Thủ tướng chỉ đạo dùng mọi biện pháp ngăn chặn bệnh dịch Ebola

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ban bố cảnh báo toàn cầu, sáng 9-8 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo Bộ Y tế và một số bộ, ngành liên quan yêu cầu khẩn trương triển khai ngay các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn dịch bệnh Ebola lây lan vào nước ta, đồng thời chủ động các phương án tiếp nhận, cách ly và điều trị khi tình huống xấu nếu có thể xảy ra nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.


Bệnh do virus Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao, có thể lên tới 90%. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường, dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp về dịch bệnh Ebola.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp về dịch bệnh Ebola.

Từ cuối năm ngoái đến tháng 8 năm nay, dịch bệnh do virus Ebola đã bùng phát trở lại tại 4 quốc gia vùng Tây Phi với trên 1.600 người mắc và đã có 887 người tử vong.

Tổ chức Y tế Thế giới nhận định: đây là vụ dịch lớn nhất của căn bệnh này trong lịch sử gần 4 thập kỷ qua, dịch lan truyền nhanh hơn nếu không nỗ lực kiểm soát và phòng chống thì tình hình sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn và sẽ cướp đi nhiều sinh mạng, kinh tế xã hội suy thoái trầm trọng và nguy cơ dịch sẽ lan truyền sang các nước khác là rất lớn.

Bệnh do virus Ebola cần được ưu tiên triển khai khẩn cấp cả cấp quốc gia và quốc tế. Theo nhận định của Bộ Y tế, mặc dù đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Ebola tại Việt Nam, nhưng nguy cơ dịch bệnh lây lan vào Việt Nam là hoàn toàn có thể, nhất là thông qua việc di chuyển của hành khách qua các cửa khẩu quốc tế.

Để chủ động phòng chống dịch, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đưa ra các phương án với 8 nhóm giải pháp quan trọng, trong đó đã có các chỉ đạo cần thiết về cơ chế điều hành, chuyên môn, kỹ thuật, truyền thông, hậu cần triển khai trên toàn quốc. Hiện việc kiểm soát y tế đã được triển khai ở tất cả 5 cửa khẩu hàng không quốc tế và sẽ tiếp tục triển khai tại các cửa khẩu đường bộ và đường biển.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định:“Mục đích cao nhất là ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào Việt Nam. Chúng tôi hy vọng nếu chúng ta làm quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh ngay tại các cửa khẩu hàng không thì có thể ngăn chặn được. Còn cửa khẩu đường thì bộ, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao để hợp tác chặn chẽ với các cơ quan chức năng của Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan để ngăn chặn dịch bệnh…”.

Bằng mọi biện pháp ngăn chặn bệnh dịch lây lan vào Việt Nam

Ngay thứ 2 ngày 11-8, Bộ Y tế cũng chính thức đưa vào vận hành Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp làm đầu mối phối hợp quốc tế, trong đó có phối hợp với WHO và Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ và kết nối, hỗ trợ các địa phương trong trường hợp khẩn cấp. Các phương án, kế hoạch giám sát và phát hiện bệnh; xét nghiệm; công tác thu dung và điều trị bệnh nhân… đã được triển khai, kể cả phương án thành lập các bệnh viện dã chiến nếu bệnh dịch lây lan vào Việt Nam.

Đánh giá cao Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng các phương án và kế hoạch phòng chống dịch bệnh ngay từ khi có thông tin và khuyến cáo của WHO, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn, sức khỏe và tính mạng của nhân dân, Bộ Y tế và các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương, bằng mọi biện pháp cần thiết nhằm đạt yêu cầu cao nhất là ngăn chặn bệnh dịch lây lan vào Việt Nam; đồng thời chủ động các phương án, kế hoạch phòng chống, dập dịch trong trường hợp dịch bệnh được phát hiện và có nguy cơ lây lan trong nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với WHO để nắm chắc diễn biến dịch bệnh; thông báo kịp thời diễn biến dịch bệnh, đồng thời nói rõ tính nguy cấp, cơ chế lây lan và tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh để người dân biết và nâng cao ý thức tự phòng tránh dịch bệnh”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ: Y tế, Giao thông-Vận tải, Quốc phòng, Công an phối hợp tăng cường thiết bị, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh ngay tại các cửa khẩu quốc tế, cả hàng không, đường bộ và đường biển, đồng thời có phương án phân loại cụ thể và cách ly hiệu quả. Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có khuyến cáo phù hợp về hạn chế công dân Việt Nam đi làm việc, du lịch tại các nước có dịch hoặc nguy cơ cao về dịch bệnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chịu trách nhiệm xây dựng phương án, kế hoạch, hướng dẫn về mặt chuyên môn, hậu cầu nhằm chủ động dập dịch trong trường hợp bệnh dịch được phát hiện và lây lan trong nội địa. Về công tác truyền thông, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương chủ động thông tin đầy đủ, kịp thời cho nhân dân về tình hình, diễn biến dịch bệnh, cơ chế lây lan, các biện pháp ứng phó, cách thức phòng tránh để người dân nắm bắt và chủ động phòng tránh; đồng thời không tạo tâm lý chủ quan trước dịch bệnh cũng như không gây hoang mang, lo lắng không cần thiết.

Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế khẩn trương xây dựng dự thảo Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai ngay các biện pháp cần thiết nhằm phòng-chống, ngăn chặn dịch bệnh do virus Ebola.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm