Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Thu thập thông tin kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số tại Gia Lai: Cơ sở hoạch định chính sách phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với cả nước, từ 7 giờ sáng 1-10, tất cả 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Gia Lai đã đồng loạt tiến hành điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số. Đây là cuộc điều tra quy mô lớn với 21.030 hộ chọn mẫu điều tra được chia làm 650 địa bàn, với sự tham gia của 357 điều tra viên.
Lúng túng ban đầu
Chúng tôi theo chân cán bộ Cục Thống kê tỉnh, huyện Đak Đoa cùng các điều tra viên thực hiện việc điều tra thu thập thông tin tại thị trấn Đak Đoa. Mỗi điều tra viên được cài đặt hệ thống phần mềm trên điện thoại thông minh, máy tính bảng để đến từng hộ gia đình được chọn mẫu trên địa bàn phỏng vấn, thu thập thông tin. Dù đã được tập huấn về quy trình, phương pháp dựa vào 95 câu hỏi trên phiếu điện tử, các điều tra viên vẫn không tránh khỏi lúng túng ban đầu khi áp dụng vào thực tế.
Theo quan sát của chúng tôi, khi thu thập thông tin nhận diện nhanh về hộ gia đình thì điều tra viên thực hiện khá nhanh, còn khi chuyển sang những câu hỏi liên quan đến trình độ học vấn, đánh giá thực trạng kinh tế gia đình, việc làm, nhu cầu vay vốn, các trang-thiết bị phục vụ sinh hoạt, giữ gìn phong tục văn hóa của dân tộc thì sự lúng túng thể hiện rõ. Chẳng hạn, với một số chỉ tiêu ước tính thu nhập của hộ, điều tra viên phải rà đi xét lại nhiều lần mới nhấn nút “có” hoặc “không”. 
 Cán bộ Cục Thống kê tỉnh và huyện Đak Đoa cùng điều tra viên thu thập thông tin tại các hộ chọn mẫu. Ảnh: Y.D
Cán bộ Cục Thống kê tỉnh và huyện Đak Đoa cùng điều tra viên thu thập thông tin tại các hộ chọn mẫu. Ảnh: Y.D
Chị Hoanh-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ, điều tra viên thôn Piơm (thị trấn Đak Đoa) chia sẻ: “Trước khi điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số, chúng tôi được tập huấn kỹ quy trình trả lời bộ 95 câu hỏi. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi chúng tôi thấy lúng túng như câu hỏi liên quan đến trình độ học vấn. Người dân tộc thiểu số có người biết đọc nhưng lại không biết viết chữ phổ thông, chữ của dân tộc mình, trong khi câu trả lời chỉ là “có” hoặc “không”. Vì thế, chúng tôi thường hỏi kỹ mới quyết định đánh dấu. Hay xác định cụ thể diện tích đất sản xuất, nhiều người chỉ nói là nhà có vài đám đất trồng lúa, trồng cây lâu năm, chứ không biết chính xác là bao nhiêu mét vuông”. 
“Không ai bị bỏ lại phía sau”
Để công tác điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội đạt kết quả cao, bên cạnh tinh thần trách nhiệm của các điều tra viên, điều quan trọng là sự hợp tác của người dân trong việc cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin trong bộ câu hỏi. Bởi lẽ, cuộc điều tra này là cơ sở để phục vụ việc hoạch định chính sách phát triển cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025 trên tinh thần “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Ông Nguyễn Văn Thông-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện Đak Đoa-cho biết: “Chúng tôi xác định việc điều tra thu thập thông tin sẽ gặp một số khó khăn nhất định do bà con dân tộc thiểu số thường đi làm rẫy từ sáng sớm. Giải pháp của chúng tôi là điều tra viên kết hợp với trưởng thôn, bí thư chi bộ, cán bộ hội, đoàn thể nhắc nhở người dân. Trong trường hợp người dân vắng nhà, các điều tra viên sẽ chủ động đi điều tra vào buổi tối để kịp tiến độ”.
Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Đoan-Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh-cho biết: “Cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số được thực hiện từ ngày 1 đến 30-10-2019. Để cuộc điều tra thành công, ngoài sự đóng góp của các điều tra viên, tổ trưởng, giám sát viên thì rất cần sự phối hợp của Ban Dân tộc tỉnh, huyện để công tác kiểm tra, giám sát, thu thập thông tin tránh các lỗi sai sót hệ thống. Theo kế hoạch, kết quả cuộc điều tra sẽ được Cục Thống kê tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh công bố vào đầu năm 2020”.
 YẾN DUNG

Có thể bạn quan tâm