grai là một trong những điểm nóng về tình trạng người dân phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy. Cụ thể, vào giữa tháng 1, trong quá trình tuần tra kiểm soát, Đồn Biên phòng Ia Chía phát hiện tại lô 9, khoảnh 5, tiểu khu 369 thuộc lâm phần Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Grai quản lý có nhiều cây gỗ bị chặt phá. Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng phát hiện có 6 vị trí cây rừng bị chặt phá với tổng diện tích thiệt hại gần 5 ha thuộc quy hoạch rừng phòng hộ. Diện tích rừng này bị 6 đối tượng ở làng Bi (xã Ia O, huyện Ia Grai) phá để lấy đất làm rẫy. Ngày 15-3, Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai ra quyết định khởi tố vụ án hủy hoại rừng và chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Cơ quan chức năng kiểm tra thực tế vụ phá rừng làm rẫy tại xã Ia Mơr (huyện Chư Prông). Ảnh: Q.T
Cơ quan chức năng kiểm tra thực tế vụ phá rừng làm rẫy tại xã Ia Mơr (huyện Chư Prông). Ảnh: Q.T
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai, từ đầu năm 2019 đến nay, riêng tại tiểu khu 344 rừng vành đai biên giới xã Ia O, cơ quan chức năng phát hiện 3 vụ phá rừng làm rẫy với tổng diện tích rừng bị phá là 2,7 ha. Các vụ phá rừng này đều đã bị cơ quan chức năng lập biên bản xử lý. Ông Lâm Văn Long-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai-cho biết: Phần lớn người dân lấn chiếm, phá rừng làm rẫy là người dân tộc thiểu số có rẫy nằm đan xen trong rừng. Trong khi đó, lực lượng Kiểm lâm, các Ban Quản lý Rừng phòng hộ thì quá mỏng, địa bàn lại rộng lớn, địa hình đồi núi… nên rất khó trong quản lý, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng này.
Tại huyện Chư Prông, tình trạng phá rừng làm rẫy cũng diễn biến khá phức tạp. Trong 2 ngày (24 và 25-2), cơ quan chức năng huyện Chư Prông phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiến hành kiểm tra một số khu vực trên địa bàn xã Ia Mơr và phát hiện nhiều điểm phá rừng với tổng diện tích hơn 7,3 ha. Cụ thể, tại lô 5, khoảnh 10, tiểu khu 1012 lâm phần do UBND xã Ia Mơr quản lý, 2 đơn vị đã phát hiện 5 vị trí thuộc rừng sản xuất bị phá với diện tích hơn 6,6 ha (đây là khu vực nằm trong quy hoạch vùng tưới công trình thủy lợi Ia Mơr). Còn tại lâm phần do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Mơr quản lý có 2 vị trí bị phá với tổng diện tích hơn 0,7 ha. Tại các vị trí phát hiện, toàn bộ cây rừng có đường kính 10-25 cm đều bị chặt, cưa hạ gom thành đống để đốt lấy đất sản xuất. Theo UBND huyện Chư Prông, cuối năm 2018, huyện đã chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng cho một số hộ dân có diện tích đất rẫy thuộc khu vực công trình thủy lợi Ia Mơr. Nhưng sau đó, một số hộ dân lại tiếp tục phá rừng làm rẫy với mục đích sẽ tiếp tục nhận được tiền đền bù khi khu tưới của thủy lợi Ia Mơr đi vào hoạt động.
Không chỉ huyện Ia Grai và Chư Prông, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy còn diễn ra ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Tại huyện Ia Pa, vào tháng 4-2019, cơ quan chức năng đã phát hiện vụ phá rừng làm rẫy với diện tích hơn 4 ha thuộc lâm phần Ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư Mố quản lý. Trước đó, vào tháng 3-2019, tại tiểu khu 578 thuộc lâm phần Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kon Chiêng (huyện Mang Yang), cơ quan chức năng cũng đã phát hiện 1 vụ phá rừng làm rẫy với diện tích hơn 0,5 ha.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chỉ trong năm 2018, lực lượng chức năng đã phát hiện 39 vụ phá rừng làm rẫy trên địa bàn toàn tỉnh, gây thiệt hại hơn 26 ha rừng. So với năm 2017, số vụ phá rừng làm rẫy giảm nhưng diện tích rừng bị thiệt hại lại tăng (giảm 6 vụ, tăng hơn 7,7 ha).
Khó thu hồi
Không chỉ gặp khó trong việc ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy, các địa phương, đơn vị chủ rừng cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển sang trồng rừng. Một trong những vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải là số liệu giữa Kế hoạch số 1123/KH-UBND của UBND tỉnh về tổ chức thu hồi diện tích rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng với Nghị quyết số 100/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 có sự chênh lệch rất lớn. Bên cạnh đó, trong quá trình thống kê, diện tích đất rừng phải thu hồi của các địa phương có sai số lớn do các công ty lâm nghiệp, các Ban Quản lý Rừng phòng hộ không báo cáo. Ngoài ra, các chủ rừng chưa nhận bàn giao mốc ranh giới trên thực địa kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng nên việc xác định vị trí đất rừng bị lấn chiếm giữa thực địa so với bản đồ còn gặp khó khăn.
 Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra việc triển khai thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển sang cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng tại huyện Kông Chro. Ảnh: Quang Tấn
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra việc triển khai thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển sang cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng tại huyện Kông Chro. Ảnh: Quang Tấn

Hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp theo Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 7-12-2017 của HĐND tỉnh điều chỉnh, quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 là hơn 741.253,5 ha. Đến nay, diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao cho các đơn vị, tổ chức quản lý (gồm 22 Ban Quản lý Rừng phòng hộ, 11 Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp và 2 Ban Quản lý Rừng đặc dụng, doanh nghiệp ngoài nhà nước, lực lượng vũ trang, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, các tổ chức khác) là hơn 501.120 ha; diện tích do UBND các xã quản lý gần 236.227 ha.


Cũng theo thống kê, hiện nay, cả 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều chưa ban hành quyết định thu hồi đất rừng bị lấn chiếm mà chủ yếu mới dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện kê khai đất lấn chiếm. Do vậy, diện tích thu hồi không cao. Tại huyện Kông Chro, trong 2 năm (2017-2018), UBND các xã mới triển khai thu hồi được 854,86 ha, đạt 56,63% kế hoạch tỉnh giao. Riêng các Công ty Lâm nghiệp trên địa bàn huyện Kông Chro hiện chưa thu hồi được bất kỳ diện tích đất rừng bị lấn chiếm nào. Nguyên nhân dẫn đến điều này, theo ông Nguyễn Lâm-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro là do không có cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí để tổ chức thu hồi đất rừng bị lấn chiếm; chính quyền địa phương còn thiếu quyết liệt trong thực hiện. Đặc biệt, đa số diện tích đất rừng trong diện phải thu hồi hiện do người dân tộc thiểu số canh tác nhưng nhiều hộ chưa có đất sản xuất nên rất khó thu hồi. 
Công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện kê khai diện tích đất rừng lấn chiếm đã được các cấp, các ngành triển khai tích cực nhưng có nơi hiệu quả chưa cao. Nhiều người dân chưa hiểu rõ chủ trương thu hồi đất và chuyển đổi cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng, sợ thu hồi sẽ không có đất sản xuất nên thiếu hợp tác. Đặc biệt, công tác rà soát, phân loại đối tượng lấn chiếm đất rừng gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận đối tượng (người dân địa phương từ tỉnh này sang tỉnh khác, địa phương này sang địa phương khác xâm canh) và không có đủ hồ sơ vi phạm được lập, không xác định được thời điểm chặt phá, lấn chiếm đất rừng…
Ông Lâm Văn Long-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ia Grai-cho biết: Huyện Ia Grai có diện tích đất rừng bị lấn chiếm lớn. Đa phần người dân lấn chiếm đất rừng là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn. Do đó, công tác vận động người dân tự kê khai diện tích đất rừng lấn chiếm và thu hồi rừng gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, việc triển khai thu hồi đất rừng bị lấn chiếm còn gặp phải sự chống đối của người dân. Điển hình là ngày 21-7-2017, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Ia Grai triển khai thu hồi đất rừng bị lấn chiếm đã bị người dân xã Ia Bă ngăn cản, đánh bị thương nhân viên quản lý bảo vệ rừng của đơn vị hay vụ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly trong quá trình phát dọn thực bì chuẩn bị trồng rừng năm 2017 trên địa bàn xã Ia Bă cũng bị người dân chống đối. Đây là những lý do khiến huyện Ia Grai đến nay mới chỉ triển khai thu hồi được gần 269 ha/806,5 ha đất rừng bị lấn chiếm theo kế hoạch tỉnh giao.
 QUANG TẤN-CHÍ HÀO

Có thể bạn quan tâm