Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm, làm việc tại tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 17-12, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác của Chính phủ gồm lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai về tình hình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
 

Ảnh: Đ.T
Ảnh: Đ.T



Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết, năm 2016 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cơ bản đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra 7,48%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. GRDP bình quân đầu người đạt 38,2 triệu đồng/năm. Tổng diện tích gieo trồng đạt 102,15% kế hoạch. Trong năm 2016, Gia Lai có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới (hiện toàn tỉnh có 30 xã đạt chuẩn). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.541 tỷ đồng (bằng 103,7% Nghị quyết, tăng 6,9% so với năm 2015). Sản xuất công nghiệp phát triển ổn định, mặc dù một số sản phẩm không đạt kế hoạch do ảnh hưởng của hạn hán nhưng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 ước đạt 16,658 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch, tăng 9,7% so với cùng kỳ).

Lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học công nghệ tiếp tục có bước phát triển. Các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được triển khai đồng bộ. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2016 là 16,95%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chiếm 82,3% dân số (đạt 107,7% kế hoạch, tăng 12% so với cùng kỳ 2015). Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực; chỉ số cải cách hành chính năm 2015 của tỉnh đứng thứ 13/63 toàn quốc (tăng 38 bậc so với năm trước). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 của tỉnh đứng thứ 47 toàn quốc, đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên (tăng 1 bậc so với năm 2014).

 

Ảnh: Đ.T
Ảnh: Đ.T

Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 được đề ra cụ thể: tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 7,52%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 20 xã; kim ngạch xuất khẩu đạt 450 triệu USD (tăng 12,5%so với năm 2016); tổng thu ngân sách trên địa bàn là 3.613,6 tỷ đồng (tăng 2% so với năm 2016); GRDP bình quân đầu người là 41,5 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,35%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế là 83,04%; tỷ lệ che phủ của rừng là 46,25%...

Ngoài ra, tỉnh Gia Lai cũng đưa ra 10 kiến nghị, đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ: Đầu tư một khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Gia Lai theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, ngày 14-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ để tạo nền tảng cho nghiên cứu phát triển rừng bền vững khu vực; cho phép Gia Lai tổ chức Festival Cồng chiêng cấp Quốc gia, quốc tế 2 năm/lần; Xây dựng cơ chế riêng cho các doanh nghiệp tại Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh về miễn giảm tiền thuê đất và miễn phí một phần thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ chi phí vận chuyển; Xem xét việc xây dựng quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng chủ lực như tiêu, cà phê, cao su, điều cho khu vực Tây Nguyên, mở rộng, kết nối một số tyến quốc lộ, tỉnh lộ…

    Sau khi nghe lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương có những ý kiến về những vấn đề cụ thể nhằm góp ý về những đề xuất, kiến nghị của Gia Lai, phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai đạt được. Thủ tướng nhấn mạnh: “Gia Lai là tỉnh có tiềm năng thế mạnh của Tây Nguyên. Gia Lai có nhiều lợi thế về đất đai, có nền văn hóa phong phú, có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế được hình thành, có sự đoàn kết giữa các dân tộc anh em... Tôi tin Gia Lai sẽ phát triển rất tốt”. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số hạn chế mà tỉnh cần khắc phục như: Quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ trong khi tiềm năng thì lớn; Công nghiệp chế biến chưa xứng tầm (đặc biệt, chưa đưa được thương hiệu ra thị trường quốc tế); Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao; Nguồn nhân lực còn nhiều bất cập; Tình hình an ninh-trật tự còn tồn tại nhiều vấn đề; Bản sắc văn hóa dân tộc đang dần mai một...

 

Ảnh: Đ.T
Ảnh: Đ.T

Theo Thủ tướng, các cấp lãnh đạo Gia Lai cần nhìn thẳng vào những vấn đề còn tồn tại để giải quyết. Phải có quyết tâm lớn và giải pháp mạnh mẽ để phát triển. Với một tỉnh miền núi, tỷ lệ đói nghèo còn cao như Gia Lai thì hướng phát triển cần có nhiều đổi mới, sáng tạo. Thời gian tới, Gia Lai cần bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ của 2017.Triển khai đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết 35, Nghị quyết 19 và Nghị quyết 60 của Chính phủ; Xác định lại trung tâm phát triển CamPuChia-Lào-Việt Nam và thu hút một số dự án; Xác định du lịch là thế mạnh của tỉnh; Tiếp tục quy hoạch và kết cấu hạ tầng; Tiếp tục làm tốt an sinh xã hội, giữ gìn an ninh trật tự; Có quy chế điều tiết các hồ chứa.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận, xem xét và chỉ đạo các bộ, ngành trực tiếp thực hiện.

Minh Dung

Có thể bạn quan tâm