Thừa Thiên Huế: Trồng và nhân giống thành công “lục bảo linh chi”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Linh chi, một loài nấm dược liệu quý hiếm trong tự nhiên có khả năng phòng và chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo, đang ngày càng trở nên khan hiếm. Với kinh nghiệm hơn nửa cuộc đời gắn bó với nấm, PGS. TS Ngô Anh - Trưởng bộ môn Thực Vật - Khoa sinh - Trường ĐH Khoa học Huế đã cho ra đời công trình nghiên cứu trồng và nhân giống thành công gần 30 loài nấm quý hiếm, trong đó có “lục bảo linh chi” (6 loại nấm quý hiếm).

Hơn nửa cuộc đời đi tìm nấm

Từ bao đời nay, Linh chi là thảo dược có nguồn gốc từ thiên nhiên quý hiếm được gọi là thần dược cứu chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo và được người đời tôn sùng là một vị thuốc có khả năng cải tử hoàn sinh… Do vậy trong tự nhiên Linh chi luôn trở thành mục tiêu kiếm tìm của rất nhiều người và đang ngày càng trở nên khan hiếm.

PGS. TS Ngô Anh bên trại nấm tại gia của mình. Ảnh: Mi Phương
PGS. TS Ngô Anh bên trại nấm tại gia của mình. Ảnh: Mi Phương

Khi mà cuộc kiếm tìm Linh chi quý hiếm chưa tới hồi kết thì mới đây PGS. TS Ngô Anh đã cho ra đời công trình nghiên cứu của đời mình, trồng và nhân giống thành công gần 30 loài nấm quý hiếm trong đó có “lục bảo Linh chi”… hứa hẹn một nguồn dược liệu quý trong tương lai.

Bắt tay vào nghiên cứu nấm từ năm 1978, khi còn đang ngồi trên giảng đường đại học cho đến nay đã hơn nửa cuộc đời. Bao nhiêu tâm huyết với nấm cuối cùng cũng được đền đáp khi mỗi ngày các công trình nghiên cứu về nấm của ông ngày càng dầy lên. Gần như quy luật cứ khoảng 3 năm trời tìm tòi, mầy mò nghiên cứu và thuần chủng mẫu vật, ông lại cho ra đời một loài nấm mới có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu ở nước ta và đến nay đã hơn 30 năm trôi qua.

Nấm Hoàng chi - Linh chi vàng. Ảnh: Mi Phương
Nấm Hoàng chi - Linh chi vàng. Ảnh: Mi Phương

Ông cho biết: Tôi như có duyên nợ với nấm, thời trẻ hàng tháng trời lang thang trong các khu rừng già ở nước ta để tìm kiếm mẫu vật mang về nghiên cứu. Thường những loài nấm quý hiếm rất khó kiếm hay mọc trên các thân cây cao, các vùng núi non hiểm trở và ở tận trong rừng sâu, cho dù đã phát hiện ra đi nữa nhưng để hái được cũng là cả một vấn đề.

Không phụ tấm lòng tâm huyết của ông giáo già, sau hơn 30 năm trời dành thời gian nghiên cứu mẫu vật, nhân giống thử nghiệm. Đến nay, những giống Linh chi quý hiếm vốn chỉ ưa sống ở những thân cây cao, núi non hiểm trở giờ có thể “xuống núi” sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở nước ta.

Đây đều là những loài có tính dược dụng cao, quý hiếm và rất khó kiếm trong tự nhiên. Đặc biệt, tất cả đã được thuần chủng phù hợp với điều kiện khí hậu nắng nóng, mưa lũ. Bên cạnh đó, kỹ thuật nuôi trồng tương đối đơn giản, chi phí đầu tư thấp. Hiện nhà riêng của ông và một số nơi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang được trồng thử nghiệm các loại Linh chi quý hiếm trên và đang cho kết quả rất tốt.

Mong muốn được phổ biến nguồn dược liệu quý hiếm

Hắc chi - Linh chi đen. Ảnh: Mi Phương
Hắc chi - Linh chi đen. Ảnh: Mi Phương

Những tác dụng của Linh chi trong thực tế, thực hư đã được kiểm chứng qua thời gian và khoa học, và đây được đánh giá là nguồn dược liệu vô cùng quý giá nếu có thể nuôi trồng, nhân giống thành công với quy mô lớn.

Theo PGS.TS Ngô Anh, trong số gần 30 loài nấm quý hiếm vừa nghiên cứu thành công ngoài các loài nấm đa niên (lâu năm) còn có “lục bảo Linh chi” 6 loại nấm quý hiếm gồm: Hoàng chi - linh chi vàng (Ganoderma colossum), Xích chi - linh chi đỏ (Ganoderma lucidum), Cổ linh chi (Ganomader australe), Tử chi - linh chi tím (Ganoderma fulvellum), Thanh chi - linh chi xanh (Ganoderma philippii), Hắc chi - linh chi đen (Ganoderma subresinosum).

Tử chi - Linh chi tím. Ảnh: Mi Phương
Tử chi - Linh chi tím. Ảnh: Mi Phương

Đó đều là các loại Linh chi quý hiếm có tính dược dụng cao, có khả năng phòng và trị được nhiều bệnh hiểm nghèo như: Xích chi, có tác dụng chống khối u, chống virus, làm giảm mỡ máu, điều hòa áp suất máu, làm giảm đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường, có các hoạt tính chống ung thư, một số hoạt chất Methanol, hexane, Ethyl acetate để kìm hãm quá trình sinh trưởng và phát triển của virus HIV… Cổ Linh chi, có tác dụng chống khối u, tăng khả năng miễn dịch, ngăn cản sự phát triển của virus… Hoàng chi, điều hòa sự nhiễm độc của tế bào, chống các tế bào ung thư Hela, chống viêm nhiễm… Thanh chi, giúp bổ mắt, an thần, tăng trí nhớ…

Hiện nay trên thế giới chỉ có Xích chi là phổ biến và được dùng nhiều do tìm thấy nhiều trong thiên nhiên, còn các loại khác thì rất hiếm và không được sử dụng rộng rãi, hơn nữa giá thành cao, thật giả rất khó phân biệt.

Thầy Anh cho biết thêm, hiện nay quy trình để trồng và sản xuất gần 30 loài nấm quý đã hoàn tất, việc nuôi trồng lại đơn giản, đầu tư ít gồm nhà xưởng, nguyên liệu chủ yếu là mùn cưa… rất dễ kiếm mà hiệu quả kinh tế mang lại cao nếu được đưa vào nuôi trồng quy mô lớn. Đây sẽ là nguồn cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất thuốc. Thầy cho biết, bất cứ công ty, người dân nào có nhu cầu thầy sẵn sàng chuyển giao công nghệ, kỹ thuật để có thể nhân rộng các loài nấm quý hiếm ra xã hội.

Mi Phương

Có thể bạn quan tâm