Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Thu thập thông tin cung-cầu lao động cơ sở hoạch định chính sách việc làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian này, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đang tập trung thu thập thông tin cung-cầu lao động. Đây là cơ sở để đánh giá thực trạng lao động, việc làm của từng địa phương, góp phần hoạch định chính sách phù hợp.
Năm nay, con trai lớn ông Hvung (làng Bot Grek, xã Hnol, huyện Đak Đoa) đến tuổi lao động. Nhà chỉ có vài sào đất trồng mì, cha con ông dự định vào Bình Dương để tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài mấy tháng nay nên cha con ông vẫn chưa đi được. Khi cán bộ địa phương đến nhà thu thập thông tin lao động, ông bày tỏ: “Tôi hy vọng với việc thu thập thông tin, nắm bắt nhu cầu của người dân về việc làm, các ngành, địa phương sớm có chính sách phù hợp hỗ trợ người dân nắm bắt thông tin và có việc làm ổn định”.
Trực tiếp đi thu thập thông tin, bà Phan Thị Hằng-công chức Văn hóa-Xã hội xã Hnol (huyện Đak Đoa) cho biết: Xã Hnol hiện có 1.025 hộ. So với mọi năm, việc thu thập thông tin cung-cầu lao động năm nay gặp một số khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trước đây, việc thu thập có thể lồng ghép trong quá trình họp thôn, làng hoặc thông báo để 10-15 hộ tập trung tại 1 điểm. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên cán bộ phải đến từng nhà, gặp từng người. “Đối với các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, chúng tôi gửi phiếu qua email, Zalo để đơn vị cập nhật báo cáo thông tin về nhu cầu tuyển dụng, chế độ, chính sách cho người lao động tại đơn vị”-bà Hằng nói.
Công chức Văn hóa-Xã hội xã Hnol (huyện Đak Đoa) hướng dẫn điều tra viên làng Bot Grek thu thập thông tin cung-cầu lao động. Ảnh: Đinh Yến
Công chức Văn hóa-Xã hội xã Hnol (huyện Đak Đoa) hướng dẫn điều tra viên làng Bot Grek thu thập thông tin cung-cầu lao động. Ảnh: Đinh Yến
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hoài-công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) cho biết: “97% dân số của xã là đồng bào dân tộc thiểu số. Để thông tin được đầy đủ, chính xác, các điều tra viên, giám sát viên phải đến từng nhà. Việc làm này rất mất thời gian”. 
Nhận được phiếu thu thập thông tin về việc sử dụng lao động qua hệ thống email, bà Nguyễn Thị Mai Lan-Trưởng phòng Nhân sự (Công ty TNHH Olam-Chi nhánh Gia Lai) cho hay: “Phiếu thu thập khá rõ ràng, đơn vị có trách nhiệm bổ sung đầy đủ thông tin theo yêu cầu để chuyển cho địa phương trong thời gian sớm nhất. Đơn vị đang quản lý, sử dụng 650 lao động. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc gửi phiếu thu thập thông tin là hoàn toàn hợp lý. Qua việc thu thập thông tin, nắm bắt tình hình, doanh nghiệp cũng mong muốn các ngành chức năng sớm có cơ chế, chính sách hợp lý về nguồn nhân lực để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trao đổi về việc thu thập thông tin cung-cầu lao động năm nay, bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-thông tin: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở không tổ chức tập huấn hướng dẫn điều tra viên, giám sát viên như mọi năm mà ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết. Đồng thời, Sở khuyến khích các Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội cấp huyện ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thu thập thông tin. Theo đó, phần thu thập nhu cầu việc làm tiến hành rà soát từng hộ, nắm thông tin biến động từng người. Việc thu thập thông tin cung-cầu lao động sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7. Các thông tin thu thập phải đầy đủ, đảm bảo tính chính xác, khách quan. Vì đây là cơ sở để hoạch định chính sách việc làm và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với cung-cầu lao động trên địa bàn tỉnh thời gian tới. Bên cạnh đó, qua công tác thu thập thông tin cũng giúp các ngành, các địa phương và doanh nghiệp đánh giá đúng thực trạng tuyển dụng, sử dụng lao động phục vụ cho việc quản lý, tổ chức thực hiện các chính sách lao động-việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách phát triển thị trường lao động.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm